Thời sự
Đàm phán FTA Việt Nam - Vương quốc Anh kết thúc trong thời gian kỷ lục
Hải Yến - 11/12/2020 17:28
Hiệp định UKVFTA thể hiện sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam - Vương quốc Anh đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã kết thúc đàm phán và sớm được 2 bên ký kết để đi vào thực thi.

Chiều 11/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh  Elizabeth Truss đã chính thức ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA).

Sau 6 phiên làm việc chính thức, và nhiều phiên làm việc kỹ thuật, 2 bên đã chính thức đi đến ký kết biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - Vương quốc Anh. Đây sẽ là bước quan trọng để 2 nước sớm đi đến ký kết chính thức Hiệp định này trong thời gian tới

Đến hết tháng 8/2020, Anh có 400 Dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có Dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh khi đây là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.

Phát biểu tại lễ ký kết,  Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD.

" FTA song phương này mang tới một sự tiếp nối quan trọng đối với mối quan hệ thương mại năng động và phát triển nhanh chóng của hai bên. UKVFTA  vẫn duy trì các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thương mại hàng hóa từ dệt may, da giày cho tới các mặt hàng thủy sản vẫn không bị gián đoạn. Thương mại dịch vụ, cụ thể là dịch vụ tài chính và thương mại điện tử, có thể tiếp tục phát triển", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Anh.

Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại Việt Nam - Anh. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan. Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Anh, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng Anh.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh, bà Elizabeth Truss khẳng định, đàm phán UKVFTA kết thúc trong một thời gian kỷ lục, chỉ sau 6 phiên làm việc chính thức, và nhiều phiên làm việc kỹ thuật. FTA này không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Điều quan trọng được bà Elizabeth Truss tiết lộ, Hiệp định này cũng là một bước tiến quan trọng để Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

"Việc gia nhập CPTPP là một ưu tiên của Chính phủ Anh, và Chính phủ  đã có kế hoạch cho việc này vào đầu năm 2021. CPTPP là một trong các hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất trên thế giới, chiếm tỷ trọng 13% tổng GDP toàn cầu năm 2019. Nếu Vương quốc Anh tham gia CPTPP, con số nói trên sẽ tăng lên 16% tổng GDP toàn cầu", bà Elizabeth Truss cho hay.

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA sẽ tạo cơ hội hợp tác, hỗ trợ cho hai nước phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh.

Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit

Tin liên quan
Tin khác