Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trà lời chất vấn. |
Trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông, Bộ Ngoại giao đang đàm phán 80 nước miễn thị thực song phương về hộ chiếu ngoại giao, công vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết khi trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18/3.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đặt vấn đề, năm nay Việt Nam kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị cho sang năm sẽ là năm tròn 50 năm. Việt Nam từ một nước bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo, lạc hậu, đã trở thành nước đang phát triển.
Năm 2023, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình, quy mô GDP đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN, thứ 35 trên thế giới, là nước đông dân thứ ba khu vực ASEAN và đứng thứ 15 trên thế giới.
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Và chúng ta cũng đã đơn phương hoặc ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, du lịch cũng rất nhiều. Tuy nhiên, còn khá ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực của công dân Việt Nam còn gặp khá nhiều khó khăn, phức tạp.
Đại biểu hỏi Bộ trưởng, vai trò cuả Bộ Ngoại giao trong vấn đề này như thế nào? Bộ có giải pháp gì để cải thiện tình hình này, tạo thêm thuận lợi cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam cho tương xứng với vị thế của đất nước trong giai đoạn hiện nay?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện nay các nước trên thế giới rất quan tâm, tăng cường đến thăm, thúc đẩy du lịch với Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hiệu quả, có nhiều danh lam, thắng cảnh, lịch sử.
Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn đi du lịch, vừa để làm ăn, du lịch.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy giao lưu quốc tế hiện nay. Như phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài cũng như đồng bào ta ở nước ngoài về nước. Gần đây nhất Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và nước ngoài. Trong đó tạo điều kiện rất nhiều như mở rộng thời gian lưu trú, tăng cường cấp visa du lịch.
Ngoài ra, hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương. Đây là địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Vừa rồi sửa luật Xuất nhập cảnh Bộ kiến nghị tiếp tục gia hạn miễn thị thực.
“Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương. Như vậy chúng ta có 28 nước, công dân có thể đi lại được với nhau. Đây là hướng chính chúng tôi triển khai thời gian tới. Để làm sao công dân chúng ta ra nước ngoài cũng đảm bảo nhưu công dân nước bạn vào Việt Nam. Vị thế Việt Nam cũng tăng lên”, ông Sơn nói.
Trong đièu kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông, Bộ Ngoại giao đang đàm phán 80 nước miễn thị thực song phương về hộ chiếu ngoại giao, công vụ. Việc này tạo điều kiện để lãnh đạo, bộ ngành địa phương đi nước ngoài thuận tiện hơn nhiều, ông Sơn cho biết thêm.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chất vấn, việc bảo hộ công dân trong các lĩnh vực ở nước ngoài sau đại dịch Covid-19 được nhân dân trong nước đồng tình ủng hộ, Việt kiều rất cảm ơn Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên có không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học cử tu nghiệp đi nước ngoài không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác đi học khó khăn. Vậy trách nhiệm của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp để trục xuất các đối tượng này về nước, để lập lại kỷ cương.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hồi âm, sau đại dịch Covid-19, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và quốc tế triển khai mạnh mẽ, năm 2022 chỉ có khoảng 3,8 triệu lượt công dân ra nước ngoài nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu công dân ra nước ngoài. Số lượng lao động, du học quay trở lại các nước tăng rất nhanh.
Trong số đó có một số nơi có tình trạng vi phạm, không chỉ trốn ở lại, kể cả người sang lao động, du học sinh, làm ảnh hưởng đến hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác.
Vừa rồi Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành phải xây dựng quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động vừa chấp hành tốt nội quy, quy định của nước sở tại, đồng thời đóng góp vào kinh tế xã hội nước sở tại và quan hệ hai nước, ông Sơn hồi âm đại biểu.