Với ebook, độc giả dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại |
Dấu ấn nổi bật
Năm 2023, ngành xuất bản đối mặt với nhiều khó khăn khách quan, như giá nguyên liệu đầu vào cao, hạn chế của thị trường xuất khẩu tác động lớn đến các doanh nghiệp in; chi phí vận chuyển tăng quá cao so với trước dịch tác động đến việc sản xuất và lưu thông hàng hóa, trong đó có sách...
Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, năm 2023, toàn ngành xuất bản ước đạt doanh thu 99.700 tỷ đồng (giảm 2% so với năm 2022), tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.378 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2022); in ấn 33.000 xuất bản phẩm với 450 triệu bản (giảm 11% về xuất bản phẩm và giảm 23% về số lượng bản so với năm 2022).
Trong sự đi ngang của xuất bản năm 2023, đã xuất hiện nhiều điểm nổi bật như quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022). Đặc biệt, số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu sách, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%). Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, cùng xu thế chuyển đổi số, các nhà xuất bản ngày càng tham gia xuất bản điện tử nhiều hơn. Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch).
Vấn nạn sách lậu
Dù có sự tăng trưởng vượt trội, nhưng ebook, sách nói đang phải đối mặt với vấn đề nan giải là sách lậu. Trên các nền tảng số, audio book, ebook đang bị sao chép tràn lan, phát tán qua các trang web, ứng dụng di động, các nền tảng trực tuyến. Nhiều nội dung sách loại này được mua bán, trao đổi, chia sẻ mà không có sự cho phép của tác giả hoặc nhà xuất bản.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức in truyền thống, điện tử, trên không gian mạng... Điều này tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm, đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc của cộng đồng.
“Việc bạn đọc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả tiếp tay cho các đối tượng chuyên làm lậu, làm giả xuất bản phẩm có thị trường tiêu thụ. Điều này tác động trực tiếp đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động xấu đến công tác quản lý, công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo thói quen tiêu dùng xấu đến thị trường xuất bản, định hướng phát triển văn hoá đọc”, ông Bảo cho biết.
Tình trạng vi phạm bản quyền, nhân bản audio book, ebook lậu ngày càng khiến các nhà xuất bản lo lắng. Omega Plus và Alpha Books cho biết, trong số hơn 1.000 đầu sách ebook của Alpha Books và Omega Plus, có đến vài trăm đầu sách bị xâm phạm bản quyền dưới hình thức sách điện tử đăng tải tràn lan trên các trang mạng cá nhân chia sẻ miễn phí hoặc kinh doanh kiếm lời. Nhiều đơn vị còn phát triển thành dạng sách nói và phát tán trên rất nhiều kênh như YouTube, kênh riêng, các diễn đàn. Thậm chí, cả các công ty có tư cách pháp nhân cũng ngang nhiên lấy ebook của Alpha Books và Omega Plus để kinh doanh khi chưa có sự đồng ý hay ký kết hợp đồng phân phối với Alpha Books và Omega Plus.
Một số nhà xuất bản như Nhã Nam trước đây hào hứng với ebook, nay tạm dừng phát triển ebook. “Gần như cuốn ebook nào mới ra cũng bị ăn cắp nội dung. Các thao tác để lấy cắp rất đơn giản, sau đó các đối tượng đi phát tán nội dung ở nhiều nơi, chia sẻ dưới nhiều hình thức, miễn phí hoặc với số phí rẻ hơn rất nhiều so với ebook chính hãng”, đại diện Nhã Nam cho biết.
“Các hành vi xâm phạm bản quyền với các sản phẩm sách nói phổ biến nhất vẫn là các kênh YouTube chuyên đăng tải sách nói vi phạm bản quyền. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tìm kiếm sách nói cao hơn sách điện tử. Dường như có thể tìm thấy phiên bản sách nói lậu của bất kỳ tựa sách bán chạy nào trên YouTube”, ông Nguyễn Luận, Giám đốc Bản quyền Công ty Công nghệ WeWe cho biết.
Audio book, ebook lậu không chỉ khiến các đơn vị xuất bản “mỏi gối, chùn chân”, nản lòng, mà còn gây thiệt hại cho tác giả và các đơn vị xuất bản về kinh tế, uy tín, bởi các ebook lậu có nội dung chắp vá, sai lệch, thiếu sót.
Để hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng này, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ, công nghệ để bảo vệ bản quyền nội dung số của mình cũng như các nhà cung cấp nội dung số có bản quyền chính thức. Chúng tôi hoàn toàn có thể chặn được các nội dung vi phạm bản quyền, song việc chặn cũng phải phù hợp với hành lang pháp lý, phải có sự tham gia đấu tranh của nhiều cơ quan, bộ, ngành khác nữa thì mới làm được”.
Đại diện Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông đề xuất, đối với sách điện tử, cần kiểm soát chặt chẽ từ việc ký quyết định xuất bản, hình thức xuất bản sách điện tử, hình thức/địa chỉ website phát hành sách điện tử, quyết định phát hành. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản với các nhà xuất bản, cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng khác để có giải pháp phát hiện, ngăn chặn việc phát tán sách điện tử lậu trên các nền tảng, website không được quy định trong quyết định xuất bản.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, tiến tới sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đối với các nhà xuất bản để bảo vệ quyền lợi. Đồng thời, tập trung vào nhóm các giải pháp về quản lý như hoàn thiện thể chế.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sớm xây dựng Trung tâm Bảo vệ bản quyền sách của Hội Xuất bản Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy, thay mặt tác giả, nhà xuất bản, đơn vị làm sách đấu tranh pháp lý với các đối tượng vi phạm, nhất là với các nền tảng xuyên biên giới.