Lãnh đạo chủ chốt liên tục bán ra và Công ty lên kế hoạch huy động 684,26 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF – sàn HoSE), cổ đông đã hỏi Ban lãnh đạo về việc tại sao Ban lãnh đạo tự tin về thực hiện chào bán cổ phiếu và huy động vốn ở thời điểm hiện tại, khi mà hoạt động kinh doanh của Công ty đang đi xuống, lợi nhuận năm 2022 giảm 10,6%, về 287,78 tỷ đồng; lợi nhuận quý I/2023 tiếp tục giảm 95,5%, về chỉ còn 3,91 tỷ đồng và giá cổ phiếu giảm 43,2% từ đỉnh tháng 5/2022. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành như Dabaco (mã DBC) đang kinh doanh thua lỗ, Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) kinh doanh không có lãi trong 3 tháng đầu năm 2023.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam cho biết: “Tôi không biết Hoàng Anh Gia Lai hay Công ty chăn nuôi khác lên sàn chứng khoán vì mục đích gì, còn BaF Việt Nam lên sàn chứng khoán để đại chúng hoá, huy động các nguồn lực tốt nhất để phát triển, không có ý định hoặc chủ trương lên sàn để bán vốn chủ sở hữu".
Đại hội đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 47,677% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính, nếu phát hành thành công, Công ty sẽ phát hành thêm 68,4 triệu cổ phiếu mới để huy động 684,26 tỷ đồng.
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 400 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh nông sản; 119,15 tỷ đồng tăng vốn điều lệ tại các Công ty con để thực hiện đầu tư xây dựng dự án trang trại chăn nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh; và 165,1 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi heo.
Thời gian thực hiện chào bán dự kiến từ quý II đến quý IV/2023.
Bên cạnh việc huy động vốn từ cổ đông trong thời gian tới, kể từ khi niêm yết cuối năm 2021 đến nay, hàng loạt cổ đông lớn của BAF Việt Nam liên tục bán ra và giảm sở hữu.
Đơn cử, trước thời điểm niêm yết, ông Phan Ngọc Ấn giữ chức Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam từ ngày 2/3/2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BaF Việt Nam (ngày 30/6/2021). Tuy nhiên, ngày 15/3/2022, BaF Việt Nam thực hiện miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn và đồng thời bầu bổ sung ông Trương Sỹ Bá vào vị trí Chủ tịch HĐQT.
Sau khi cổ phiếu BAF niêm yết sàn HoSE, ông Phan Ngọc Ấn liên tục bán ra và giảm sở hữu và tính tới cuối năm 2022, ông Phan Ngọc Ấn đã thoái ra toàn bộ và không sở hữu cổ phần nào tại BaF Việt Nam.
Và tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, ông Phan Ngọc Ấn đã chính thức có đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT tại BaF Việt Nam.
Danh sách cổ đông lớn BAF Việt Nam thời điểm 31/3/2023 (Nguồn: BAF) |
Trước đó, ông Lê Xuân Thọ, thành viên HĐQT Nông nghiệp BaF Việt Nam vừa bán ra 2.075.400 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 2% về còn 0,55% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 4/10/2022 thông qua khớp lệnh thỏa thuận.
Bà Bùi Hương Giang, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã bán ra 13.852.250 cổ phiếu, để giảm sở hữu từ 13,25% về 3,6% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 5/10 đến 18/10. Như vậy, sau giao dịch bà Giang không còn là cổ đông lớn tại BAF.
Nếu nhìn trong danh sách cổ đông lớn từ 30/6/2021 đến 31/3/2023, danh sách cổ đông lớn đã không còn hàng loạt lãnh đạo như Tổng giám đốc Bùi Hương Giang, ông Phan Ngọc Ấn, ông Lê Xuân Thọ và ông Nguyễn Anh Tuấn.
BaF Việt Nam sẽ lấy thị phần từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
"BaF Việt Nam thành lập năm 2017. Tầm nhìn đến 2030, Công ty sẽ sở hữu 6 triệu con heo thương phẩm, 4 triệu con heo liên kết với nông dân, cùng với đó là hơn 10 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên khắp cả nước, 130 trang trại, với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải tất cả tiền đều để dồn vào đầu tư sản xuất... Chúng ta sẽ xoay vòng chậm nhất đến hết 2026 sẽ bắt đầu tái đầu tư bằng chính lợi nhuận mang về. Chính vì vậy, Công ty chưa thể chia cổ tức bằng tiền mặt", ông Bá giải thích về việc Công ty không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Nói về cạnh tranh, lãnh đạo Công ty chia sẻ trong ngắn hạn là cuộc đua giành thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cá nhân.
"Dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến Việt Nam từ năm 2019. Đây là thách thức của cả ngành chăn nuôi. Quan trọng nhất của chăn nuôi là an toàn sinh học, phải bảo vệ được tổng đàn trước những yếu tố khách quan, để luôn giữ được giá bình quân thị trường thì không bao giờ thất bại. Chính vì không giữ được tổng đàn nên hiện tại, các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ chiếm khoảng 50% thị phần, thay vì 70% như trước. Trong tương lai, họ chỉ còn 20, 30%. Đây là cơ hội cho ngành chăn nuôi thương hiệu, công nghiệp", ông Trương Sỹ Bá nói về định hướng sắp tới của BaF Việt Nam.
Được biết, trong năm 2023, BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết, cơ cấu lợi nhuận chủ yếu 192,03 tỷ đồng từ hoạt động chăn nuôi, chiếm 63,7% tổng lợi nhuận; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi ghi nhận 45,4 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng lợi nhuận; và hoạt động kinh doanh nông sản dự kiến 64 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng lợi nhuận.
Về định hướng kinh doanh, đối với mảng chăn nuôi, Công ty dự kiến tổng sản lượng heo bán ra thị trường là 348.770 con, trong đó heo giống bố mẹ là 61.470 con, heo thịt là 247.500 con, heo cai sữa là 39.800 con.
Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, Nhà máy cám BAF Tây Ninh, với tổng công suất 400.000 tấn/năm chính thức đi vào hoạt động năm 2022, kết hợp với Nhà máy cám Phú Mỹ, công suất 60.000 tấn/năm, sẽ cung ứng đủ lượng cám cho các trang trại nội bộ của Công ty, đồng thời sẽ bắt đầu có doanh thu thương mại về cám khi cám dinh dưỡng công ty sản xuất ra sẽ được bán ưu đãi theo chính sách bán cám kèm con giống.
Đối với mảng kinh doanh nông sản, năm 2023, Công ty dự kiến doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh nông sản là 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 64 tỷ đồng.