Thời sự
Đấu giá quyền sử dụng đất phải đặt trước tối thiểu mười phần trăm giá khởi điểm
Nguyễn Lê - 09/08/2023 18:33
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.  Ảnh:Quọchoi.vn

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là mười phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm.

Đó là một trong những nội dung mới được bổ sung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ ngày 9/8.

Theo tờ trình dự án luật, từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn khó khăn. Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “ quân xanh, quân đổi”, thông đồng, dìm giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp, cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc…

Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra thống nhất quan điểm xây dựng dự án Luật theo hướng hoàn thiện quy định về trình tự thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của một số loại tài sản cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp với Luật Đấu giá tài sản.

Lần sửa đổi này cũng nhằm tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu gía tài sản hiện nay.

Tại phiên thẩm tra, nhiều ý kiến thống nhất với việc bổ sung về đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản như nghiêm cấm đấu gía viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, bổ sung quy định về trách nhiệm tham giá bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên, góp phấn nâng cao đội ngũ đấu giá viên.

Liên quan đến quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung các điều khoản quy định cụ thể về thời gian nộp tiền đấu giá quyền sử dụng đất và quy định thời gian tối đa, người đấu giá phải nộp tiền và nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì huỷ kết quả đầu giá,

Về thời gian nộp tiền của người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quy định hiện hành là trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong vòng 120 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian này quá dài, vì vậy nên quy định cứng thời gian nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong Luật Đấu Giá tài sản, bởi thực tế có hiện tượng khi trúng đấu giá rồi, thời gian nộp tiền rất dài nên việc đấu giá không đạt kết quả như mong đợi.

Cũng liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, Dự thảo quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là mười phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm.

Đáng chú ý, Dự thảo bổ sung Điều 59a mới quy định mang tính nguyên tắc về điều hành cuộc đấu giá trong trường hợp đấu giá tần số vô tuyến điện và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) lý giải, quy định như trên xuất phát trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, việc quy hoạch một băng tần thường được thực hiện theo hai cách: phân chia băng tần thành các khối băng tần lớn, mỗi doanh nghiệp chỉ được 1 khối; và phân chia băng tần thành nhiều khối cơ sở, mỗi doanh nghiệp có thể được nhiều khối nhưng không được vượt quá một số lượng khối nhất định trong hạn mức. Để sử dụng hiệu quả thì các khối băng tần được cấp phép của cùng một doanh nghiệp phải liền kề nhau. Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị hạn chế số lượng khối băng tần được mua trong cuộc đấu giá.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023.

Tin liên quan
Tin khác