Giới kinh doanh đang tiếp tục chờ đợi các công bố cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Sự đắt đỏ trong kinh doanh của doanh nghiệp buộc các bộ, ngành không thể chậm hơn. Theo tài liệu trên, các bộ, ngành phải đánh giá đúng gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục gặp phải trong quá trình chấp hành quy định pháp luật, từ đó rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, không khả thi, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Việc tổ chức thi hành pháp luật phải trên tinh thần hướng đến ngày càng giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp...
Theo thông lệ quốc tế, chi phí tuân thủ pháp luật được hiểu là các loại chi phí liên quan tới việc tuân thủ, thực hiện một quy định của pháp luật, bao gồm các chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Trong đó, phần có thể tính đếm được là các loại phí, lệ phí phải nộp theo quy định, chi phí nhân công và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, chi phí đầu tư để tuân thủ các điều kiện theo yêu cầu.
Nhưng phần chi phí khó dự báo mới thực sự là gánh nặng cho doanh nghiệp. Đó là chi phí cơ hội kinh doanh mất đi do thời gian thực hiện thủ tục hành chính kéo dài, không đúng hẹn, chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thúc đẩy việc thực hiện nhanh hơn các thủ tục...
Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với hơn 10.000 doanh nghiệp năm 2018 cho thấy, có tới 55% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức; 7% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; 16% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ các loại giấy tờ để đi vào hoạt động...
So với nhiều năm trước, con số này có cải thiện theo hướng tích cực hơn, nhưng thực sự vẫn còn quá cao và không thể giải quyết nếu chỉ có một vài bộ, ngành hành động thực sự.
Phải nhắc lại, câu hỏi có cách nào để kinh doanh của doanh nghiệp đỡ đắt đỏ hơn không phải bây giờ mới được đặt ra.
Trong nhiều năm, một số cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật của Việt Nam đã áp dụng các phương pháp đánh giá tác động pháp luật (RIA) hoặc đánh giá chi phí tuân thủ mang tính dự báo trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Điển hình như áp dụng phương pháp rà soát nhanh về chi phí hay RIA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2005 trong việc xây dựng các quy phạm liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư.
Đến năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bắt buộc mọi dự thảo luật đều có báo cáo RIA trước khi ban hành. Yêu cầu này được coi là một trong những đột phá về cải cách công tác soạn thảo văn bản ở Việt Nam trong giai đoạn đó.
Năm 2007, Việt Nam thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, vẫn được nhắc đến với cái tên Đề án 30. Đề án 30 đã rà soát trên 5.000 thủ tục hành chính trong giai đoạn 2008 - 2010 bằng phương pháp đánh giá chi phí tuân thủ.
Năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Lần này, Luật yêu cầu việc đánh giá tác động phải được thực hiện trong giai đoạn xây dựng chính sách trước khi xây dựng các quy phạm cụ thể, gồm đánh giá tác động kinh tế, đánh giá tác động xã hội đánh giá tác động về giới, đánh giá tác động về thủ tục hành chính và đánh giá tác động hệ thống pháp luật...
Nhiều giải pháp cũng đã được thực thi và có kết quả rõ rệt trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nói riêng hay chi phí tuân thủ pháp luật nói chung. Hiện tại, giới kinh doanh đang tiếp tục chờ đợi các công bố cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 02/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thay vì trả lời câu hỏi “làm cách nào để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp”, các bộ, ngành cần có tư duy không chấp nhận tình trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn gánh nhiều chi phí đắt đỏ như hiện nay.