Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đang được dự thảo. Những hạn chế của việc thực hiện các danh mục tương tự ở giai đoạn trước đang buộc các cơ quan quản lý, các địa phương phải giải được bài toán khó: Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Hơn nữa, các dự án đó phải đáp ứng đúng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn này.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh |
Bài 2: Hé lộ những “món ngon” đầu tiên
Trước việc các nhà đầu tư cứ đến rồi lại đi, mới chỉ dừng ở khảo sát, nghiên cứu thị trường, quan tâm đấy, nhưng rồi không “xuống tay”, khiến nhiều dự định còn dang dở, Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đang được xây dựng trên cơ sở khắc phục tối đa nhược điểm của việc xây dựng danh mục trước kia.
Xây dựng Danh mục - cần hay không?
Khá hào hứng với thông tin được tiết lộ rằng, đã có những dự án do Bắc Giang đề xuất đang được lựa chọn vào Dự thảo Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, ví như Dự án Cảng thủy nội địa gắn với trung tâm logistics, ông Đồng Anh Quân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Bắc Giang cho rằng, việc đó sẽ giúp ích cho Bắc Giang trong thu hút đầu tư nước ngoài.
“Việc có tên trong Danh mục sẽ giúp các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước biết được chủ trương, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Bắc Giang như thế nào. Đấy đều là những dự án chúng tôi đang ưu tiên thu hút đầu tư”, ông Đồng Anh Quân nói.
Cũng dễ hiểu vì sao, ông Đồng Anh Quân hào hứng thế. Lý do là, chỉ cách đây 5 năm, Bắc Giang còn ở “vùng trũng” trong thu hút đầu tư nước ngoài, thì 2-3 năm trở lại đây, đã trở thành tâm điểm chú ý, khi thu hút được hàng loạt tên tuổi lớn của “làng công nghệ” thế giới.
Nhà máy nhiều, đơn hàng xuất nhập lớn, nên Bắc Giang cần có một cảng thủy nội địa gắn với trung tâm logistics để thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Đó là một trong những lý do vì sao, dự án nói trên được đề xuất vào Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn tới.
“Việc có tên trong danh mục, khiến các nhà đầu tư biết chúng tôi cần gì, muốn gì”, ông Quân nói.
Ông Hoàng Đức Thiện, Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình) cũng có chung niềm tin ấy. “Việc các dự án của Quảng Bình được lựa chọn vào Danh mục sẽ giúp nhà đầu tư biết đến vùng đất của chúng tôi”, ông Thiện chia sẻ.
Đó cũng là một trong những lý do khiến dù cho đến thời điểm này, việc thực hiện các danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài trong thời gian qua không hiệu quả, và ngay cả GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho là “không cần thiết”, bởi chưa chắc nhà đầu tư sẽ lựa chọn, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng một danh mục mới cho giai đoạn tới để trình Chính phủ.
“Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài vẫn là một trong những tài liệu xúc tiến đầu tư cần thiết để mời gọi, quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam và định hướng cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội. Đúng là, mặc dù trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài không hoàn toàn đầu tư theo danh mục kêu gọi đầu tư, nhưng việc công bố danh mục nói trên có ý nghĩa trong việc định hướng cho các nhà đầu tư xác định lĩnh vực và giúp nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm, cơ hội đầu tư và định hình dự án đầu tư tại Việt Nam. Việc xây dựng Danh mục cũng sẽ giúp minh bạch hóa các cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư, thậm chí đã từng nhiều năm cùng các địa phương xây dựng các danh mục dự án xúc tiến đầu tư, ông Nguyễn Đình Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam cũng cho rằng, việc xây dựng Danh mục là “quan trọng và cần thiết”.
Tuy vậy, một cách thẳng thắn, ông Nam bày tỏ, dù “quan trọng và cần thiết”, nhưng trên thực tế, Danh mục lại không giúp được nhiều cho công tác xúc tiến đầu tư. Bằng chứng rõ ràng là rất nhiều dự án trong Danh mục năm 2014 không thu hút được đầu tư.
“Chỉ Danh mục không thôi là chưa đủ. Các dự án đưa vào Danh mục trong thời gian qua hầu hết đều không khả thi, bởi khi nhà đầu tư tiếp cận thực tế, thì lại thiếu nhiều thông tin”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, để Danh mục có hiệu quả, mỗi dự án cần kèm theo một “profile” chi tiết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có đủ thông tin để nhà đầu tư tham chiếu trước khi ra quyết định khảo sát đầu tư.
Khi giải thích lý do vì sao việc thực hiện các danh mục dự án xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn trước thất bại, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, có vấn đề liên quan đến việc cụ thể hóa thông tin của từng dự án. Hiện tại, Danh mục chỉ đúng nghĩa là “danh mục”, chỉ có tên dự án mà thôi.
“Danh mục mới phải khắc phục tối đa các tồn tại của danh mục giai đoạn trước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Để nhà đầu tư không… chê
Cũng để “khắc phục tối đa các tồn tại” của danh mục giai đoạn trước, ngay từ đầu, khi gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất các dự án vào Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “quán triệt” rất rõ các nguyên tắc xây dựng Danh mục. Đó là, các dự án phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến “nội hàm mới” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là Việt Nam sẽ không chỉ là nơi nhận các nguồn vốn do giới đầu tư - kinh doanh mang đến, mà sẽ ở thế chủ động, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, lựa chọn, để dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia, để nguồn lực đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư, Nhà nước, nền kinh tế ở cả góc độ kinh tế, xã hội, môi trường.
Nghị quyết 50/NQ-50 của Bộ Chính trị cũng đã khẳng định “nội hàm” mới này ngay từ cái tên của Nghị quyết. Đó là “hợp tác đầu tư nước ngoài”, hợp tác, cùng có lợi, chia sẻ lợi ích, chứ không chỉ đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây.
Việc xây dựng Danh mục giai đoạn 2021-2025, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ được dựa trên nguyên tắc đó, phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hơn thế nữa, Danh mục sẽ được xây dựng trên nguyên tắc “mở”, theo đó sẽ được cập nhật và điều chỉnh, bổ sung hàng năm để phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Điều này là hoàn toàn khác so với các danh mục “cứng” trước đây, dẫn đến việc có nhiều dự án không thu hút được đầu tư, do cơ chế, chính sách, quy hoạch thay đổi…
Các tiêu chí lựa chọn dự án được đưa vào Danh mục cũng đã được “vạch” ra rõ ràng. Đó là, chỉ chọn các dự án, lĩnh vực bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 50-NW-TQ; cũng chỉ chọn các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, hay các dự án thành lập các trung tâm R&D, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, là các dự án có tính chất liên vùng, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết phát triển công nghiệp; các dự án có kết nối hữu cơ với khu vực trong nước, tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh quốc gia, khu vực và địa phương, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.
Và để đảm bảo chất lượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cũng sẽ chỉ lựa chọn các dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, chuyển giao công nghệ, giải quyết việc làm cho người lao động, nộp ngân sách lớn, hiệu quả sử dụng đất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại…, có giá trị gia tăng cao, có tính chất lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
“Đặc biệt, chúng tôi sẽ chỉ chọn các dự án đã giải phóng mặt bằng hoặc thuận lợi trong giải phóng mặt bằng. Điều này là để đảm bảo tính khả thi cho việc thực hiện dự án”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trên thực tế, có những dự án đầu tư nước ngoài cả hơn chục năm không thể triển khai do vướng giải phóng mặt bằng. Dự án Đô thị Đại học Quốc tế Berjayra Việt Nam bao năm “giậm chân tại chỗ” cũng một phần vì vướng chuyện giải phóng mặt bằng.
Những “món ngon” đầu tiên
“Tôi nghĩ, cần rất nhiều yếu tố để làm nên một danh mục kêu gọi đầu tư hiệu quả. Danh mục nên tập trung vào các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng để thu hút nguồn lực tư nhân và vốn ngoài ngân sách. Còn dự án đầu tư nước ngoài thông thường, thì họ không cần căn cứ vào danh mục để đầu tư”, ông Nguyễn Đình Nam đề xuất.
Cũng theo ông Nam, trong Danh mục cần có những dự án trong các ngành, lĩnh vực đặc thù, hoặc ưu tiên thu hút đầu tư trong từng giai đoạn để có thể “định hướng” được nhà đầu tư trong quá trình họ tìm hiểu, để biết nên đầu tư vào đâu, quy mô thế nào, từ đó lên phương án đầu tư hiệu quả. “Danh mục quốc gia cũng cần phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, cũng như các ngành, lĩnh vực nữa”, ông Nam nói.
Có vẻ, tất cả những “đề xuất” này đều có thể được nhìn thấy ở Dự thảo Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ. Và đó chính là những “món ngon” để nhà đầu tư lựa chọn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở 332 dự án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và căn cứ vào tiêu chí lựa chọn dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, đề xuất danh mục gồm 159 dự án, với tổng vốn đầu tư kêu gọi là 86 tỷ USD.
Trong đó, nếu theo lĩnh vực, giao thông có 34 dự án, nông - lâm nghiệp và thủy sản 37 dự án, sản xuất và dịch vụ 17 dự án, hạ tầng khu công nghiệp 24 dự án, văn hóa - thể thao - du lịch 14 dự án, năng lượng 9 dự án, công nghệ thông tin 9, xử lý rác - nước thải 8 và giáo dục - y tế 7.
Còn nếu tính theo vùng kinh tế, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 34 dự án, Đồng bằng sông Cửu Long 29 dự án (chưa có đề xuất của Kiên Giang), Đồng bằng sông Hồng 17 dự án (chưa có đề xuất của Hà Nội); Đông Nam bộ 9 dự án; Tây Nguyên 16 dự án; Trung du, miền núi phía Bắc 35 dự án; các dự án liên vùng do các bộ, ngành đề xuất là 19 dự án.
(Còn tiếp)