Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý tới vai trò của đào tạo nghề trong việc thay đổi chất lượng nguồn nhân lực và yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các Bộ, ngành sớm xây dựng và trình chỉ thị về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng nhu cầu nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. |
Nhìn thẳng thực tế
Theo Thủ tướng, nguồn lực phát triển nước ta không phải rừng vàng biển bạc mà chính là gần 100 triệu người Việt. Kỹ năng lao động, kỹ năng quản trị quốc gia, kỹ năng quản trị một ngành, lĩnh vực hay địa phương gọi chung là năng lực trí tuệ nghề nghiệp của từng người trong đất nước sẽ hoàn toàn quyết định sự phát triển.
Những thành quả của giáo dục nghề nghiệp được Thủ tướng đề cập tới là những năm qua, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Thể chế gần đây nhất là ban hành Luật giáo dục nghề nghiệp đi cùng nhiều quyết định của Thủ tướng, thông tư của các Bộ.
Việt Nam cũng đã xây dựng được 130 nghề trọng điểm, 40 trường nghề chất lượng cao, trong đó, nhiều trường có chương trình tốt. 3 năm gần đây, tuyển sinh các trường dạy nghề luôn vượt chỉ tiêu là những tín hiệu đáng mừng. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng rất quan tâm tới đào tạo lực lượng lao động nông thôn, người nghèo, đồng bào dân tộc đem lại cơ hội việc làm cho nhiều lao động với tỷ lệ bình quân có việc làm đạt trên 85%. Chất lượng đào tạo nghề cũng tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh Quốc gia của Việt Nam năm 2019.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đồng ý với quan điểm Việt Nam thừa thầy thiếu thợ mà hiện trạng là Việt Nam đang thiếu cả thầy lẫn thợ. Thầy ở đây là thầy giỏi, tích hợp được kỹ năng nghề nghiệp.
Thủ tướng đặc biệt lo ngại về tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ ở Việt Nam mới đạt trên 22%, bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, trong khi nhiều nước, tỷ lệ đào tạo của lao động đã đạt trên 50%. Con số này hoàn toàn không tương xứng với con số về dân số đứng thứ 3 ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Indonesia và Philipine.
Trong khi đó, cơ cấu ngành nghề của Việt Nam hiện chưa hợp lý với gần 40% lực lượng lao động đang làm việc ở khu vực nông thôn. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao năng suất lao động Việt Nam ở mức thấp.
Ví giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam như chiếc áo ngũ sắc có không ít miếng vá cũ kỹ, thủ tướng thẳng thắn chỉ ra, số lượng trường nghề đông nhưng số trường đạt chuẩn quốc tế thấp dẫn tới việc Việt Nam đang mất dần thế cạnh tranh.
Việc thiếu đồng bộ giữa các trường cũng khiến cho chất lượng đào tạo lực lượng lao động của Việt Nam không đồng đều và đang thiếu những kỹ năng mà nền công nghiệp đang cần về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc theo nhóm, theo tổ, tác phong công nghiệp….
Đưa giáo dục nghề thành nhiệm vụ mục tiêu Quốc gia
Nhìn nhận từ thực tế, Thủ tướng cho rằng, để duy trì thúc đẩy kinh tế ở mức cao, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia rất cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Quá trình này không thể tách rời gắn kết doanh nghiệp và thị trường lao động. Chỉ tính riêng khối FDI của Việt Nam đã chiếm gần 60% giá trị sản xuất công nghiệp, gần 70% giá trị xuất khẩu. Đây cũng là khối doanh nghiệp đang có nhu cầu, tiềm năng lớn và nhiều kinh nghiệm để có thể đồng hành cùng giáo dục nghề nghiệp.
“Việt Nam có trên 600.000 doanh nghiệp và 33.000 doanh nghiệp FDI. Nếu thúc đẩy Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo thì chắc chắn chất lượng lao động, kỹ năng lao động Việt nam sẽ sớm tốt lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ ra 3 nguyên tắc phải đảm bảo sớm được thi hành.
Thứ nhất, bám sát hơn nhu cầu thực tiễn thị trường, gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp thông qua cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề từ xây dựng chương trình kỹ năng nghề Quốc gia đến chương trình đào tạo, kiến tạo thực hành, đánh giá chất lượng đào tạo và tuyển dụng học viên sau tốt nghiệp.
Thứ 2, phát triển đào tạo nghề phải theo chuẩn mực quốc tế để đáp ứng những yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Học viên phải có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm phù hợp thách thức và yêu cầu của hội nhập và toàn cầu hóa, xu hướng phát triển của nền kinh tế. Các trường phải xem đào tạo kỹ năng gì để học viên có thể làm việc được trong môi trường quốc tế, khu vực kinh tế tuần hoàn xây dựng các khu vực kinh tế thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, năng lượng tái tạo.
Thứ 3 nâng cao tính dự báo, cần nắm bắt nhanh nhạy dự báo được nhu cầu của doanh nghiệp, kỹ năng cần của nền kinh tế, trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý tới vấn đề thương mại điện tử, thanh toán điện tử, marketing số hóa, sâu hơn là trí tuệ nhân tạo, máy tính, internet vạn vật, blocchain đang đòi hỏi những kỹ năng nghề mới. Trong khi đó, ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam là Singapore và Nhật Bản cũng đang thiếu nhân lực nghề và đang rất cần lao động nghề của Việt Nam. Đơn cử FPT cũng có tới 2.000 lao động đang làm việc ở những thị trường này.
“Do đó, cách mạng 4.0 không làm thu hẹp việc làm của lao động, lao động không thể mất việc làm nếu có kỹ năng nghề tốt”, Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Ngay trong diễn đàn này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm việc với các Bộ, ngành để sớm trình Chính phủ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động của Việt Nam để tổ chức thực hiện với cơ chế rõ ràng về sự tham gia của nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Trong đó, Thủ tưởng cũng kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong thay đổi nhận thức về giáo dục nghề bằng các hoạt động tôn vinh, nhân lực có kỹ năng, lập quỹ khen thưởng, trao học bổng vận động thế hệ trẻ tham gia. Ngay cả các địa phương, nếu không quan tâm nội dung này thì hệ lụy sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên địa phương đó khi không thể chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, tạo giá trị cho chính địa phương đó.
“Sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp có ảnh hưởng đến thành bại của công cuộc phát triển một quốc gia trong quá trình chuyển đổi, vì phần lớn lực lượng lao động của quốc gia muốn có kỹ năng, năng suất cao đều được đào tạo và đào tạo tốt nhất tại nơi đây. Một trái tim nóng, cái đầu thông minh, bàn tay hành động có đi vào cuộc sống hay không chính là nhận thức trong cuộc sống. Cách làm tốt nhất của chúng ta là đưa giáo dục nghề nghiệp thành phong trào cách mạng không chỉ số lượng mà chất lượng với mục tiêu đóng góp xây dựng đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.