Y tế - Sức khỏe
Dấu hiệu nặng của người mắc sốt xuất huyết
D.Ngân - 18/10/2023 06:40
Thống kê của ngành Y tế cho thấy hiện cả nước ghi nhận khoảng 100.000 ca mắc, 27 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Số ca mắc tăng cao, dịch vẫn đang đỉnh

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 27 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 58,6%, tử vong giảm 94 trường hợp. 

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, tại Hà Nội, số ca mắc vẫn không giảm. Tính từ cuối tháng 9/2023 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, dao động trong khoảng từ 2.500 - 2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).

Chỉ trong tuần từ 6 - 13/10, thành phố ghi nhận 2.601 trường hợp mắc sốt xuất huyết, với 136 ổ dịch tại 30 quận, huyện, thị xã. Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 20.548 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, số ca sốt xuất huyết giảm chung trên cả nước nhưng tại Hà Nội lại tăng hơn nhiều so cùng kỳ năm ngoái là do thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp. Đây là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao.

Thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh.

Chu kỳ sinh sản của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Trong khi, mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.

Trong khi đó, theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, do sự chi phối của El Nino, nền nhiệt trong mùa đông năm nay cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C như vậy, mùa đông ở miền Bắc sẽ không còn lạnh như trước đây.

Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nguy cơ cao đối mặt với dịch sốt xuất huyết bùng phát. Ngoài sự biến đổi của thời tiết, dịch Covid-19 thời gian qua cũng làm giảm hệ miễn dịch của người dân. Mặt khác, người dân hiện cũng chưa hiểu biết hết về việc phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách diệt bọ gậy, xử lý triệt để những nơi sinh sản của muỗi gây bệnh.

Không chủ quan khi đã hạ sốt

Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, vừa qua, bệnh viện ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc là một sinh viên có biểu hiện sốt cao 3-4 ngày, điều trị tại nhà và có bạn chăm sóc.

Sau khi bệnh nhân hạ sốt, người chăm sóc đi học thì bệnh nhân ở nhà xuất hiện sốc. Lúc phát hiện đưa đi viện thì đã quá muộn.

Có trường hợp tương tự người lớn tuổi, lúc sốt cao pha 1 thì con cái ở nhà chăm sóc, sang pha 2 đỡ sốt con cái đi làm, để cụ ông ở nhà một mình, đến cuối buổi quay về thì cụ ông đã tiến triển nặng.

Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo chưa sốc thì phục hồi nhanh. “Nếu không phát hiện được để diễn biến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không được cao", bác sĩ Cấp cho hay.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin thêm, sốt xuất huyết chia thành các giai đoạn (các pha) khác nhau: Pha 1 là khi bệnh nhân sốt cao, đau đầu, khó chịu kéo dài khoảng 3 ngày. Pha này khiến bệnh nhân rất khó chịu do sốt cao, đau đầu, nôn, nhưng ít gây biến chứng nặng, chỉ hạ sốt, uống oresol.

Pha 2, từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7. Bệnh nhân có 2 tình trạng, ở nhóm bệnh nhân diễn biến tốt (94% số người) sẽ dần khỏi. 6% bệnh nhân còn lại, nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc, vì thoát dịch khỏi thành mạch.

Ở pha đầu, trong 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng, nhưng nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, có thể âm tính.

Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có sốt xuất huyết trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm có thể âm tính, vẫn phải nghĩ là sốt xuất huyết. Xét nghiệm ngày sau lại có thể dương tính.

Khi tiếp nhận một kết quả xét nghiệm, phải hiểu rõ được tiến hành pha nào của bệnh để biết được giá trị của xét nghiệm.

Do đó, bác sĩ Cấp khuyến cáo, một bệnh nhân sống trong vùng lưu hành sốt xuất huyết, khi xuất hiện sốt, hay dấu hiệu chảy máu bất thường, cần đi khám xem có phải sốt xuất huyết không.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh có nguy cơ diễn biến nặng: Bệnh nhân mệt (đặc biệt trẻ em, trẻ mấy ngày trước khóc nhiều, nay lả đi, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp);

Một số bệnh nhân đau tức vùng gan; một số bệnh nhân đau khắp bụng, một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều); chảy máu chân răng, xuất huyết…; xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng…

Khi có một trong các dấu hiệu này, phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Xử lý kịp thời, thường sau 2-3 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng.

"Khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo phải đến cơ sở y tế ngay. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng" lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh.

Một số nhóm đối tượng khi mắc sốt xuất huyết dễ diến biến nặng:

Người dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.

Người có bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.

Nhóm béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỷ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.

Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.

Người có nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác; người da trắng thường nặng hơn người da vàng... nhưng chỉ là những yếu tố phụ.
Tin liên quan
Tin khác