Nức tiếng đặc sản từ sen
Có dịp đến một số điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Xẻo Quít, Vườn Quốc gia Tràm Chim, TP. Cao lãnh, TP. Sa Đéc, Khu du lịch Làng bè Bình Thạnh... bên cạnh phong cảnh đặc trưng sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, du khách sẽ cảm thấy thú vị và ấn tượng với trên 200 đặc sản thơm ngon của quê hương Đồng Tháp và càng thích thú hơn với những sản phẩm mẫu mã đẹp mắt, đặc trưng của Đồng Tháp. Du khách có thể mua những đặc sản này làm quà biếu, trong đó sen Đồng Tháp và sản phẩm được làm từ sen Đồng Tháp khiến nhiều du khách không khỏi bất ngờ bởi hương vị thơm ngon của những sản phẩm này.
Được mệnh danh là “đất sen hồng”, Đồng Tháp không chỉ có những cánh đồng sen bạt ngàn, mà giờ đây xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm được chế biến từ sen. Những sản phẩm như hồng sen tửu, sữa sen, sen sấy, trà tim sen và các sản phẩm có hương vị sen như bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lức hạt sen Bích Chi… đã trở thành đặc sản nổi tiếng vang xa.
Từ những cánh đồng sen bạt ngàn, Đồng Tháp ngày càng có thêm nhiều sản phẩm chế biến từ sen. |
Gần đây, khi đặt chân đến cửa hàng Đặc sản Đồng Tháp và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, ngoài mua sắm những sản phẩm mới từ sen, nhiều du khách đã tìm đến đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười - Hồng Sen Tửu. Đây là sản phẩm rượu được chiết xuất từ sen, được CTCP Đầu tư - Thương mại - Du lịch Đồng Tháp Mười (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) sản xuất cách đây 5 năm, xuất phát từ ý tưởng là tìm sản phẩm đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản quê nhà đến du khách.
Ngành du lịch Đồng Tháp càng vui mừng hơn khi mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam lần thứ ba – 2015. Đồng Tháp có 04 đặc sản được công nhận là Khô cá lóc Tràm Chim, Lẩu chua cá linh bông điên điển, Hủ tiếu Sa Đéc và Chuột đồng Cao Lãnh quay lu.
Sau khi được công nhận, những món ăn này được công bố và giới thiệu trên Cổng Thông tin điện tử Kỷ lục Việt Nam (www.kyluc.vn), Top Việt Nam (www.topvietnam.vn), trong các ấn phẩm của kỷ lục Việt Nam “Bản tin Cẩm nang thông tin Kỷ lục Việt Nam”, niên giám “Kỷ lục Việt Nam” để quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước. Đây là cơ hội tốt để quảng bá du lịch và hình ảnh con người Đồng Tháp tới bạn bè thế giới
Hấp dẫn món lẩu chua cá linh bông điên điển
Khi cánh đồng miền đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp vàng rực bông điên điển, những con cá linh theo dòng nước lũ đổ về là lúc người dân ở đây được thưởng thức món ăn đậm chất hương đồng gió nội. Mùa nước nổi ở miền Tây được báo hiệu khi sắc vàng tươi của bông điên điển tràn ngập cánh đồng hay dọc theo những triền đê. Để rồi sau một đêm thức giấc, các cánh đồng ở đây nước đã ngập trắng, cũng là lúc người dân bắt đầu chuẩn bị công cụ cho một mùa mưu sinh. Những chiếc lưới cá, những con thuyền ba lá, theo người dân len lỏi qua các dòng sông, con lạch, kéo lên từng mẻ cá nặng trịch, lấp lánh ánh bạc. Tuy là một món ăn bình dị, nhưng đây là đặc sản nổi tiếng, một niềm tự hào của người dân miền Tây nói chung và Đồng Tháp nói riêng mỗi khi mùa lũ về.
Tên gọi lẩu chua cá linh bông điên điển cũng là hai thành phần chính tạo nên món lẩu thơm ngon này. Nếu có dịp du ngoạn miền Tây và Đồng Tháp vào thời gian này, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển nức tiếng của người dân xứ bưng biền.
Thưởng thức món hủ tiếu
Đi khắp các tỉnh thành Nam Bộ, dù ở đâu, du khách cũng có thể thưởng thức món hủ tiếu, nhưng để tìm đúng hương vị đặc sắc, độc đáo của nó, người ta chỉ ấn tượng với 03 loại hủ tiếu: hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu Nam Vang. Tuy nhiên, hủ tiếu Sa Đéc luôn hấp dẫn du khách gần xa, bởi nguyên liệu làm hủ tiếu xuất phát từ làng bột Tân Phú Đông (TP. Sa Đéc) nổi tiếng hàng thế kỷ nay, đang trở thành làng nghề bột lọc nổi tiếng của Đồng bằng Sông Cửu Long với cọng bánh mềm mà không bở, cũng không dai, vị bánh không chua, hương bánh thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. …
Để ăn món hủ tiếu Sa Đéc, thực khách có thể gọi loại thịt, xương hay khô tùy thích. Thịt và xương được chế biến trong món này giữ được độ mềm, ngon. Nước lèo (xíu quách) không sử dụng các loại gia vị có sẵn như bột ngọt, đường, muối... mà được hầm từ xương heo. Tô hủ tiếu nghi ngút khói được bưng ra, cũng là lúc thực khách hít một hơi thật sâu để cảm nhận mùi vị món ăn hòa trong không khí.
