Đầu tư
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư BOT giao thông: Hỏng nhiều hơn đậu
Anh Minh - 19/03/2018 11:26
“Hỏng nhiều hơn đậu” là kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại các dự án BOT giao thông trong năm 2017.

Vỡ và hủy thầu

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa chính thức hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án xây dựng hai nút giao khác mức giữa tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm với tỉnh lộ 10B và đường Trần Đại Nghĩa trên địa bàn TP.HCM theo hình thức BOT (Dự án BOT 2 nút giao), do không thành công trong quá trình thương thảo, đàm phán hợp đồng.

Đây là điều khá bất ngờ, bởi vào tháng 9/2016, Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho dự án này với nhà đầu tư trúng thầu là Công ty TNHH Yên Khánh.

Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc nối 2 bờ sông Hậu chỉ có duy nhất 1 ứng thầu.

Được biết, Dự án BOT 2 nút giao có tổng mức đầu tư 888,9 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ ngân sách nhà nước từ nguồn tiền bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 470 tỷ đồng; phần còn lại là vốn huy động của nhà đầu tư.

Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, việc hủy kết quả đấu thầu này dù nhận được sự đồng thuận của các bên, nhưng sẽ khiến phương án đầu tư BOT cho Dự án 2 nút giao bị “vỡ” và phải chuyển đổi đầu tư theo các hình thức khác với nguồn vốn, thời điểm đầu tư khá bất định, dù nhu cầu giao thông qua khu vực này rất lớn.

Không chỉ riêng Dự án 2 nút giao bị “hỏng thầu”, 2 dự án BOT hạ tầng khác, thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, do Bộ GTVT thực hiện trong năm 2017 đều chưa mang lại kết quả cụ thể.

Tại Dự án BOT thành phần 1 B, thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch, Vành đai 3, TP.HCM có tổng mức đầu tư 3.927 tỷ đồng, thậm chí còn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển, dù thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Tại Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang, có tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 168 - Công ty cổ phần Phát triển bất động Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng 620 được chỉ định là nhà đầu tư, đơn giản vì đây là ứng thầu duy nhất đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển.

Trong bối cảnh hàng loạt công trình BOT không thể huy động được vốn vay thương mại, nên khả năng ký hợp đồng chính thức tại Dự án BOT xây dựng công trình cầu Châu Đốc vẫn đang là một ẩn số cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lo ngại rủi ro

Trong báo cáo về tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2017 vừa gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã dẫn một loạt vướng mắc trong quy định hiện hành, khiến việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa mang lại kết quả.

Cụ thể, mặc dù Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ra đời gần 3 năm, nhưng phía cơ quan nhà nước và tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; công tác giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình, đặc biệt quản lý phần vốn góp của Nhà nước; công tác giám sát và quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư, vận hành; các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư.

Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách bảo lãnh, hay nói cách khác là chia sẻ rủi ro của Chính phủ đối với các rủi ro Nhà nước quản lý như doanh thu, tỷ giá hối đoái, chuyển đổi ngoại tệ... còn chưa đầy đủ, trong khi chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, nên không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc các nhà đầu tư đều đòi hỏi lợi nhuận ở một mức cao do phải tính cả chi phí rủi ro dự án.

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, đối với các nước có điều kiện tương tự Việt Nam, giai đoạn đầu áp dụng mô hình PPP đều được Chính phủ cung cấp bảo lãnh. Ví dụ, đối với Hàn Quốc, giai đoạn năm 1999-5/2003, chính phủ nước này cung cấp bảo lãnh doanh thu cả vòng đời dự án (90% đối với dự án quan trọng cấp bách, 80% đối với dự án còn lại); giai đoạn 5/2003 - 1/2006 bảo lãnh trong vòng 15 năm (5 năm đầu bảo lãnh 90%, 5 năm tiếp theo 80%, 5 năm cuối 70% cho tất cả các dự án). Ngoài ra, các nước như Mexico, Ấn Độ, Philippines… cũng đều có các hình thức bảo lãnh tương tự.

“Một trong những vấn đề cốt lõi nữa là do dừng lại ở mức Nghị định nên tính ổn định của chính sách không cao và đây là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào các dự án BOT giao thông”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Tin liên quan
Tin khác