| ||
Chính phủ đưa ra 9 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014. |
Trình bày Dự thảo Nghị quyết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế.
Đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Về các chỉ tiêu cụ thể, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Dự thảo đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động;...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nói trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; phát triển trị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu;...
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhóm giải pháp thứ ba, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng;...
Cùng với đó, Dự thảo cũng yêu cầu tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Nhiệm vụ thứ năm là sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhóm giải pháp thứ sáu là đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ba nhóm giải pháp, nhiệm vụ cuối cùng là bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tổng thu NSNN cả năm ước đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, đạt 96,9% dự toán năm, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2012. Bội chi NSNN bằng 120% mức bội chi dự toán đầu năm, bằng 5,3% GDP. Nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn: nợ công đến cuối năm 2013 đạt 56,2% GDP (<65%). Năm 2013, vốn FDI thực hiện ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012; vốn đăng ký ước đạt 21,63 tỷ USD, tăng 54,5%. Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi cả năm ước đạt 4.500 triệu USD, tăng 7,5%. Ước cả năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,2 tỷ USD, tăng 15,4%, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra (10%), xuất siêu khoảng 863 triệu USD, bằng 0,65% tổng kim ngạch xuất khẩu.
|
Phan Long