Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) khi bước chân vào Top50 các doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Với lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 13.506 tỷ đồng, HPG ban đầu dự kiến chia cổ tức 35%.
Tuy nhiên, qua thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra sáng 22/4, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG đã quyết định xin ý kiến Đại hội về nâng mức chia cổ tức năm 2020 lên 40%, trong đó 35% là bằng cổ phiếu thưởng và 5% là bằng tiền mặt.
Đồng thời cũng đặt kế hoạch chia cổ tức năm 2021 lên 40%, so với dự kiến 30% trong tài liệu ban đầu phát cho cổ đông tham gia. Đề nghị này cũng đã được các cổ đông cổ vũ nhiệt tình và đồng ý.
Sản phẩm HRC được sản xuất tại Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất. |
Kết thúc năm 2020, HPG đã đạt sản lượng sản xuất 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 và lần đầu tiên trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam khi vượt qua Formosa trong 4 tháng cuối của năm.
Thép tiếp tục là lĩnh vực chủ đạo của HPG khi chiếm 84% doanh thu và 82% lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn.
Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%. Lượng đơn đặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) vượt 300% so với công suất của Hòa Phát.
Từ nhà máy luyện phôi thép theo công nghệ lò điện 300.000 tấn/năm, đến đầu năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 8 triệu tấn/năm.
Với công suất này, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong Top 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu (theo World Steel 2020).
Lĩnh vực nông nghiệp cũng có những bước tiến vượt bậc khi tăng trưởng doanh thu đạt 32% và đóng góp 12% doanh thu của Tập đoàn. Đặc biệt, lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2019. Bò Australia giữ thị phần số 1 Việt Nam, heo an toàn sinh học, trứng gà sạch của Hòa Phát cũng thuộc top đầu của thị trường. Lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao.
Các Khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy lên tới 100%. Hòa Phát cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu tư mở rộng KCN Phố Nối A, KCN Yên Mỹ II.
Cuối năm 2020, đầu năm 2021, Hòa Phát cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành bao gồm gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp và bất động sản.
Các lò hơi của HPG hiện có gắn thiết bị giám sát phát thải và truyền tín hiệu trực tiếp về các cơ quan quản lý môi trường như Sở Tài nguyên Môi trường địa phương hay Bộ Tài nguyên Môi trường.
Trong quý I/2021, kết quả mà HPG đạt được cũng làm nức lòng cổ đông khi đạt doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 7.000 tỷ đồng. Trong số này có 6.500 tỷ đồng là từ kinh doanh thuần và 500 tỷ đồng là do bán Công ty nội thất.
Chia sẻ với các cổ đông tại Đại hội, ông Trần Đình Long cho hay, Trung Quốc hiện đã trở thành nước phát triển khi GDP bình quân đạt hơn 10.000 USD/người/năm. Trong khi đó Việt Nam mới chỉ là khoảng 3.000 USD/người/năm nên cơ hội để đón nhận dịch chuyển đầu tư trong một số lĩnh vực cần nhiều lao động từ các nước phát triển sang là dễ hiểu.
Đơn cử sản xuất container, lương thợ hàn tại Thượng Hải là khoảng 50 triệu đồng/tháng, trong khi lương thợ hàn Việt Nam chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chưa kể chi phí điện năng ở Việt Nam cũng rẻ hơn.
“Chi phí sản xuất tại Việt Nam đang tốt hơn, nhu cầu container trên thế giới tăng trưởng nhanh nên cơ bản là thuận lợi dù có một chút khó khăn là đây là mặt hàng rỗng, khi vận chuyển sẽ chiếm nhiều chỗ. Tuy nhiên nếu làm được 500.000 container/năm thì đây lại là đầu ra tốt cho sản xuất thép tại Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất”, ông Long chia sẻ và cho biết thêm, cũng có hãng tàu nước ngoài muốn liên doanh với HPG để làm container nhưng chủ trương của HPG là không liên doanh.
Ở Dự án Dung Quất 2, hiện HPG dự tính vốn điều lệ là 70.000 tỷ đồng và vốn lưu động là 15.000 tỷ đồng, đang được đặt mục tiêu hoàn thành trong cuối năm 2024, thay vì năm 2025 với công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC).
Việc tổng đầu tư của Dự án Dung Quất 2 cao hơn Dung Quất 1 khoảng 10.000 tỷ đồng được lý giải là có nguyên nhân cũng chính từ việc giá thép trên thị trường chung tăng và có tới 70-80% thiết bị của nhà máy lại đi từ thép. Ngoài ra, mặt hàng sản xuất của Dung Quất 2 cũng hiện đại và phức tạp hơn, trong khi cơ sở hạ tầng tận dụng từ Dự án Dung Quất 1 tuy có nhưng không đủ hay vẫn phải xây cảng mới.
Ông Long cho hay, hiện Dung Quất 1 đang sản xuất 250.000 - 300.000 tấn HRC/tháng nhưng nếu có 1 triệu tấn/tháng vẫn bán được và nhu cầu là lâu dài với mức tăng trưởng 10%/năm.
Điều này là bởi tổng nhu cầu HRC của Việt Nam hiện mới là 12 triệu tấn/năm trong khi lượng sản xuất của HPG và Formosa cộng lại mới đạt 8 triệu tấn/năm.
Chủ tịch HPG cũng cho biết, tổng tài sản hiện nay của HPG là gần 140.000 tỷ đồng và hiện đang vay khoảng 60.000 tỷ đồng cho thấy mức độ vay ròng trên vốn chủ sở hữu thấp và được các ngân hàng cho là quá thận trọng trong việc dùng đòn bẩy tài chính.
Bởi vậy, với dự án Dung Quất 2, HPG sẽ không phải phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn cho triển khai dự án.