Thương vụ sáp nhập Sendo - Tiki vẫn chưa chính thức được xác nhận, nhưng một điều dễ nhận thấy là, sau bán lẻ truyền thống, đến lượt các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước cũng đang căng mình chống lại làn sóng thâm nhập của doanh nghiệp ngoại.
Dịch vụ giao hàng siêu tốc TikiNow của Tiki. Ảnh: Lê Toàn |
Sức ép từ doanh nghiệp ngoại
Dù chưa có xác nhận chính thức, nhưng thương vụ Sendo - Tiki vẫn thu hút được sự quan tâm của dư luận bởi thị trường thương mại điện tử hiện nay nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài với hai đại diện là Lazada và Shopee. Báo cáo tổng kết thương mại điện tử 2019 của iPrice Group cho thấy, Shopee và Lazada là hai ứng dụng thương mại điện tử được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam.
Hiện cả 4 công ty thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang lỗ, nhưng tiềm lực rất khác nhau. Trong khi Tiki và Sendo đang phụ thuộc khá lớn vào các nhà đầu tư, thì Lazada và Shopee đã có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cụ thể, Lazada được “chống lưng” bởi Alibaba. Kể từ khi mua lại toàn bộ hoạt động Lazada Group ở Đông Nam Á vào năm 2016, Alibaba đã bơm thêm 2 tỷ USD vào doanh nghiệp này để tăng cường hoạt động logistics, kho bãi để giảm thời gian, giảm cước vận chuyển hàng hóa.
Tương tự, Shopee được chống lưng bởi Sea (tiền thân là Garena). Game di động, mảng nuôi sống Công ty vẫn đang phát triển rất tốt, lợi nhuận trước thuế của mảng này năm 2019 đạt 1 tỷ USD và là nền tảng cho Sea tiếp tục đầu tư mở rộng thị phần Shopee.
Trước 2 đối thủ được hậu thuẫn mạnh từ tập đoàn mẹ, câu chuyện hợp nhất Sendo - Tiki được xem là bước đi khả dĩ nhất.
Theo một nguồn tin của Báo Đầu tư, bức tranh chung của thị trường thương mại điện tử Việt Nam dưới sự dẫn dắt Shopee và Lazada là mô hình Marketplace. Theo đó, các sàn vừa tự doanh và vừa mở cho các shop tự kinh doanh. Cách làm này giúp đa dạng sản phẩm dịch vụ trong thời gian ngắn mà không cần quá nhiều vốn đầu tư.
Nhưng đó là đối với các công ty thừa tiền, còn với các công ty như Sendo và Tiki thì chỉ đủ nguồn lực để làm một trong hai mảng đó. Tiki có thế mạnh trong việc tự doanh, hàng hóa có thương hiệu với bộ phận Tiki Trading, nhưng không mạnh trong khoản kết nối các shop bán hàng, dẫn đến hàng hóa Tiki kém đa dạng hơn so với 3 đối thủ còn lại. Trong khi đó, Sendo rất mạnh trong việc tạo sàn kết nối các bên, nhưng lại gặp khó trong việc kiểm soát hàng gian, hàng giả. Do vậy, việc sáp nhập sẽ giúp hai công ty bổ trợ nhau, phát huy được thế mạnh của mình.
Cuộc chiến thương mại điện tử giờ đây đang trong bước ngoặc lớn do các yếu tố bên ngoài và phần nào có lợi cho doanh nghiệp nội. Điển hình như căng thẳng Trung - Mỹ đang leo thang và chính quyền Tổng thống Trump đang thảo luận một số đề xuất gián tiếp hoặc trực tiếp buộc các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán nước này.
Alibaba niêm yết trên sàn New York năm 2014. Nếu mọi chuyện xấu đi, dòng vốn đầu tư vào Lazada sẽ bị ảnh hưởng.
Tượng tự, theo website Tech In Asia, Sea cũng đang chịu áp lực bởi các nhà đầu tư khi mảng thương mại điện tử đang tiêu quá tay. Năm 2019, Shopee đạt doanh thu 942 triệu USD, nhưng chi phí bán hàng và tiếp thị lên đến hơn 80% số tiền kiếm được, dẫn đến khoản lỗ trước thuế tới 1 tỷ USD.
“Trong bối cảnh như vậy, nếu doanh nghiệp nội còn cơ hội chống đỡ, thì nhóm ngoại sẽ chùn tay đốt tiền giành thị phần”, nguồn tin của Báo Đầu tư nhận định.
Bức tranh rộng hơn
Trên thực tế, việc nhóm ngoại lăm le thị phần nhóm nội trên thị trường thương mại điện tử chỉ là phần nổi của tảng băng. Thị trường lớn hơn gấp nhiều lần là bán lẻ truyền thống, với quy mô khoảng 160 tỷ USD năm 2019 (thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt). Miếng bánh bán lẻ Việt Nam là thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
“Với quy mô dân số 97 triệu dân, sức chi tiêu ở Việt Nam là rất lớn. Nhiều tập đoàn bán lẻ nổi tiếng khác của Nhật Bản cũng đang nhòm ngó thị trường Việt Nam”, ông Tetsuo Konaka, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nói.
Tập đoàn AEON (Nhật Bản), sau khi mua lại 30% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart và 49% chuỗi siêu thị Citimart ở Việt Nam, vẫn tiếp tục nâng số lượng trung tâm thương mại AEON Mall lên con số 5 vào cuối năm ngoái.
Tương tự, Central Mart (Thái Lan) sau khi chi 1 tỷ USD mua lại chuỗi Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) vào năm 2016, vẫn liên tục mua lại các chuỗi Lan Chi Mart, Nguyễn Kim…
Một cái tên khác, Tập đoàn Shinegae (Hàn Quốc) sau khi “cắm” đại siêu thị Emart ở Gò Vấp (TP.HCM), đã đầu tư mạnh vào thương mại điện tử để kích cầu. Hai tháng trong mùa dịch bệnh, ứng dụng thương mại điện tử của đơn vị này đã sập 4 lần vì quá tải.
Trong khi đó, BGF (Hàn Quốc), hay Ryohin Keikaku (Nhật Bản) đang gấp rút vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội.
Nhìn chung, ở dưới “đất”, nhóm ngoại đang bày binh bố trận, chực chờ để tung sức bành trướng ngay sau khi các quy định khống chế các nhà bán lẻ nước ngoài phát triển hệ thống phân phối tại Việt Nam hết hiệu lực.
Trong khi đó, ở trên “mây”, thương mại điện tử dù mới bằng 5% doanh thu thị trường bán lẻ truyền thống, nhưng đóng vài trò là chốt chặn quan trọng cuối cùng của bán lẻ Việt Nam, bởi có thể cung cấp cho doanh nghiệp hành vi tiêu dùng, khả năng chi tiêu của khách hàng nội địa và giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian ngắn.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, áp lực đến từ các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống và điện tử là điều khó tránh khỏi khi Việt Nam mở cửa giao thương bằng việc thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các khu vực lớn trên thế giới.
Nhóm doanh nghiệp ngoại có lợi thế hơn về tài chính, kỹ năng quản lý, trình độ khoa học - công nghệ. Đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại có xu hướng ưu ái cho các mặt hàng của họ xuất hiện trên kênh phân phối. Bài học Big C vẫn còn đó.
Khá đau lòng, nhưng ông Thịnh cho rằng, thị trường sẽ sàng lọc mạnh mẽ và các doanh nghiệp phải tự thay đổi để tồn tại, cả doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất, bên cạnh nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, còn phải tạo mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ.
Trên thực tế, lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp nội là lòng yêu nước của người tiêu dùng. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình, quốc gia này từng e ngại khi làn sóng nhà đầu tư ngoại đổ vào ồ ạt, nhưng cuối cùng, các doanh nghiệp này phải bán lại cho công ty Hàn Quốc. Những doanh nghiệp nội địa có cách thức giới thiệu, hậu mãi phù hợp với điều kiện của người tiêu dùng trong nước, thì vẫn có cơ hội thành công.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cho rằng, Nhà nước cần các chính sách đầy đủ, rõ ràng công khai, minh bạch đối với các doanh nghiệp sản xuất nhằm tạo chuỗi giá trị nội địa. Cách làm này cũng giúp Việt Nam có thể hỗ trợ doanh nghiệp nội, mà không vi phạm các quy định đã cam kết trong các hiệp định.
Trở lại câu chuyện Sendo và Tiki, dù có sáp nhập hay không, thì hai đơn vị này vẫn cần dòng vốn đầu tư từ các đối tác chiến lược để tiếp tục phát triển. Trong bối cảnh ngành bán lẻ Việt Nam chỉ còn 4 năm để chuẩn bị và thương mại là chốt chặn cuối cùng, thì hơn bao giờ hết, thị trường kỳ vọng các nhà đầu tư tiếp theo tham gia sẽ là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.