Thời sự
Dành thêm 120.000 ha đất cho khu công nghiệp có lãng phí?
An Nguyên - 29/10/2021 15:45
Dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhưng chỉ tiêu tiêu đất khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 rất cao khiến Ủy ban Kinh tế Quốc hội băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng thanh báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030.

Yếu kém, bức xúc chưa đượ đề cập đầy đủ

Chiều 29/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng thanh đã báo cáo Quốc hội nội dung thẩm tra tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.

Cơ quan thẩm tra đánh giá, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, trong đánh giá thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch, chưa đánh giá chất lượng phân bổ không gian của một số nhóm sử dụng đất quan trọng (đất chuyên trồng lúa, đất rừng, đất khu công nghiệp…) và hiệu quả của việc thực hiện chỉ tiêu.

Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội như đất rừng sản xuất (đạt 86,24%), đất quốc phòng (71,4%), đất an ninh (74,09%), nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50% như: đất khu công nghiệp đạt rất thấp (47,45%), đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao (42,64%), đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng (46,74%), đất bãi thải, xử lý chất thải (37,29%).

Cơ quan thẩm tra còn đề nghị bổ sung kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; kết quả thực hiện đưa đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng.

Lo lãng phí

Về các chỉ tiêu cụ thể, Ủy ban Kinh tế cho rằng, giai đoạn 2011-2020 chỉ tiêu đất khu công nghiệp đạt rất thấp (hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2030 lại đặt chỉ tiêu rất cao (đến 2030 là 210.930 ha tăng 120.100 ha so với năm 2020).

Đề nghị phân tích, làm rõ cơ sở đưa ra chỉ tiêu và tính khả thi của chỉ tiêu này, tránh gây lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, cũng cần lưu ý bối cảnh giai đoạn tới, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào Việt Nam, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phản ánh ý kiến cơ quan thẩm tra.

Để tăng tính thuyết phục, cơ quan thẩm tra đề nghị cần bổ sung phân tích rõ hơn chỉ tiêu quy hoạch đất khu công nghiệp, đất khu công nghệ cao gắn với mục tiêu mà Đảng đã đề ra là đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất trồng lúa tương đối lớn (48.400 ha), khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất trồng lúa đó, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm việc chuyển đổi đất trồng lúa ở khu vực nào để mang lại hiệu quả tổng thể cao nhất.

Có ý kiến đề nghị nên quy hoạch các khu công nghiệp ở những địa phương có đất hoang hóa nhiều, đất đồi, diện tích đất đang sử dụng chưa có hiệu quả để tránh làm mất đất sản xuất nông nghiệp (trừ những dự án đầu tư đặc biệt quan trọng), báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Nhận xét chung, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia có đầy đủ các phần về đánh giá tiềm năng đất đai, dự báo xu thế biến động đất đai, mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội và phương án quy hoạch đối với từng loại đất cụ thể. Tuy nhiên các phần này được kết cấu riêng rẽ, không thể hiện sự kết nối, logic; không rõ ràng cách thức, phương pháp khoa học để xác định diện tích đất cụ thể.

Ví dụ, nhóm đất phi nông nghiệp mới chỉ nêu căn cứ chung chung, không rõ cơ sở; chưa làm rõ được nhu cầu từ các địa phương, bộ ngành và diện tích đất được xác định theo Quy hoạch là giống nhau hay khác nhau? Nếu khác nhau thì căn cứ vào đâu để xác định và dựa trên cơ sở khoa học nào?

Tương tự đối với đất phát triển hạ tầng giao thông, hiện nay quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông quốc gia chưa hoàn thành, việc tính toán để xác định diện tích đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ nêu chung chung là căn cứ vào các quyết định, không rõ đề xuất của Bộ Giao thông vận tải là bao nhiêu và làm thế nào để tính toán được ra con số cả nước là 921,88 nghìn ha.

Theo chương trình, chiều 29/10, Quốc hội thảo luận tại tổ và chiều 30/10 sẽ thảo luận trực tuyến về nội dung Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác