TIN LIÊN QUAN | |
Cổ phần Giầy Thụy Khuê được săn đón | |
Muốn niêm yết lên HOSE, HNX phải 'tập' trên UPcoM 6 tháng | |
Nhìn lại 'cuộc chơi' với cổ phiếu IPO |
Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhiều doanh nghiệp đã lên lịch “bung hàng” trong tháng 3, như Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại - Vinacomin, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nam Định, Công ty cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam, Xí nghiệp Xe điện Hà Nội, Xí nghiệp Vận tải - Du lịch Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Cảng Cam Ranh, Nhà máy Xe đạp VIHA, Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Điện cơ Thống Nhất, Công ty cổ phần Đại lý hàng hải - Vinacomin, Công ty TNHH một thành viên Du lịch - Dịch vụ Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ - Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội.
Vinafood 1 đang chuẩn bị đấu giá bán cổ phần mà tổng công ty này nắm giữ tại CTCP Bia Hà Nội - Nam Định. Ảnh: Đức Thanh |
Trong khi đó, trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), một số doanh nghiệp đang chuẩn bị đấu giá như Tổng công ty PISICO Bình Định - CTCP, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Điện lực (PIST).
Theo đánh giá của một số nhà quan sát, hoạt động đấu giá sôi động trong tháng 2 có thể tiếp tục truyền lửa sang tháng 3 và duy trì trong suốt năm 2015. Lý do là, cùng với động thái đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, việc đẩy mạnh thoái vốn của một số tập đoàn – tổng công ty lớn cũng sẽ “góp lửa” cho hoạt động đấu giá cổ phần trong năm nay.
Đơn cử, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đang tăng guồng thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết suốt từ đầu năm 2015 đến nay. Hiện tại, Vinafood 1 đang chuẩn bị thoái vốn tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nam Định và Công ty cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam.
Trước đó, Vinafood 1 đã thực hiện bán đấu giá để thoái vốn tại nhiều công ty khác mà tổng công ty này có nắm giữ cổ phần, như Công ty cổ phần Lương thực Đông Bắc, Công ty cổ phần Lương thực Hà Sơn Bình, Công ty cổ phần Lương thực Sông Hồng, Công ty cổ phần Vinafood 1 Hải Dương...
Theo HNX, nhịp độ đấu giá thực tế đã tăng nhiệt từ tháng 2. Trong tháng 2, tại HNX có 9 phiên đấu giá cổ phần, trong đó có 6 phiên bán hết 100% cổ phần. Kết quả là, hơn 32,3 triệu cổ phần đã được bán hết trên tổng số 46,9 triệu cổ phần đưa ra chào bán (tương đương 68,8% cổ phần đưa ra đấu giá đã được bán). Tổng giá trị cổ phần bán được trong tháng 2/2015 là hơn 438,3 tỷ đồng, cao hơn 73 tỷ đồng so với giá khởi điểm, đạt mức bình quân 48,7 tỷ đồng/phiên, thặng dư vốn hơn 114,6 tỷ đồng.
Trước những động thái đấu giá cổ phần diễn ra liên tục, ở một góc nhìn khác, có ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, việc này có thể làm cho thị trường bị “bội thực hàng”. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT trị, kiêm Tổng giám đốc HNX, cần nhìn nhận việc này trên bình diện chung. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và bán cổ phần ra công chúng phần lớn hoạt động tốt, do vậy, nếu xét về việc chuyển cơ cấu là yếu tố nền tảng quan thì đây sẽ là tín hiệu tích cực.
Ngoài ra, thời gian gần đây, sức mua của thị trường đối với các doanh nghiệp đấu giá cũng khá tốt. Trong tháng 2 vừa qua, phiên đấu giá để thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tại Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng có khối lượng đặt mua cao gấp 3 lần so với số lượng cổ phần chào bán, với tổng giá trị trúng thầu đạt hơn 207,2 tỷ đồng, cao hơn 48,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm, giá trúng thầu bình quân tăng 30,6% so với giá khởi điểm.
Với các doanh nghiệp sắp đấu giá trong tháng 3, tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư sẽ là những doanh nghiệp có quy mô khá lớn. Trong số đó có Tổng công ty PISCO Bình Định, với vốn điều lệ tới gần 239 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp sản xuất - khai thác gỗ và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ. Công ty này đã trồng 600 ha rừng tại tỉnh Bình Định để phục vụ nhu cầu chế biến gỗ. Đây cũng là đơn vị duy nhất làm tổng thầu dự án trồng, khai thác rừng của Chính phủ Nhật Bản tại tỉnh Bình Định, với quy mô 9.700 ha từ năm 1995 đến nay.
Đó còn là Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Điện lực, với vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp này kinh doanh nhà hàng - khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí, bất động sản... Công ty này đang triển khai một số dự án bất động sản du lịch tại một số địa phương như Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Chí Tín