Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. |
Chính phủ đã điều hành quyết liệt, phản ứng chính sách khá nhanh nhạy song nền kinh tế còn nhiều tín hiệu đáng lo ngại, theo nhận xét của đại biểu và chuyên gia, trong phiên thẩm tra sáng 27/9 của Uỷ ban Kinh tế.
Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, là một trong hai nội dung của phiên họp này.
Cần đề cập đúng mức điểm sáng
Phát biểu đầu tiên, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, năm 2023 có một số điểm sáng chưa đề cập đúng mức tại báo cáo.
Khởi sắc trong hoạt động đối ngoại ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, kinh tế rất nhiều, thậm chí ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, ông Tuấn nêu ví dụ và nhấn mạnh trong quan hệ đối ngoại, thông thương về thương mại đối với thị trường hàng đầu thế giới là Trung Quốc, năm 2023 có những điểm rất tích cực.
“Tất nhiên, ở khía cạnh nào đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam tại nhiều thị trường quan trọng, nhưng rõ ràng giao lưu, thông thương là thành tích của đối ngoại’, Phó tổng thư ký VCCI nhìn nhận.
Hay việc nấp cấp quan hệ đối với quốc gia hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, báo cáo cần điểm rõ việc này - điều này tác động cực kỳ lớn tới vị thế quốc gia, hoạt động kinh tế, đầu tư và nhiều yếu tố quan trọng khác, theo ông Tuấn.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2023 Chính phủ đã điều hành quyết liệt, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; quyết liệt trong sử dụng chính sách tài khoá.
Chưa bao giờ các dự án đang trong quá trình đầu tư được cho điều chỉnh quy mô đầu tư như dự án cao tốc Cao Sơn- Tuý Loan… đây là những bệ đỡ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Cạnh đó, Chính phủ đã phân cấp, mạnh dạn cho địa phương làm các tuyến đường cao tốc như Vành đai 3 và 4 …ông Thịnh dẫn chứng.
Vị đại biểu Bắc Giang phản ánh, cử tri đánh giá cao hệ thống cao tốc đã mở ra không gian cho phát triển kinh tế cho các địa phương đi qua, thay đổi tư duy cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao và điều chỉnh chiến lược đầu tư, chuyển hướng vào VIệt Nam, điều này thể hiện thông qua các chuyến thăm làm việc của các tập đoàn nước ngoài vừa qua.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khái quát, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, ông Trung cho biết. Riêng chỉ tiêu GDP, theo báo cáo là “phấn đấu mức cao nhất”. CPI được dự kiến sẽ vượt, ước thực hiện 3,5% đến 4,5%.
Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại nhận định của Chủ tịch Quốc hội tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội vừa qua.
Cân đối vĩ mô ổn định là rất quan trọng, các cân đối lớn vẫn đảm bảo, ông Thanh nhấn mạnh kết quả của năm 2023.
Tín hiệu lo ngại từ sức khỏe doanh nghiệp
Điều hành thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đề nghị các vị đại biểu đánh giá nguyên nhân đối với từng chỉ tiêu chưa đạt, trọng tâm là tốc độ tăng GDP cả năm ước thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (mục tiêu được Quốc hội giao là khoảng 6,5%); chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 liên tiếp không đạt.
Trong một số vấn đề chưa được làm rõ tại báo cáo, theo Phó tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn có tín hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao, tốc độ thành lập doanh mới giảm. Dù 2023 đáng ra là giai đoạn quan trọng để doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh hơn nữa.
Nhắc lại mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân là năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, với tiến độ thành lập doanh nghiệp mới như thế này thì mục tiêu lớn quan trọng như vậy rất khó đạt được.
“Điều này cũng là tín hiệu dự báo về việc làm, ngân sách trong thời gian tới”, ông Tuấn nhìn nhận.
Mỗi tháng 15,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đóng góp của doanh nghiệp mới cũng hạn chế, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói thêm.
Một con số nữa, theo ông Tuấn cũng đáng lo là giảm xuất nhập khẩu. Năm 2023 xuất nhập khẩu giảm cả ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ở cả tập đoàn lớn như Samsung, giảm cả ở những doanh nghiệp lớn trong nước, đặc biệt giảm rất nhiều ngành hàng quan trọng của Việt Nam như điện tử, dệt may, thủy sản… những ngành tạo ra rất nhiều việc làm. Cần phải có phân tích sâu hơn trường hợp này, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế tính toán, GDP 6 tháng là 3,72%, thì hai quý cuối năm phải tăng 9% hoặc hơn thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay. Trong khi đó số lượng doanh nghiệp giải thể, rút lui khỏi thị trường tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp xu hướng tăng.
Theo đại biểu Nam, hiện doanh nghiệp có 3 nguồn vốn đầu tư, gồm chính sách tài khoá, tiền tệ và vốn đầu tư nước ngoài. Về chính sách tài khoá, 8 tháng giải ngân đầu tư công được hơn 42%, thì 4 tháng cuối phải giải ngân tốc độ gấp 3 lần mới đạt mục tiêu kế hoạch giải ngân năm nay. Chính sách tiền tệ, tín dụng 8 tháng mới tăng 5,5% trong khi chỉ tiêu là 14,5%, cho thấy tăng trưởng tín dụng cũng là áp lực.
Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất 4 lần nhưng đã trúng vào những khó khăn của doanh nghiệp hay chưa, Đâu đó hiện nay thủ tục giải ngân vẫn khó khăn cho doanh nghiệp và yêu cầu các phí khác (như phí bảo hiểm) khi muốn vay, ông Nam nêu vấn đề.
Báo cáo giải trình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, báo cáo mới cập nhật đến hết tháng 8, hôm nay Tổng cục Thống kê sẽ có số liệu mới, cập nhật thêm quý III/2-2023 và 9 tháng từ đầu năm 2023. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện quý III và 9 tháng, Bộ sẽ bổ sung các ý kiến mà đại biểu quan tâm về đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, cập nhật số liệu các chỉ tiêu.
"Một nội dung chúng tôi đã làm rồi nhưng chưa nổi bật trong báo cáo, đó là những đóng góp của Quốc hội thông qua việc ban hành kịp thời nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho công tác điều hành của Chính phủ, Vấn đề này chúng tôi đã làm nhưng xin nhận khuyết điểm là báo cáo chưa đầy đủ, sẽ rút kinh nghiệm", Thứ trưởng nói.