Thời sự
Đồng Tháp phát triển du lịch đặc thù
Huy Tự - Đức Hoà - 30/06/2015 13:22
Đồng Tháp đang tìm kiếm giải pháp liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, 6 tháng đầu năm nay, Đồng Tháp ước đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, tăng 58,43% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 27.000 lượt khách quốc tế, tăng 7,57%, tổng doanh thu du lịch ước đạt 127,8 tỷ đồng, tăng 27,04% so với cùng kỳ năm 2014.

Yếu tố quan trọng khiến lượng khách tăng đột biến là do Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 được Đồng Tháp ban hành đã đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống người dân, các hạng mục đầu tư năm 2015 được thực hiện đã làm thay đổi diện mạo các khu, điểm du lịch. Ngoài ra, công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh về du lịch Đồng Tháp thông qua các phương tiện truyền thông được đẩy mạnh, công tác xã  hội hóa du lịch thực hiện khá tốt cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn khách du lịch.

Thực hiện Đề án Phát triển du lịch, tỉnh đã rà soát hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến các khu du lịch trọng điểm để xây dựng các tuyến du lịch, tour du lịch khép kín; hoàn thiện tuyến giao thông đường bộ từ Thanh Bình đi Vườn quốc gia Tràm Chim. Đồng Tháp cũng lập dự án đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020 các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ phát triển du lịch như: tuyến nối Gò Tháp với Gáo Giồng, Gáo Giồng nối với Tràm Chim, Gáo Giồng nối với TP. Cao Lãnh, tuyến nối Xẻo Quít - Bình Thạnh - Sa Đéc, tuyến cặp sông Tiền thuộc phường 6 và Tịnh Thới - TP. Cao Lãnh, đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, các khu vui chơi giải trí phù hợp tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch trọng điểm; đưa vào kế hoạch đầu tư năm 2015 gồm 7 dự án.

Ông Võ Tiến Thành, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại - du lịch và đầu tư Đồng Tháp cho biết, tham gia Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL 2015, ngoài trưng bày giới thiệu, quảng bá về du lịch và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, Đồng Tháp còn tổ chức Hội thảo Du lịch Đồng Tháp: Hành trình sen - Hương sắc miền sông nước, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh, góp phần thực hiện Đề án; quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch “Đồng Tháp thuần khiết như hồn Sen”. Đây là dịp để du lịch Đồng Tháp mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong quảng bá du lịch, nâng cao hình ảnh địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư vào du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch xanh phù hợp với nguồn tài nguyên du lịch của địa phương.

Đây còn là dịp giúp địa phương tìm kiếm giải pháp liên kết phát triển du lịch vùng giữa Đồng Tháp và các tỉnh  ĐBSCL, kết nối tour, tuyến giữa các địa phương và hướng đến phát triển nền du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng hình ảnh thương hiệu Đồng Tháp trong lòng bạn bè, du khách gần xa.

Ông Virat Chaturaputtpitak, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thái Lan (ATTA) nhận xét: “Đồng Tháp rất may mắn khi duy trì được một hệ thống tài nguyên du lịch sinh thái còn rất nguyên vẹn. Sinh thái ngập nước nơi đây khác hẳn với một Mekong sông nước và vườn trái cây mà tôi từng biết”. Ông Chaturaputtpitak chia sẻ thêm: “Tôi thật sự ấn tượng về Khu di tích Xẻo Quít, Vườn quốc gia Tràm Chim với  cảnh quan tuyệt đẹp và những ngôi nhà cổ nên thơ dọc bên sông Sa Đéc. Đặc biệt, Đồng Tháp có một số di tích của nền văn hóa Óc Eo có giá trị. Chỉ những giá trị này thôi, các bạn đã đủ sức làm nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn”.

Với lợi thế là trung điểm kết nối TP.HCM và Campuchia, nhiều du khách cho rằng, Đồng Tháp cần tăng cường quảng bá để nhiều người được biết, qua đó những khách đến TP.HCM có thể ngủ 1- 2 đêm ở Đồng Tháp rồi di chuyển sang Campuchia theo kiểu du lịch “1 tour 2 quốc gia”… Được biết, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Đồng Tháp. Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung khai thác 2 loại hình đặc trưng gồm:

Thứ nhất, phát triển sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa. Đối với loại hình này, tỉnh sẽ phát triển sản phẩm du lịch thưởng ngoạn cảnh quan sông nước gắn với các hoạt động tham quan cảnh quan thiên nhiên mùa nước, ngắm cánh đồng sen, tham quan Di chỉ khảo cổ văn hóa Phù Nam... Đồng Tháp còn phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn quốc gia Tràm Chim với các hoạt động của người dân trong mùa nước nổi...

Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, gồm: phát triển sản phẩm du lịch sinh cảnh rừng tràm ngập nước với các hoạt động tham quan cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu các giá trị di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực đồng quê tại Khu di tích Xẻo Quýt và Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh cảnh đất ngập nước nội địa vùng trũng Đồng Tháp Mười với các hoạt động tham quan, tìm hiểu về môi trường, môi sinh và các giá trị đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Tin liên quan
Tin khác