Metaverse đang trở thành một trào lưu và sẽ trở thành một ngành công nghiệp lớn trong tương lai |
Giới công nghệ Việt dồn lực cho Metaverse
Metaverse là một khái niệm về một không gian ảo, 3D, trực tuyến kết nối người dùng trong mọi mặt của cuộc sống. NFT, game blockchain, coin là những mảnh ghép trong thế giới Metaverse tương lai.
Trào lưu Metaverse được Facebook thổi lên khi đổi tên thành Meta. Tiếp đó, các “đại gia” như Microsoft, Apple, Google, Tencent, Alibaba, Baidu… cũng đổ các khoản tiền khổng lồ vào đây với kỳ vọng, Metaverse có thể tạo nên một ngành công nghiệp có quy mô 12.500 tỷ USD trong tương lai.
Metaverse đã nhen nhóm niềm tin cho giới công nghệ về một tương lai rực rỡ khi tổng giá trị thị trường đạt khoảng 500 tỷ USD trong năm 2020 và dự báo lên tới 800 tỷ USD vào năm 2024. Số lượng người tham gia các nền tảng vũ trụ ảo, tính đến hết tháng 3/2022, đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020 và lượng người dùng các thiết bị thực tế ảo đã đạt hơn 28 triệu người. Những con số này cho thấy, Metaverse sẽ tạo ra sự bùng nổ không chỉ về công nghệ, mà còn tác động lớn tới nền kinh tế thực.
Tại Việt Nam, cú hích Metaverse lớn nhất đến từ Axie Infinity - game blockchain. Chỉ 4 năm, Axie gọi vốn lên tới 152 triệu USD, đứng đầu trong danh sách tiền kỹ thuật liên quan đến Metaverse, với giá trị vốn hóa khoảng 8 tỷ USD. Tiếp đó, các dự án blockchain Việt khác như Faraland, Sipher, Elpis Battle, Meta Spatial… cũng đang trong quá trình để trở thành Metaverse hoặc tạo nền tảng giúp xây dựng Metaverse. Đến nay, số dự án blockchain tại Việt Nam được thành lập vào khoảng 300 dự án, nhiều dự án gọi vốn thành công hàng chục triệu USD.
Hiệu ứng Metaverse lan tỏa tới nhiều ngành nghề và các công ty công nghệ cũng không bỏ lỡ chuyến tàu đó. Tại cuộc trò chuyện với CEO Binance Changpeng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, FPT định hướng trở thành đơn vị tiên phong về blockchain và Metaverse tại Việt Nam, hướng đến mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới. FPT đang xây dựng các sản phẩm công nghệ liên quan đến Metaverse bằng các công nghệ cốt lõi như AI, blockchain, Cloud, Big Data, đồng thời đầu tư, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp Metaverse trong nước.
"Khi có một nền tảng vững chắc và kiến thức đủ nhiều, bạn sẽ dễ dàng thích nghi và không lo bị người khác đánh gục hoặc bị bỏ lại phía sau", ông Bình nói về quyết tâm phát triển Metaverse của FPT.
Trong khi đó, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT- thuộc Tập đoàn Viettel) cũng đã đầu tư vào nghiên cứu, thiết kế và làm chủ các công nghệ mô phỏng hiện đại không chỉ trong lĩnh vực quân sự, mà còn cả dân sự. “Với Metaverse, VHT đặt ra mục tiêu kiến tạo một xã hội số tồn tại song song với thế giới thực, mở rộng phạm vi trên toàn cầu; đồng thời, đem lại nguồn doanh thu lớn cho Tập đoàn Viettel từ các ứng dụng trên thế giới Metaverse, bao trùm trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng”, ông Dương Anh Trà, Giám đốc Trung tâm Mô hình mô phỏng (thuộc VHT) cho biết.
Còn VNG mới đây cũng gia nhập sân chơi Metaverse khi tham gia vòng gọi vốn series B của Haegin, một công ty game "kỳ lân" của Hàn Quốc, với số tiền 100 tỷ won, tương đương 81 triệu USD. Đại diện VNG cho hay, thông qua việc rót vốn vào Haegin, VNG không chỉ mở rộng phạm vi kinh doanh trên thị trường quốc tế, mà còn hướng tới trở thành một nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực Metaverse.
