Du lịch
Đáp ứng nhu cầu mới của du khách Trung Quốc
Hoài Sương - 30/03/2023 10:09
Việc Trung Quốc mở cửa cho khách đoàn đến Việt Nam được ví như “cơn mưa rào” tưới mát cho ngành du lịch đang “hạn hán” khách quốc tế sau Covid-19. Để thu hút dòng khách này, các doanh nghiệp cần khảo sát lại nhu cầu của họ để đáp ứng tốt nhất.

Phát triển sản phẩm phù hợp

Với quyết định mở cửa đợt 2, có hiệu lực vào ngày 15/3/2023, cùng với việc Hãng hàng không Vietjet khai thác hơn 163 chuyến bay charter từ hơn 20 thành phố của Trung Quốc tới Nha Trang (Khánh Hòa) là những tín hiệu tốt cho du lịch Việt Nam, vấn đề là các doanh nghiệp khai thác như thế nào mới là điều quan trọng.

Hiện nay, không chỉ du lịch Việt Nam muốn thu hút thị trường tỷ dân này, mà các nước Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… đang có một “cuộc đua” để sớm giành lấy cơ hội.

Ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội cho biết, sau 3 năm gián đoạn bởi dịch bệnh, người dân Trung Quốc vẫn có những e dè nhất định khi đi du lịch nước ngoài, bởi thế, những điểm đến gần và ngắn ngày sẽ được ưu tiên, trong đó Việt Nam đang có lợi thế.

“Nhu cầu mua sắm của khách Trung Quốc khá cao, nên các doanh nghiệp du lịch đang đầu tư, chuẩn bị các cơ sở mua sắm, trung tâm thương mại để phục vụ, đặc biệt là các mặt hàng nông sản Việt”, ông Huy cho hay.

Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam phần lớn vẫn chọn những nơi có biển, nhất là trong dịp hè sắp tới. Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… sẽ là những điểm đến được lòng du khách.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt cho biết, doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn kết nối lại các dịch vụ trên nhiều tỉnh, thành phố để sản phẩm có giá tốt nhất. Dự kiến đến hết tháng 3, các hoạt động này sẽ hoàn thành và có ưu đãi dành riêng cho thị trường Trung Quốc.

“Hiện tại, doanh nghiệp đang đàm phán với 3-4 đoàn khách có những yêu cầu làm mới ở mỗi điểm đến và chất lượng dịch vụ mà họ mong muốn. Nguyên nhân là do, nhu cầu của du khách đã có sự thay đổi, bởi có những điểm đến đã quen thuộc trong nhiều năm”, ông Vũ chia sẻ.

Trong lần mở cửa này, du khách Trung Quốc mong muốn tham quan những điểm mới, vì vậy doanh nghiệp phải đưa ra nhiều sản phẩm mới và đưa các yếu tố văn hóa, ẩm thực đặc sắc của Việt Nam vào chương trình. “Khách du lịch Trung Quốc hiện nay rất ưa chuộng các hoạt động mang tính trải nghiệm thực và hạn chế những tour cưỡi ngựa xem hoa. Ngoài ra, dòng tour cao cấp hơn vẫn rất được lòng thị trường tỷ dân này”, ông Lê Hồng Tú, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch cộng đồng và Tổ chức sự kiện BT Tour  thông tin.

Lên kế hoạch sớm

Nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ đã lên kế hoạch từ sớm để đón lượng khách tiềm năng này.

Công ty BT Tour đã chuẩn bị các sản phẩm cho khách du lịch Trung Quốc từ cuối năm 2022. Điều đó được thể hiện qua việc, ngày 15/3, Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đến Việt Nam, thì ngày 16/3, doanh nghiệp này đã đón đoàn 16 khách đến từ Thượng Hải trên chuyến bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, là doanh nghiệp đón đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đến TP.HCM sau Covid-19.

“Để có được những tín hiệu tích cực đó, trước khi Trung Quốc thông báo mở cửa, BT Tour đã làm việc với các đối tác để trao đổi thông tin, đưa ra nhận định và đánh giá về nhu cầu của khách du lịch phù hợp… Ngoài ra, doanh nghiệp đã có dự trù vé máy bay, khách sạn và các dịch vụ đi kèm để đáp ứng khi du khách có nhu cầu trở lại”, ông Tú nói.

Dù vậy, không ít doanh nghiệp nhận định, sản phẩm đã có, nhưng để đón khách Trung Quốc ngay thì cần nhiều thời gian khảo sát, quảng cáo, tiếp thị, xếp lịch bay… dự kiến đến cuối quý II/2023 và các dịp lễ lớn thì lượng khách này mới bắt đầu phục hồi dần.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Quản lý điểm đến châu Á lưu ý: “Các sản phẩm cho khách Trung Quốc về cơ bản là không phức tạp, song doanh nghiệp cần cập nhật lại sản phẩm, điểm đến mới, chỉnh sửa lại hệ thống bán… để kế hoạch tiếp cận thị trường này diễn ra suôn sẻ”.

Theo các doanh nghiệp, có hai thời điểm để nhận biết và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thị trường khách Trung Quốc nếu khai thác theo các chuyến bay charter như hiện nay.

Thời điểm đầu tiên rơi vào dịp Lễ 30/4 - 1/5, do đây là giai đoạn để các doanh nghiệp kiểm tra thị trường trước 1 tháng nhằm nhận biết được các nhu cầu khác biệt của du khách Trung Quốc so với từ năm 2019 về trước. Tiếp theo, giai đoạn cao điểm sẽ rơi vào từ tháng 6 đến tháng 10, khi các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ đã nắm rõ các tín hiệu của thị trường sau hơn 2-3 tháng. Đặc biệt, đây là thời điểm hè và Lễ Quốc khánh của Trung Quốc (1/10) nên nhiều gia đình có nhu cầu du lịch nhiều hơn.

Ông Hồ Hữu Huỳnh, đại diện Công ty Beibaogo nhận định: “Đây sẽ là 2 mốc thời gian giúp Beibaogo nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành nói chung hiểu hơn về thị trường khách Trung Quốc sau khi quốc gia này mở cửa trở lại để có phương án tốt nhất”.

Tin liên quan
Tin khác