Thời sự
Đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính: Thêm áp lực cải cách
Kỳ Thành - 21/08/2018 07:44
Báo cáo Chỉ số Đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) được kỳ vọng sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách, tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.

Lượng hóa chi phí thủ tục của doanh nghiệp

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ lần đầu tiên công bố Báo cáo Chỉ số Đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI 2018). Báo cáo tập trung vào 8 nhóm thủ tục hành chính quan trọng với doanh nghiệp gồm: khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường và xây dựng.

.

Báo cáo gồm 2 chỉ số thành phần, phản ánh 2 loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp phải chi trả khi thực hiện thủ tục hành chính. Đó là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp (tiền) mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong suốt quá trình thực hiện thủ tục hành chính, kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về thủ tục cho đến khi hoàn tất.

Theo đó, quán quân của Bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục thuế với chi phí tuân thủ hơn 73.000 đồng; thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm này chỉ là 2,9 giờ làm việc. Đứng sau cùng trong Bảng xếp hạng là nhóm thủ tục xây dựng, với chi phí tuân thủ hơn 64 triệu đồng (thời gian thực hiện trên 108 giờ), gấp nhiều lần nhóm thủ tục quán quân của APCI 2018.

APCI 2018 cũng cho thấy, chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Cụ thể, về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ nhiều năm qua.

Do đó, Báo cáo Chỉ số APCI 2018 là báo cáo mang tính cơ sở và sẽ được sử dụng làm căn cứ cho Báo cáo Chỉ số APCI của các năm tiếp theo để so sánh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính từ góc độ doanh nghiệp, giúp Chính phủ có một cái nhìn tổng quan về gánh nặng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết sách phù hợp nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hướng đến những chuẩn mực cao hơn

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh, nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đánh giá, kết quả khảo sát là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ, tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách.

Trong khi đó, từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thuận, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, việc cải cách cũng cần sự tham gia của các doanh nghiệp, chứ không chỉ riêng các bộ, ngành, địa phương. “Chúng ta phải truyền tải tinh thần này của Thủ tướng đến từng doanh nghiệp”, bà Thuận nói.

Bà Thuận cũng dẫn chứng, nhiều địa phương rất nghiêm túc, nhưng việc không tuân thủ lại xuất phát từ phía doanh nghiệp, do họ không biết và vẫn làm như cách cũ. Do đó, bà Thuận đề xuất, Báo cáo APCI trong những năm tới cũng cần nêu rõ những việc doanh nghiệp cần thực thi để nâng cao việc tuân thủ thủ tục.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, công bố Báo cáo APCI để thấy việc cải cách không chỉ riêng của cơ quan nhà nước, mà có sự tham gia của cả doanh nghiệp và người dân. “Với vai trò gác cổng, Văn phòng Chính phủ sẽ có kênh đánh giá độc lập, làm rất kỹ, tránh tình trạng sau cắt giảm hình thức hoặc cắt điều kiện này, lại mọc điều kiện khác. Kiểm tra chuyên ngành cũng vậy, cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng công nhận kết quả của các nước phát triển, những gì không cần thiết phải cắt bỏ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Tin liên quan
Tin khác