Đầu tư
Thu hút thêm FDI nếu tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Hồng Sơn - 19/09/2017 08:42
Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), qua đó tạo thêm việc làm và cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.

Điểm mặt những rào cản không mới

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, hiện chỉ có 9% doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn vào thực tế, thì phần lớn số DN đạt chuẩn này là DN FDI, doanh nghiệp trong nước, nếu có tham gia được, cũng chỉ là những nhà cung ứng thứ cấp và chỉ cung cấp những sản phẩm giản đơn, giá trị gia tăng không cao.

.

Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất cho biết, Công ty có 5 nhà máy sản xuất và đang cung cấp sản phẩm phụ trợ cho một số tập đoàn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực ô tô, điện, điện tử, cơ khí, khoáng sản… Tuy vậy, sản phẩm của Công ty cũng chỉ có thể bán cho nhà cung ứng thứ cấp, chứ chưa bán được cho DN sử dụng cuối cùng, nên giá trị gia tăng không cao.

Đơn cử, sản phẩm đế cao su ăng-ten của Cao su Thống Nhất được sử dụng cho toàn hệ thống ô tô thương hiệu Innova, nhưng Công ty phải bán sản phẩm này cho đơn vị cung cấp thứ cấp là công ty sản xuất ăng-ten… Đó là chưa kể, để trở thành nhà cung ứng, Công ty phải có chứng chỉ chất lượng từng loại sản phẩm cung ứng cụ thể, do tổ chức quốc tế đánh giá độc lập cấp, với chi phí đánh giá là 15.000 USD/lần và sau 3 năm phải thực hiện đánh giá lại.

Ông Charles Kunaka, Chuyên gia trưởng khu vực tư nhân của WB cho biết, cơ hội để các DN trong nước tham gia các ngành sản xuất bị thu hẹp vì các DN lớn như Samsung, Toyota, Ford… thường sử dụng mạng lưới nhà cung ứng toàn cầu sẵn có. Các công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, phụ tùng, linh kiện lõi… vẫn được thực hiện bên ngoài Việt Nam. Các DN hoạt động tại Việt Nam, trong đó có DN nội khó có khả năng đáp ứng yêu cầu này.

Từ kinh nghiệm quản lý nhà nước về thu hút đầu tư, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, đang có độ vênh rất lớn giữa DN nội với DN FDI và rất khó rút ngắn được khoảng cách này. Khi DN FDI đầu tư, họ luôn có chuỗi cung ứng toàn cầu đi cùng và cũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn sử dụng chuỗi cung ứng này.

Do đó, để có thể cạnh tranh, DN nội phải có nội lực lớn hơn, có chất lượng và số lượng sản phẩm ổn định với giá thành cạnh tranh hơn, nếu không cũng phải có những sản phẩm sáng tạo hơn. Trong khi đó, về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, vốn đầu tư, chất lượng sản phẩm, trình độ quản trị…, phía DN Việt Nam đều yếu và gần như không thể bắt kịp tốc độ thay đổi công nghệ của các DN FDI lớn.

Cần giải pháp đột phá

Đại diện Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần định hướng lộ trình tham gia cho DN vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bước đầu có thể lựa chọn những DN có tiềm năng phát triển, hỗ trợ liên kết sản xuất với DN nước ngoài để học hỏi và chuyển giao công nghệ. Tiếp đó là hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô đầu tư, nâng chất hoạt động sản xuất và chất lượng quản trị… Cùng với đó, phải xây dựng và nuôi dưỡng đội ngũ sáng tạo, tạo điều kiện để tăng kết nối và chuyển hóa công nghệ từ DN FDI.

Bà Asya Akhlaque, Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhận định, cần phải thay đổi cách thức quản lý và hỗ trợ DN. Theo đó, không nên có quá nhiều cơ quan quản lý và hỗ trợ DN phát triển công nghiệp hỗ trợ như hiện nay, dẫn đến chồng chéo trong quá trình thực hiện nhưng hiệu quả không cao. Cơ quan quản lý phải có đủ thẩm quyền và năng lực để thực hiện chính sách hỗ trợ DN.

Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng lao động, phát triển cơ sở hạ tầng có tính đến yếu tố kết nối với các quốc gia trong cùng chuỗi cung ứng để tăng khả năng kết nối thị trường. Tái cấu trúc nền kinh tế thị trường theo hướng công bằng hơn trong hoạt động cạnh tranh. Trong những lĩnh vực nhất định, cần thiết phải có sự can thiệp từ phía Chính phủ để có thể đẩy mạnh phát triển ngành…

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, chính sách của chúng ta hiện có 2 điểm yếu: quá chung chung và tư duy theo hướng phân mảnh, mỗi thứ một ít. Việc thiết kế các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành tưởng như rất ổn, nhưng thực chất lại rất bất cập do không thể tạo chuỗi kết nối sản xuất. Do đó, phải thay đổi tư duy hỗ trợ DN và việc hỗ trợ phải rất cụ thể.

Tin liên quan
Tin khác