Những tiềm năng, thế mạnh
Vĩnh Long nằm ở hạ lưu sông Mekong, giữa hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang, cùng với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, phân bố tương đối đồng đều đã làm cho Vĩnh Long trở thành đầu mối giao thông nối liền giữa các vùng trong khu vực và quốc tế thông qua các cửa biển: Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An... Lợi thế này đã tạo cho Vĩnh Long có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vĩnh Long có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa thích hợp nuôi trồng thủy sản, trồng lúa và nhiều loại cây trái đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với vùng nguyên liệu 1 triệu tấn lúa, nửa triệu tấn trái cây và 200.000 tấn thủy sản/năm, Vĩnh Long là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư chế biến nông sản.
Đặc biệt do sở hữu hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với gần 50.000 ha đất trồng cây ăn trái lâu năm, Vĩnh Long có nhiều lợi thế phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng Homestay trên 4 xã cù lao.
Bên cạnh đó, Vĩnh Long còn có nhiều điểm tham quan di tích văn hóa, lịch sử như Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm cố GS. Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Văn Thánh Miếu, Văn Xương Các, chùa Tiên Châu… và nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như gạch ngói, gốm sứ, đan lát, dệt chiếu…, nên cũng có thế mạnh về du lịch tham quan di tích văn hóa - lịch sử, du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống. Sự phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng “khẩu vị” nhiều đối tượng khách du lịch đã tạo nên sức hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến với Vĩnh Long.
Du lịch đang dần trở thành ngành mũi nhọn
Tọa lạc trên mảnh đất cù lao xã An Bình - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm nước ngọt đầy ắp phù sa, bốn mùa cây trái xanh tươi, Khu du lịch sinh thái Vinh Sang rộng 2,2 ha hiện là điểm thu hút đông đảo khách tham quan ở miệt cù lao này. Được biết, chủ đầu tư khu du lịch này vừa được tỉnh Vĩnh Long chấp thuận chủ trương mở rộng thêm 1,3 ha để xây dựng thêm khu vui chơi giải trí, resort nghỉ dưỡng cao cấp.
Cuối năm 2014, CTCP Du lịch Cửu Long cũng đã khai trương giai đoạn 1, điểm du lịch sinh thái Mai vàng Cửu Long, tại ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) với các dịch vụ tổng hợp, phòng nghỉ, nhà hàng phục vụ các món ăn dân dã, khu dã ngoại lửa trại, các trò chơi dân gian truyền thống, nhà trưng bày nét sinh hoạt nông thôn Nam Bộ xưa... Trong dịp Tết Ất Mùi, điểm du lịch này cũng đã thu hút khá đông du khách đến tham quan.
Ngoài hai điểm du lịch trên, Vĩnh Long còn nhiều điểm du lịch nhà vườn nổi bật khác như Khu du lịch Quốc Nam, Khu du lịch sinh thái Sáu Giáo, Du lịch sinh thái Tám Hổ… Các điểm du lịch trên hàng năm thu hút khoảng nửa triệu lượt du khách, chiếm trên 70% lượng khách đến Vĩnh Long, góp phần tích cực trong phát triển ngành du lịch tại địa phương.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Khách sạn Trường Huy - Vĩnh Long thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Trường Huy tại ấp Tân Quới Hưng - Tân Quới Tây, xã Trường An, TP. Vĩnh Long. Dự án có quy mô diện tích 10 ha, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2017, Dự án sẽ có các sản phẩm mới, phát huy thế mạnh du lịch sinh thái vườn tại Vĩnh Long.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 40 điểm vườn du lịch sinh thái, trong số đó có 20 điểm du lịch homestay với 409 giường ngủ mỗi năm phục vụ từ 15.000 đến 20.000 lượt khách, chiếm 10% lượng khách quốc tế đến Vĩnh Long). Hiện toàn tỉnh có 83 cơ sở lưu trú du lịch, 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với 100 phương tiện tàu thủy nội địa (từ 10 đến 40 chỗ) vận chuyển du khách đến các điểm du lịch. Năm 2014, địa phương đã đón tiếp gần 1 triệu lượt khách du lịch, trong 6 tháng đầu năm nay đã đón tiếp gần nửa triệu lượt du khách, doanh thu du lịch tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái vườn.
Phát triển du lịch sinh thái vườn không chỉ tạo doanh thu cho ngành du lịch, mà còn góp phần giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn. Đây cũng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đặc biệt là phong trào cải tạo vườn tạp thay thế bằng những vườn cây ăn trái đặc sản giá trị kinh tế cao hơn, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.
Với hiệu quả của du lịch sinh thái vườn, ngành du lịch Vĩnh Long đang tập trung định hướng xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng dân cư nhằm tạo được mô hình kinh tế phát triển bền vững, đồng thời đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư làm du lịch như hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ khách; đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà vườn và các doanh nghiệp lữ hành thông qua thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long; tăng cường công tác xúc tiến du lịch...
Với định hướng ưu tiên phát triển du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp, địa phương xác định nguồn lực đầu tư vào các điểm du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái là rất lớn. Do vậy, ngoài việc khuyến khích cộng đồng dân cư địa phương tự đầu tư trên mảnh vườn của mình, tỉnh Vĩnh Long cũng kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến Vĩnh Long đầu tư phát triển du lịch nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách.
Ông Phạm Thành Khôn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, để đạt mục tiêu thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo, tỉnh Vĩnh Long tập trung cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Ngoài việc thực hiện tốt chương trình xúc tiến quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh của tỉnh, các dự án mời gọi đầu tư, các chính sách khuyến khích, ưu đãi... Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt Đề tài khoa học - công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu phát triển và tạo sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp nguồn lợi trái cây, làng nghề, sinh thái nhân văn trên vùng địa linh nhân kiệt tỉnh Vĩnh Long”.