Doanh nghiệp
“Đánh rơi” hàng chục tỷ USD phụ phẩm nông nghiệp
Nguyễn Ngân - 05/10/2022 10:09
Tiềm năng sinh khối từ các loại phụ phẩm của Việt Nam được đánh giá là trên 160 triệu tấn/năm, với giá trị khoảng 46,5 tỷ USD. Tuy nhiên, mới chỉ một phần nhỏ phụ phẩm được tái sử dụng.

 

Ảnh minh họa.

Nguồn tài nguyên lớn bị đánh rơi

Tại Hội thảo quốc tế Phụ phẩm nông nghiệp - Nguồn tài nguyên tái tạo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức tại TP.HCM, TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp, chứ không phải chất thải.

Theo Bộ NN&PTNT, ước tính, tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam là gần 160 triệu tấn, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,7%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%).

Hàng năm, phần sinh khối phụ phẩm nêu trên có thể cung cấp tương đương với khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat. Những con số này cho thấy tiềm năng giá trị rất to lớn của phụ phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực chăn nuôi, với khối lượng nguồn thải ra môi trường khoảng 84,5 triệu tấn/năm, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...), còn lại thải ra môi trường.

Trong lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc, còn lại (hơn 80%) thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD.

Tính toán của ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững, tiềm năng sinh khối từ các loại phụ phẩm của Việt Nam là trên 160 triệu tấn/năm, có giá trị khoảng 46,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 180.000 người, làm lợi cho 13 triệu hộ gia đình, 900.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Thế nên, việc chỉ một phần nhỏ phụ phẩm được tái sử dụng như hiện nay là lãng phí rất lớn.

Cần chính sách thu hút doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đang có một số mô hình áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản là nguồn tài nguyên tái tạo. Một số công ty chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao, như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF), Công ty cổ phần Sao Mai… Các công ty này đã đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến sản phẩm từ phụ phẩm thủy sản như bột cá, dầu ăn... Những sản phẩm này được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp.

Từ thực tế trên, TS. Nguyễn Hữu Ninh cho rằng, để phát huy giá trị của các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, cần có chính sách hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, tương lai nền nông nghiệp Việt Nam cần dựa vào tri thức và công nghệ để phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Bên cạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư, theo PGS-TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cần chú trọng thực hiện nông nghiệp tuần hoàn ngay tại hộ nông dân, trang trại nhỏ, hợp tác xã (kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thuỷ sản) theo kinh nghiệm truyền thống vườn - ao - chuồng (VAC).

Nhà nước nên chuyển đổi chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị tuần hoàn. Chẳng hạn, chính sách chỉ hỗ trợ xây hầm biogas nên chuyển sang hỗ trợ và khuyến khích áp dụng chuỗi giá trị, đa chức năng: hầm biogas - bể lắng - máy tách phân - sản xuất phân chuồng/hữu cơ - phát điện.

Bên cạnh đó, cần ban hành thể chế, chính sách về khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp, bao gồm tuần hoàn hở, gắn từng khâu khác nhau và tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác