Thời sự
Đất đấu giá "ảo", làm sao để kiềm chế?
D.Ngân - 24/11/2024 11:46
Đó là câu hỏi được nhiều người dân đưa ra tại Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" với chủ đề "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn" đang diễn ra tại Hà Nội.

Sẽ công khai sai phạm về đấu giá đất

Về câu hỏi của ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), liên quan đến cơ chế chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu đất đấu giá, theo ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này đang tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá đất tại một số địa phương, nếu có sai phạm sẽ công khai, minh bạch.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi của nông dân.

Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất cũng trấn an người dân khi nói rằng "không nên lo ngại quá" bởi theo Luật Đất đai năm 2024, đã có những quy định mới và "mở và rất mở", đặc biệt trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp.

Theo Luật Đất đai năm 2024, có nhiều quy định mới và mở rộng so với Luật Đất đai năm 2013. Trong khi trước đây, người dân có nhu cầu sử dụng đất ở phải tham gia đấu giá, thì Điều 124 của Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rõ ràng các trường hợp giao đất, cho thuê đất mà không cần qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất.

Cụ thể, nhà nước sẽ giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trong các trường hợp sau: Giao đất ở cho các đối tượng đặc thù như cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và các cá nhân làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà chưa được giao đất ở hoặc nhà ở.

Giáo viên, nhân viên y tế công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà chưa có đất ở tại nơi công tác hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở.

Cá nhân thường trú tại các xã hoặc thị trấn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở hoặc hỗ trợ về nhà ở.

Cho thuê đất phục vụ sản xuất và kinh doanh: Cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với những người phải di dời vì ô nhiễm môi trường, theo quy định của pháp luật.

Cho thuê đất để tiếp tục sản xuất, kinh doanh đối với các trường hợp thu hồi đất của cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Cho thuê đất cho các đối tượng có nhu cầu đặc biệt:

Cá nhân có nhu cầu sử dụng diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao, hoặc là người dân tộc thiểu số. Đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, và các đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, làm muối. Các hoạt động khoáng sản đã được cấp phép.

Các trường hợp giao đất và cho thuê đất khác: Giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, bồi thường đất theo quy định của pháp luật.

Các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt hoặc các trường hợp giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại đất đai đã có quyết định thi hành. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Luật Đất đai năm 2024 đã mở ra cơ hội cho việc sử dụng đất một cách linh hoạt và hiệu quả, tạo điều kiện cho các đối tượng đặc thù cũng như các dự án phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng nói về đấu giá đất theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi.

Cụ thể, các giải pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật: Các địa phương cần đảm bảo việc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá, và Luật Đất đai năm 2024.

Công khai, minh bạch thông tin: Các kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, đặc biệt là thông tin liên quan đến khu vực đấu giá cần được công khai, minh bạch để người dân và các bên liên quan có thể giám sát và theo dõi.

Điều chỉnh giá đất hợp lý: Cần điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất, làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất, tránh tình trạng giá đất không phản ánh đúng giá trị thực tế.

Cung cấp đất ở hợp lý: Các địa phương cần tăng cường các giải pháp nhằm tăng nguồn cung đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, với mức giá hợp lý mà người dân có thể chi trả. Điều này giúp tránh tình trạng mất cân đối cung cầu về đất ở và nhà ở.

Quy chế đấu giá: Trong quy chế đấu giá, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền đấu giá, đồng thời công khai thông tin về các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc, để tránh tình trạng trục lợi.

Tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm: Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để khắc phục những vấn đề đã được các đại biểu phản ánh, đặc biệt là tại các khu vực ven ngoại thành Hà Nội.

"Thông qua các giải pháp này, chúng ta sẽ tạo ra một môi trường đấu giá đất công khai, minh bạch, công bằng, và đảm bảo quyền lợi cho người dân", người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Trồng dâu phát thải rất thấp, có tiềm năng bán tín chỉ carbon

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Huy, nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nấm Tam Đảo (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Bộ trưởng Đỗ Đức Duy rất tâm đắc với câu hỏi và thông tin mà đại biểu Huy nêu ra về phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm và hướng đến được cấp và bán tín chỉ carbon. Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường đánh giá đây là chủ trương rất hay.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trao đổi với nông dân.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay, hiện nay nhu cầu phát triển trồng râu nuôi tằm lớn, không chỉ trong nước và ngoài nước. Nhất là tại các địa phương vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo ước tính có thể thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng/ha/ năm. Cây trồng này có thể phát triển được trên đất đồi, đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân rất tốt.

Đặc biệt tại Yên Bái, còn thu hút được nhà máy ươm tơ quy mô lớn và cho chất lượng cao xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, nếu chúng ta đầu tư thêm, dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học... áp dụng vào trồng dâu thì phát thải rất thấp có tiềm năng bán tín chỉ carbon.

Sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương và bà con. Chúng ta hướng tới, xây dựng các phương thức cấp chứng chỉ carbon với các diện tích trồng dâu nuôi tằm, góp phần đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050.

Không chỉ lĩnh vực này mà còn nhiều lĩnh vực khác trong nông nghiệp để được cấp chứng chỉ carbon và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Trước đó, tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" với chủ đề "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn" là dịp truyền tải các thông điệp và phổ biến các cơ chế chính sách mới, quan trọng đến từng bà con nông dân trên cả nước.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị, Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề trọng tâm về cơ chế, chính sách và pháp luật về đất đai và những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thi hành chính sách mới của Luật Đất đai năm 2024.

Giới thiệu những sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; trong triển khai và vận dụng các điểm mới của chính sách để phát huy nguồn lực từ đất đai phục vụ việc cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chia sẻ các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn bà con nông dân bảo vệ môi trường nông thôn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; các đề xuất, kiến nghị của các cấp hội nông dân với các cơ quan nhà nước để làm tốt hơn lĩnh vực này.

Chia sẻ các mô hình quản lý, thu gom, xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp; biện pháp quản lý hóa chất bảo vệ thực vật… theo hướng tái chế, tái sử dụng, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, cac-bon thấp trong nông nghiệp.

Trao đổi, chia sẻ của đại diện các bộ, ban, ngành với các cấp Hội Nông dân và bà con nông dân để có thể tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sinh kế bền vững và chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác