Singapore, Malaysia muốn đánh thuế nước ngọt
Azlan Sohoni, một người dân Singapore 47 tuổi, bắt đầu mỗi ngày với ly sôcôla sữa được khuấy với 1,5 muỗng đường. Tại nơi làm việc, anh uống thêm 5 lon Coca-Cola và vài ly sôcôla tương tự nữa.
Sohoni nói: “Tôi biết uống quá nhiều đồ ngọt không tốt cho sức khỏe nhưng tôi đã quen uống kiểu như vậy rồi”.
Giờ đây, chính phủ Singapore đang muốn những người dân như Sohoni từ bỏ thói quen sử dụng đồ uống có đường.
Chi phí chăm sóc y tế ở Singapore trong năm nay sẽ chiếm 15% GDP của đảo quốc này, tăng 10% so với năm trước. Ngay từ năm 2016, Bộ Y tế Singapore đã phát động cuộc chiến chống bệnh đái tháo đường. Cũng thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận 9% người dân Singapore từ 18 tuổi trở lên mắc chứng béo phì, trong khi đó 35% được xem là thừa cân. Chứng béo phì là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm như đau tim, đột quỵ, suy thận.
Tháng 12 năm ngoái, Bộ Y tế Singaporee cho biết đang cân nhắc áp thuế với đồ uống có đường và các biện pháp khác chẳng hạn cấm quảng cáo các sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường cao, thậm chí cấm bán chúng hoàn toàn.
Thực tế nhiều chính phủ khác ở Đông Nam Á đã hoặc đang tìm cách áp thuế sản phẩm đồ uống có đường như một phần của cuộc vận động giải quyết các thách thức y tế đến từ căn bệnh béo phì và đái tháo đường đang có chiều hướng gia tăng ở người dân.
Họ lo ngại các vấn đề sức khỏe này sẽ dẫn đến gánh nặng chi phí chăm sóc y tế. Số liệu của WHO cũng cho biết 10% dân số trưởng thành Malaysia mắc bệnh đái tháo đường và 37% bị thừa cân. Ở Thái Lan, tỉ lệ này lần lượt là 10% và 32%.
Hồi tháng 11 năm ngoái, khi trình dự thảo ngân sách cho năm tài chính 2019, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết: “Gần một trong hai người dân Malaysia bị thừa cân hoặc béo phì”. Ông đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 0,4 ringgit (gần 2.300 đồng) cho mỗi lít đồ uống có đường.
Chính phủ Malaysia dự định đánh thuế này vào hai loại đồ uống: đồ uống có đường hoặc chất tạo ngọt khác vượt quá 5gram/100ml và các loại nước ép có chứa hàm lượng đường hơn 12 gram/100ml.
Ngoài việc giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, loại thuế mới này còn được chính phủ Thủ tướng Mahathir Mohamad xem là nguồn thu mới giúp củng cố ngân sách. Malaysia dự định sẽ bắt đầu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường bắt từ tháng 7 tới.
Nếu mọi việc diễn ra như kế hoạch, Malaysia sẽ là nước thứ tư ở Đông Nam Á áp loại thuế này. Thái Lan và Brunei đã bắt đầu thực hiện vào năm 2017 và Philippines cũng hành động tương tự vào đầu năm 2018.
Kinh nghiệm của Philippines cho thấy đánh thuế nhằm vào đồ uống có đường giúp giảm tiêu thụ nước giải khát có đường. Philippines đang áp mức thuế 6 peso (2.600 đồng) cho mỗi lít đồ uống có chứa chất tạo ngọt có calo hoặc không có calo và 12 peso (5.200 đồng) cho mỗi lít đồ uống có chứa đường bắp có hàm lượng fructose cao. Philippines không đánh thuế đối với các sản phẩm sữa và đồ uống hỗn hợp có chứa cà phê vì đây là những sản phẩm được nhiều người nghèo sử dụng.
Doanh thu 5 loại đồ uống có đường bị đánh thuế ở Philippines giảm 8,7% trong tháng 2/2018, theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen. WHO khen ngợi chính sách mới của Philippines và cho rằng nó có thể ngăn ngừa 24.000 trường hợp tử vong sớm do các bệnh đái tháo đường, đột quỵ và các bệnh tim mạch trong 20 năm tới ở Philippines.
Cảnh sát Philippines tham gia luyện tập chạy bộ để giảm cân. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mong muốn giúp giảm tỉ lệ người dân mắc bệnh béo phì đồng thời giúp tăng ngân sách chính phủ. Trong 10 tháng đầu năm 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đã góp vào ngân sách Philippines 570 triệu đô la.
Tác động xấu đánh ngành mía đường
Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng lẫn tài chính của các nước Đông Nam Á nhưng có thể tác động xấu đến ngành sản xuất đường ở khu vực này.
Theo Văn phòng Ủy ban Mía đường Thái Lan, các công ty nước giải khát ở Thái Lan sử dụng 440.000 tấn đường trong năm 2017, giảm so với con số 540.000 tấn vào năm trước đó.
Giá đường trên thế giới vẫn chưa hồi phục kể từ đợt sụt giảm bắt đầu vào cuối năm 2016. Giá đường ảm đạm vì nhiều lý do bao gồm thời tiết thuận lợi, giúp nhiều nước đạt sản lượng mía cao, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt.
Nhà phân tích Margaret Yang của Công ty giao dịch ngoại hối CMC Markets cho rằng cuộc vận động đánh thuế đối với đồ uống có đường ở Đông Nam Á càng gây áp lực thêm cho thị trường đường.
Singapore và Malaysia đang lên kế hoạch áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Ảnh: Straits Times |
Hồi tháng 1/2019, công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp Olam International ở Singapore quyết định loại bỏ mảng kinh doanh đường vì lợi nhuận không bền vững. Công ty này dự báo tiêu thụ đường ở các nước Đông Nam Á sẽ giảm từ 8-10% tùy vào mức đánh thuế nhằm vào đồ uống có đường ở các nước.
Một số nông dân ở Thái Lan đang chặt bỏ mía để chuyển sang các cây trồng khác hoặc tìm cách bán mía để phục vụ các mục đích khác chẳng hạn như sản xuất cồn sinh học ethanol.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường ở chi nhánh của công giao dịch ngoại hối Oanda tại Singapore, cho rằng các nhà sản xuất đường châu Á cần phải học hỏi nước sản xuất đường số một thế giới Brazil. Ông cho biết các nhà máy đường của Brazil có thể sản xuất đường tinh luyện lẫn ethanol, do vậy họ có thể chuyển đổi sản xuất tùy theo tình hình thị trường.
Tại Việt Nam, hồi năm ngoái, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đề xuất áp thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với mặt hàng nước ngọt có đường, trừ các sản phẩm sữa nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng ngân sách.
Song đề xuất trên đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối chẳng hạn như khái niệm “nước ngọt có đường” là quá rộng, không phân biệt nước ngọt có ga, không ga, hay nước tăng lực, trà, cà phê; thuế mới sẽ gây thiệt hại cho ngành nước giải khát, ảnh hưởng đến nông dân trồng mía; chưa có minh chứng trên thế giới về việc thuế tiêu thụ đặc biệt này giúp bảo vệ sức khỏe người dân...