Một phương án thiết kế Cảng hàng không Quảng Trị. |
Hiện thực hóa mục tiêu trung tâm năng lượng miền Trung
Là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong nước ở lĩnh vực năng lượng, T&T Group đã chứng minh năng lực của mình qua hàng loạt dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió trải dài từ Bắc vào Nam, được xây dựng và đưa vào khai thác vận hành liên tiếp trong vài năm gần đây.
Tại miền Trung, T&T Group đã bắt tay với các đối tác hàng đầu tại Hàn Quốc (gồm Công ty cổ phần Năng lượng Hanwha - HEC, Tổng công ty khí Hàn Quốc - KOGAS, Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - KOSPO) để triển khai Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn I, với công suất phát điện 1.500 MW, tổng mức đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng. Ngày 15/1, Dự án chính thức khởi công xây dựng, từng bước hiện thực hóa giấc mơ đưa Quảng Trị trở thành “vương quốc năng lượng sạch” của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Cụ thể, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn I thuộc địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Với quy mô hơn 120 ha, Dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng - giai đoạn I tiếp nhận tàu chở LNG 170.000 - 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng - giai đoạn I có công suất phát điện 1.500 MW.
Với việc áp dụng công nghệ tua-bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao, sau khi vận hành, Dự án có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt đặt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết. Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, Dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.
Đánh giá về vai trò, tầm vóc của Dự án, ông Võ Văn Hưng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh là công nghiệp năng lượng. Việc thực hiện dự án sẽ từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030. Với sự góp mặt của tổ hợp nhà thầu Việt Nam - Hàn Quốc tại lễ khởi công tháng 1 vừa qua, đây sẽ là dự án của liên kết - hội tụ và phát triển.
Phối cảnh Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Quảng Trị. |
Cảng hàng không Quảng Trị - mảnh ghép hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông
Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, T&T Group cũng đang nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng tại địa phương, với dự án trọng điểm là Cảng hàng không Quảng Trị. Mới đây nhất, tháng 4/2022, UBND tỉnh Quảng Trị và T&T Group đã ký văn bản thỏa thuận về việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án.
Trước đó, tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2148/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, thuộc huyện Gio Linh, với quy mô khoảng 317 ha và tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn I, Dự án sẽ xây dựng các công trình cơ bản với định hướng đạt tiêu chuẩn là cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch, đạt công suất 1 triệu hành khách/năm, 3.100 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030; đạt công suất dự báo khai thác khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.
Giai đoạn II, Dự án sẽ đầu tư mở rộng sân đỗ tàu bay và xây dựng các công trình cung cấp dịch vụ hàng không tại khu phục vụ mặt đất ngoài sân bay phù hợp với quy hoạch. Việc triển khai xây dựng Dự án Cảng hàng không Quảng Trị sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh nhà, với đầy đủ các loại hình vận tải từ đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đến đường ống và đường hàng không.
Đặc biệt, theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị còn là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đồng thời, Dự án góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh trong công tác tuần soát các vùng biên giới, các đảo, quần đảo khu vực miền Trung và Vịnh Bắc bộ, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển Đông.
Những dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô, hiện đại
Xác định Quảng Trị là tỉnh giàu tiềm năng phát triển, bên cạnh việc triển khai các dự án năng lượng, hạ tầng, T&T Group cũng đã và đang triển khai các dự án bất động sản trọng điểm tại địa phương, đặc biệt là bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế xanh của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trước đó, tháng 10/2020, Dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải do T&T Group làm chủ đầu tư chính thức được khởi công xây dựng. Công trình nằm trong vùng đất chiến lược thuộc hành lang kinh tế Đông Tây của tiểu vùng sông Mekong, có tổng vốn đầu tư hơn 4.470 tỷ đồng, quy mô gần 22 ha. Dự án bao gồm đa dạng loại hình bất động sản như khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, khu thương mại dịch vụ đến các điểm nhấn là khu resort ven biển và khu du lịch văn hóa cộng đồng (làng chài)…
Ngoài dự án trọng điểm trên, T&T Group cũng tài trợ, hỗ trợ Quảng Trị lập các đồ án quy hoạch, để địa phương có cơ sở kêu gọi thu hút các nhà đầu tư như: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu vực di tích Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm 81 ngày đêm năm 1972, Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Quảng Trị, Quy hoạch chung xây dựng dải ven biển và Quy hoạch phân khu trung tâm logictics và đô thị sân bay Quảng Trị (quy mô 5.000 ha); Khu tổ hợp du lịch - dịch vụ - đô thị và sân golf Cam Lộ; Quy hoạch chung dải ven biển Quảng Trị…
Với những dấu ấn đậm nét của mình, T&T Group sẽ góp phần cùng với chính quyền và nhân dân địa phương từng bước hiện thực hóa giấc mơ đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.