Điểm sáng của bức tranh kinh tế 2018
Một trong những điểm sáng đáng chú ý của bức tranh kinh tế Việt Nam trong 10 tháng qua và trong cả năm 2018 là xuất nhập khẩu.
Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt trên 394 tỷ USD, gần sát ngưỡng 400 tỷ USD mà năm ngoái, Việt Nam đã hồ hởi đón nhận vào những ngày cuối năm. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2%; còn kim ngạch nhập khẩu ước đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xếp dỡ hàng tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh |
Còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2018, do vậy, khả năng đạt được con số 475 tỷ USD, như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là rất lớn. Không chỉ là đạt kim ngạch xuất nhập khẩu cao, mà có thể, năm nay cũng sẽ đạt kỷ lục về xuất siêu. Hiện tại, sau 10 tháng, Việt Nam đã xuất siêu trên 6,4 tỷ USD. Cả năm, do những tháng cuối năm thường nhập khẩu lớn, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng phục vụ cho các dịp lễ, Tết, nên xuất siêu sẽ chậm lại, thậm chí có thể có tình trạng nhập siêu. Tuy nhiên, theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm nay, Việt Nam có thể xuất siêu tới 5 tỷ USD. Nếu vậy, đây sẽ là mức xuất siêu cao nhất từ trước tới nay.
Năm ngoái, cũng thời điểm này, những dự báo về việc Việt Nam sẽ cán ngưỡng xuất khẩu khẩu 400 tỷ USD bắt đầu được đưa ra. Giữa tháng 12/2017, Tổng cục Hải quan đã tổ chức riêng một buổi lễ long trọng để đánh dấu mốc Việt Nam đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 400 tỷ USD. Cuối năm, con số chính thức được công bố lên tới 425 tỷ USD. Năm nay, con số này được dự báo là 475 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục tích cực, thì Việt Nam cũng sẽ sớm đạt được ngưỡng xuất nhập khẩu 500 tỷ USD.
Nỗi lo đằng sau con số kỷ lục
Phải thừa nhận rằng, việc Việt Nam dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 475 tỷ USD trong năm nay là một thành tích rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh thương mại thế giới chịu nhiều sức ép của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xu thế bảo hộ mậu dịch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 cũng đã nhấn mạnh điều này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều đáng mừng là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tuy vậy, bình luận về con số này, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, vẫn không khỏi băn khoăn khi tăng trưởng xuất khẩu “dựa vào thế giới”, nhưng nguồn lực để đáp ứng nhu cầu lại được “nhập khẩu từ bên ngoài”. “Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho giá trị gia tăng tạo ra thấp, giữ lại trong nước không được bao nhiêu”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Từ thực tế đó, bà Hải đề nghị, tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải có “giải pháp tích cực hơn nữa”.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lại băn khoăn 2 điều.
Thứ nhất, tổng thể quốc gia xuất siêu, nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại, trong khi khu vực trong nước vẫn nhập siêu. “Các doanh nghiệp FDI xuất siêu, nên phần lớn giá trị gia tăng thuộc về họ. Chúng ta tham gia ở phân khúc thấp trong việc hình thành sản phẩm xuất khẩu, nên đương nhiên hưởng phần ít hơn”, ông Hoàng Quang Hàm nói.
Thứ hai, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh khiến độ mở của nền kinh tế lớn, nên dễ bị tác động, dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới có biến động. Hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gấp 2 lần GDP.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, những băn khoăn, lo ngại này được nhắc tới. Những điểm yếu trong thương mại hàng hóa của Việt Nam đã luôn được khẳng định. Đó là sự phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI và dễ gặp rủi ro khi thị trường thế giới có biến động.
Hiện nay, một trong những nỗi lo khá lớn là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), khi phân tích bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2019, đã đề cập một yếu tố bên ngoài có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam, đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang. Theo ông Hà Sỹ Đồng, phải rất lưu tâm yếu tố này, bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Nếu không có sự chuẩn bị trước và có giải pháp ứng phó, không chỉ thương mại hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng trong năm 2019. Nếu không có các giải pháp kịp thời để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ cấu kinh tế Việt Nam, thì niềm vui đạt kỷ lục xuất nhập khẩu sẽ thiếu trọn vẹn.