Cùng với đó, hàng loạt start-up trong lĩnh vực Metaverse của Việt Nam đã liên tiếp nhận được vốn lớn từ các nhà đầu tư quốc tế như Meta Spatil Moon, VerseHub, Whydah…, cho thấy sức hấp dẫn của xu hướng này.
Vì sao đặt cược vào Metaverse?
Việt Nam đang trở thành vùng đất hứa để Metaverse phát triển. Trong mắt giới đầu tư và công nghệ, những tiềm năng lớn về ứng dụng Metaverse sẽ sớm mang lại quả ngọt.
Ông Huỳnh Kim Tước, CEO của Sihub cho biết, Metaverse ngày nay không chỉ là khoa học viễn tưởng và giấc mơ, mà còn là một môi trường kỹ thuật số sống động, nơi mọi người có thể làm việc, tương tác, chơi trò chơi, kiếm tiền và trao đổi tài sản ảo. Nhiều công ty lớn đã tham gia không gian này và có các khoản đầu tư đáng kể vào thị trường, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trước làn sóng mới về chiến lược tiếp thị trực tuyến và giành thị phần trong cả hai thế giới thực và ảo.
Nhận xét về xu hướng này, TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh) cho rằng, khi một thế giới Metaverse song song mở ra cùng với thế giới thực, thì tiềm năng phát triển của thương mại điện tử cũng được nhân lên. Thay vì mua một đôi giày Nike trên Amazon, người dùng còn có thể bị “chiêu dụ” mua luôn một đôi NFT Nike trên Metaverse hợp tác với Amazon. Chiến lược bán hàng song song cả 2 thế giới này đang được đề cập như một cách khiến người dùng tiếp tục mua sắm trên mạng và ngày càng mua nhiều hơn. Sự phát triển của các giải pháp mua trước trả sau (Buy Now Pay Later) càng hỗ trợ cho các xu thế này.
“Khi doanh thu có thể tăng trưởng mạnh hơn, định giá các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ ngày càng lớn và vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng tăng”, ông Tuấn lý giải.
Về lợi thế của Việt Nam, theo ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue nhận định, con số 800 tỷ USD chưa phản ánh hết tiềm năng của thị trường. Ở Việt Nam, Metaverse có hai phần là phần cứng và phần mềm. Về phần cứng, Việt Nam khó có thể đối trọng lại các cường quốc công nghệ như Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế lớn về xây dựng phần mềm với nguồn nhân sự dồi dào. Nhiều công ty game đã bắt đầu nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm. Tuy nhiên, Metaverse có rất nhiều lĩnh vực như AI, đồ họa, xây dựng avatar...
“Các công ty Việt Nam đang làm rất tốt những thứ như đồ họa, thanh toán, AI. Đây là những lợi thế rất lớn của Việt Nam, chúng ta cần chuẩn bị sẵn hàng trang để bước vào vũ trụ ảo”, ông Dinh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế lớn như tỷ lệ dân số tiếp cận Internet cao, nằm trong tốp 10 quốc gia sở hữu tài sản số lớn nhất thế giới nhờ dân số trẻ, nguồn nhân sự dồi dào. Nhiều công ty đã có sẵn nền tảng để xây dựng Metaverse như AI, nhận diện khuôn mặt, NFT... Đây là lợi thế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận người chơi, tiếp tục dẫn đầu trong tương lai.
Hiện nay, Metaverse xâm nhập sâu rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau mà thế giới khó hình dung nổi. Làn sóng Metaverse, bockchain sẽ còn tiếp diễn với nhiều ứng dụng mà chúng ta chưa biết hết. Đó là cơ hội lớn để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi cùng nhịp với sự phát triển của công nghệ thế giới.
Microsoft chi 70 tỷ USD để mua lại Activision Blizzard, giúp hãng này cạnh tranh trong lĩnh vực Metaverse.
Tencent bắt đầu tham gia Metaverse từ năm 2019 trong một thỏa thuận hợp tác trị giá 45,3 tỷ USD với Roblox.
Hàn Quốc đầu tư đầu tư 7,5 tỷ USD cho Metaverse và AI.