“Chuột đồng Cao Lãnh ăn mê hơn nhiều”
Xứ Đồng Tháp còn nổi tiếng với món chuột đồng thương hiệu "Chuột đồng Cao Lãnh" mà ai ai cũng biết. "Cần chi cá lóc, cá trê, Chuột đồng Cao Lãnh ăn mê hơn nhiều!"
Tuy có đến hàng trăm cách chế biến thịt chuột, nhưng dân dã và độc đáo nhất vẫn là thịt chuột quay lu. Để có món chuột quay lu ngon phải là chuột con to, làm sạch nhưng không lột da. Quan trọng nhất vẫn là tẩm ướt, gia vị cần, tỏi, hành tím băm nhỏ, đường, ớt, bột ngọt (mì chín), nước mắm. Sau đó để khoảng 15 phút để thịt chuột ngấm hỗn hợp này.
Lò lửa là chiếc lu hay còn gọi là khạp da bò người dân quê thường sử dụng để đựng nước sinh hoạt (nên có tên gọi chuột quay lu). Lò lửa đã được chuẩn bị từ trước để có đủ độ nóng, khi quay phải sử dụng lửa ngọn mới tạo được lớp da giòn đầy hấp dẫn. Chuột sẽ được quay trong lu, trở đều cho thịt chín. Khi chuột gần chín, người ta phết lên da chúng một lớp mật ong nguyên chất thắng vàng. Món này phải bày với rau càng cua trộn giấm và cà chua, chấm nước mắm trong dầm xoài sống, nhâm nhi với rượu thuốc hay với mật ong.
Khô cá lóc Tràm Chim
Một đặc sản nổi tiếng khác đã được du khách gần xa biết đến là khô cá lóc Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông. Khô được du khách mua về chế biến vài món ăn thông dụng, đậm đà với các món gỏi sầu đâu, xoài, dưa leo, đu đủ khô cá lóc; khô cá lóc sốt me,...
Theo nhiều lão nông ở Tràm Chim (huyện Tam Nông), trước đây, khô cá lóc chủ yếu chỉ để dùng trong gia đình. Khi đó, vào mùa mưa cá nhiều, đánh bắt được ăn không hết nên người dân mới sơ chế, đem phơi để dành cho mùa khô phèn mặn. Dần dà, nó trở thành một nghề làm sinh kế cho hàng trăm hộ dân, rải rác ở các địa phương như Phú Đức, Phú Hiệp, Tân Công Sính, Tràm Chim…
Do nằm trong Vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, lại giáp với sông Tiền nên xưa tới nay, cá lóc nhiều vô số. Chừng hơn chục năm trước, chỉ giăng lưới một đêm là có thể bắt được cả chục ký cá lóc, con nào con nấy to như bắp tay, đen trũi. Không chỉ ở kênh rạch, bàu ruộng mà ngay cả những cánh đồng mới gặt ngập nước lác đác bông sen, bông súng cũng xuất hiện nhiều cá lóc. Vì thế, nhà nào cũng làm khô cá này. Dần dà, khô cá trở thành nghề, trở thành đặc sản Vùng Đồng Tháp Mười.
Thư giãn với Khu du lịch Làng bè Bình Thạnh
Sau hơn 3 tháng xây dựng Khu du lịch (KDL) Làng bè Bình Tha?nh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã cơ bản hoàn thành. Hiện tại, KDL có 3 bè chuyên phục vụ ăn uống, 05 lồng bè đưa du khách trải nghiệm, tham quan và khám phá nghề nuôi cá bè trên sông.
Ông Bùi Thanh Phong, Giám đốc KDL Làng bè Bình Thạnh cho biết, ý tưởng hình thành KDL xuất phát từ mong muốn cùng với người dân Bình Thạnh, khai thác các sản phẩm sẵn có tại địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và giải quyết lao động tại địa phương.
Đến với Du lịch Làng bè Bình Thạnh, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ câu cá trên bè, tham quan làng bè và hòa mình vào hoạt động của người dân nuôi cá bè; tham quan cồn Bình Thạnh với những vườn cây ăn trái đặc sản, tham quan cơ sở sản xuất khô cá điêu hồng. Ngoài ra, Du lịch Làng bè Bình Thạnh còn là điểm đến đầy thú vị khi kết nối với các điểm du lịch kế cận như làng hoa Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (TP. Sa Đéc), khu di tích Xẻo Quýt, lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc….
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, nhờ định vị và nâng chất các sản phẩm du lịch đặc trưng, kết hợp xã hội hoá khai thác du lịch cộng đồng, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh, con người Đồng Tháp… nên 9 tháng đầu năm nay, Đồng Tháp đạt tổng doanh thu từ du lịch khoảng 250 tỉ đồng, tăng gần 50% so cùng kỳ 2014, đón tiếp 1,6 triệu lượt du khách, tăng 56,46% so cùng kỳ. Kết quả này đang góp phần tích cực vào nỗ lực hiện thực hoá Đề án Du lịch 2015 của “đất sen hồng” Đồng Tháp.