Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, với 28,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số này, có 14,56 tỷ USD của 1.844 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 30,4%; có 6,75 tỷ USD của 878 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 28,3%; và có 4,16 tỷ USD của 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 64% so với cùng kỳ 2016.
. |
Cùng với đó, theo tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài, ước tính đến ngày 20/9/2017, các dự án FDI đã giải ngân được 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Đây là kết quả rất tích cực, bởi cả vốn đầu tư mới, vốn tăng thêm, vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần và vốn giải ngân đều tăng cao, lên tới 2 con số, so với cùng kỳ năm trước. Và điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam.
Theo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký là 12,64 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng đầu năm.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư là 5,37 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,58 tỷ USD, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Bất động sản đã không còn nằm trong top được đầu tư nhiều nhất như những năm trước đây.
Trong khi đó, nếu tính theo đối tác, Hàn Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,31 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,91 tỷ USD, chiếm 23,17% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,14 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư.