Thời sự
Dấu ấn Đà Nẵng qua góc nhìn của người Sài Gòn
Trần Thanh Quang - 29/03/2018 07:48
Nếu ai từng sống, làm việc và cùng nhịp đập con tim với Đà Nẵng trong thời gian khá dài, sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng đến ngỡ ngàng của thành phố này.

Chuyến bay chặng TP.HCM - Đà Nẵng đáp xuống Sân bay Đà Nẵng vào một ngày đầu năm của hơn thập niên về trước. Khác với hình dung về một thành phố sôi động và hào nhoáng như Sài Gòn nơi tôi sinh ra, đầu tàu phát triển của miền Trung - Tây Nguyên là khung cảnh khá vắng vẻ, với những dãy ghế thưa thớt bóng dáng hành khách, ga hành khách khá nhỏ so với những gì tôi tưởng tượng.

Cũng với ấn tượng đó, hơn mười năm trước, trong tôi nổi lên thắc mắc, tại sao trong lòng Đà Nẵng lại có một ngã ba mang tên một địa phương khác - Ngã ba Huế? Những tò mò ấy đã đưa tôi men theo tuyến đường Điện Biên Phủ giống như một… đường mòn giữa lòng đô thị đến với ngã ba là cửa ngõ về đường bộ duy nhất của Đà Nẵng lúc bấy giờ.

.

Ôi là xa, đi hoài mới tới. Tới nơi rồi, lại chỉ thấy một ngã ba… rối rắm, nơi giao cắt giữa đường sắt và Quốc lộ 1A. Là cửa ngõ duy nhất vào trung tâm thành phố, nên tàu lửa, xe ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ chen chúc nhau đến ngột ngạt!

Ngày đó, bên cạnh sân bay là cửa ngõ xa xỉ với hành khách, thì ngã ba Huế là nơi giao thương kinh tế, văn hóa, xã hội của Đà Nẵng với địa phương lân cận và cả nước. Tất cả đều qua… ngã ba này, cho đến một ngày, tuyến đường Điện Biên Phủ được nâng cấp mở rộng như đại lộ thênh thang nối với đường Lê Duẩn băng qua cầu sông Hàn chạm vào đường Phạm Văn Đồng rồi dừng chân tại công viên Biển Đông, nơi bãi biển Mỹ Khê là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh thì Đà Nẵng đã hoàn toàn lột xác.

Đường lớn mở, hai bên sông Hàn được quy hoạch bài bản, dấu vết những ngôi nhà lếch thếch xưa đã bị xóa nhòa hoàn toàn. Những chiếc đò chòng chành đưa khách sang sông từ quận 3 qua quận Hải Châu dần được thay thế bằng cầu quay Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý…

Đà Nẵng, khi tôi đến chỉ có mỗi toà nhà Danang Riverside Hotel (cao trên 10 tầng) dọc sông Hàn, sau năm 2009 bắt đầu có thêm tòa nhà ACB, năm 2010 mới có thêm khách sạn Green Plaza, rồi khu căn hộ Indochina Riverside Tower và sau đó là cao ốc Azuza và nay, hàng loạt cao ốc, khách sạn hào nhoáng đã lần lượt mọc lên. 

Vòng ra phía biển, thời điểm năm 2007 chỉ là con đường đất, với hàng phi lao và chỉ có khu nghỉ dưỡng Furama và Sandy Beach sau đó thì hàng loạt khu nghĩ dưỡng sang trọng đã mọc lên đến bất ngờ tại khu vựcbiến quận 3 (nay là quận Sơn Trà) và Ngũ Hành Sơn thành 2 quận phát triển năng động nhất của Đà Nẵng như Hyatt Regency của năm 2011, rồi khu Ocean Villas, Sun-Premier, Pullman, Pulchra, Crown Plaza, và sau cùng khu nghĩ dưỡng đẳng cấp Intercontinental Spa and Resort...

Nét quyến rũ của Đà Nẵng cũng từ đây được đánh thức mạnh mẽ để phục vụ phát triển du lịch. Số lượng du khách tăng vọt qua từng năm là động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng là áp lực đi lại với Đà Nẵng, tôi tận mắt thấy được lượng khách đến Đà nẵng tăng vọt. Nếu vào năm 2007, mỗi tuần chỉ có 3 chuyến bay quốc tế từ Hàn Quốc, 2 chuyến bay thuê từ Nhật… nhưng giờ đây, mỗi ngày có hàng chục chuyến bay quốc tế, nội địa đến Đà Nẵng.

Nhắc đến Đà Nẵng, hầu như mọi người luôn chung một cảm nhận: Đó là thành phố mà gần như lúc nào cũng cho người ta cái cảm giác nơi luôn có cái mới, luôn chuyển mình về phía trước, phía của tương lai, của sự tốt đẹp.

Đó là thành phố mà gần như lúc nào cũng cho người ta cái cảm giác nơi luôn có cái mới, luôn chuyển mình về phía trước.

Từ một cửa ngõ duy nhất Ngã ba Huế, Đà Nẵng đã mở cửa bầu trời, phát triển hàng không đến với thế giới; đầu tư cảng Tiên Sa, phát triển giao thông đối ngoại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nâng cấp, cải tạo ga đường sắt… đã đem đến nhiều cơ hội giao lưu, thu hút đầu tư và nâng tầm một Đà Nẵng hiện đại, đầy đủ, khang trang và hào nhoáng hơn.

Những điều đó đã khẳng định, Đà Nẵng là nơi đáng nhớ, là thành phố đáng sống với môi trường trong lành và đặc biệt an ninh trật tự rất tốt, là thành phố hình mẫu của những dự án tiên phong, như Bà Nà Hills - khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, với cáp treo cao và dài vào bậc nhất châu Á; cầu Rồng, phun nước và phun lửa vào mỗi cuối tuần.

Hay như Khu nghỉ dưỡng sang trọng vào bậc nhất trên thế giới InterContinental Danang Sun Peninsule Resort; hoặc là Vòng quay Mặt trời; “Cầu Tình yêu”. Đáng nói hơn, Đà Nẵng còn có những công trình đầy tính nhân văn như Bệnh viện Ung bướu - một bệnh viện hiện đại, đẹp đẽ và sạch sẽ bóng ngời, nơi chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân nghèo…

Tôi, dù không sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất “Đà Nẵng tình người”, nhưng thú thật, mỗi lần về Sài Gòn rồi quay lại Đà Nẵng lòng cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái khi được lang thang bên bờ sông Hàn, trên đường Bạch Đằng mơn man gió, đường dọc biển Mỹ Khê. Hơn một thập niên sinh sống cùng Đà Nẵng, tôi như thấy được thành phố này phát triển từng giờ và vì thế, nơi đây luôn có những cái mới từng ngày!

Tin liên quan
Tin khác