Đầu Xuân Bính Thân, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT về sự kiện này.
- Năm 2015, FPT gây bất ngờ khi tuyên bố xây dựng trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh cùng Fujitsu, tiến tới chuyển giao công nghệ này vào Việt Nam. Đâu là lý do khiến FPT quyết định “dấn thân” vào mảng này?
Ông Trương Gia Bình: Được đánh giá là một trong các quốc gia có tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn mạnh nhất Châu Á nhưng hiện tại Việt Nam phần lớn vẫn duy trì các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả chưa cao.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích hiện đại hóa nông nghiệp, đầu tư giải pháp công nghệ hướng tới sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, FPT đã quyết định hợp tác với Fujitsu - Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Nhật Bản để triển khai thử nghiệm nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ Akisai (công nghệ điện toán đám mây trong ngành thực phẩm và nông nghiệp), tiến tới chuyển giao công nghệ này tại Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới.
- Phương thức đầu tư vào nông nghiệp được FPT tiến hành như thế nào?
Ông Trương Gia Bình: Tháng 12/2015, Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Hà Nội, giới thiệu kỹ thuật nông nghiệp tối tân ứng dụng công nghệ Akisai.
Fujitsu sẽ cung cấp giải pháp công nghệ, các thiết bị đi kèm và chuyên gia tư vấn. Về phía mình, FPT sẽ tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ của Fujitsu vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Trước mắt, chúng tôi trồng thí điểm 2 loại cây trồng là cà chua cỡ vừa và xà lách ít kali. Dựa trên kết quả bước đầu, FPT và Fujitsu sẽ nghiên cứu và quyết định việc thành lập Liên doanh trong thời gian tới.
- FPT “đổ” bao nhiêu tiền vào dự án này? Khi thành công, lộ trình nhân rộng dự án được triển khai như thế nào?
Ông Trương Gia Bình: Đặt lên hàng đầu mối quan tâm đến chất lượng nông sản, sức khỏe của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường cũng như sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam, FPT mong muốn mang lại giải pháp hỗ trợ người nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất trồng trọt, giảm chi phí canh tác.
Việc xây dựng và vận hành Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Việt Nam không chỉ đơn thuần nhằm mục đích giới thiệu công nghệ Akisai mà còn cho phép khảo sát môi trường nông nghiệp thực tế thông qua những hoạt động kiểm soát môi trường trồng trọt, đào tạo nguồn nhân lực, mua nguyên vật liệu nông nghiệp…
Sự thành công của dự án sẽ là tiền đề cho việc nhân rộng phạm vi chuyển giao công nghệ canh tác tiên tiến này đến các doanh nghiệp Việt Nam.
- Dù mục tiêu của FPT là chuyển giao công nghệ nhưng thực tế ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và gặt được nhiều thành quả như TH Truemilk, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup… Trong kế hoạch của mình, FPT có định “dấn thân” vào nông nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là chuyển giao công nghệ không?
Ông Trương Gia Bình: Hiện tại, FPT mong muốn đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao và người nông dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến tới một nền nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, các chuyên gia công nghệ và nông nghiệp của FPT, Fujitsu đang phối hợp triển khai thử nghiệm công nghệ nông nghiệp thông minh. Đây mới là giai đoạn đầu của hợp tác lâu dài trong nông nghiệp thông minh giữa FPT và Fujutsu.
Trong quá trình thử nghiệm, cùng với việc nghiên cứu tính khả thi của việc ứng dụng Akisai vào Việt Nam, chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi từ các tổ chức, cơ quan hữu quan để đưa ra được những mô hình phát triển và kinh doanh nông nghiệp thông minh phù hợp với Việt Nam.
Tôi tin tưởng, nông nghiệp Việt Nam có lợi thế to lớn và sẽ có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế trong tương lai không xa. Về phần mình, FPT quyết tâm đưa công nghệ cao vào nông nghiệp.
- Tại sao FPT lại chọn Fujitsu mà không phải là một đơn vị khác, thưa ông?
Ông Trương Gia Bình: Fujitsu là công ty công nghệ thông tin hàng đầu tại Nhật Bản cung cấp đầy đủ các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ. Fujitsu hiện đang có mặt tại 100 quốc gia với 162.000 người. Tại Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, tập đoàn Fujitsu đã rất thành công trong việc triển khai dịch vụ Akisai Cloud, giúp người nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất trồng trọt đồng thời giảm chi phí canh tác…
Akisai là một dịch vụ trong gói Giải pháp Xã hội thông minh của Fujitsu (Fujitsu Intelligent Society Sollution). Akisai được Fujitsu chính thức đưa ra thị trường vào năm 2012 nhằm thúc đẩy đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp. Akisai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông, tối ưu hóa quá trình canh tác theo từng loại giống cây trồng, địa điểm canh tác... giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo hiệu quả cao và ổn định của nông nghiệp công nghệ cao.
- Xin cảm ơn ông!
Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu được đặt tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội với quy mô 403m2 bao gồm khu vực nhà kính, khu vực nhà máy rau, khu vực trưng bày…
Tại khu vực nhà kính (trồng cà chua cỡ vừa), thông qua "SaaS ứng dụng trong nhà kính," hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, CO2, lượng ánh sáng, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió…) theo thời gian thực, từ đó tự động điều khiển mành che, cửa sổ, quạt…
Khu vực nhà máy rau, hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường như nhiệt độ (bao gồm cả nhiệt độ trong nhà kính), độ ẩm, CO2, nhiệt độ của dung dịch dinh dưỡng, tốc độ truyền điện… từ đó có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển của cây xà lách ít kali.
Akisai là một dịch vụ trong gói Giải pháp Xã hội thông minh của Fujitsu (Fujitsu Intelligent Society Sollution) được đưa ra thị trường vào năm 2012. Akisai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông, tối ưu hóa quá trình canh tác theo từng loại giống cây trồng, địa điểm canh tác... giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo hiệu quả cao và ổn định của nông nghiệp công nghệ cao.