Bí vốn
Cho đến thời điểm này, việc tìm nguồn vốn ngân sách để tiếp tục đầu tư cho Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn TP. Bắc Giang - Chũ (tỉnh Bắc Giang) - công trình được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng triển khai theo hình thức BOT thực sự bế tắc.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ vào đầu tháng 2/2018, Bộ Tài chính đồng thuận với việc dừng triển khai Dự án theo hình thức BOT, nhưng lại đồng thời khẳng định, việc bố trí nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 để sớm thực hiện việc cải tạo, nâng cấp 36 km đường thuộc Dự án vào thời điểm này là “không thể thực hiện được”.
Quốc lộ 31, đoạn TP. Bắc Giang - Chũ có mặt đường nhỏ hẹp, đã xuống cấp, giao thông đi lại hết sức khó khăn. |
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT được giao vốn trong nước chỉ có 36.890 tỷ đồng, trong đó, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết 33.201 tỷ đồng, tương đương 90% tổng số vốn kế hoạch được giao.
Vào cuối tháng 10/2017, Bộ GTVT đã đề xuất danh mục sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn (10% còn lại) cho các dự án cấp bách dở dang nhưng còn thiếu vốn. Điều đáng nói là, trong danh mục dự phòng này, Bộ GTVT đã chia hết, không còn bất kỳ khoản nào cho các dự án BOT dự kiến chuyển đổi hình thức đầu tư như trường hợp của dự án trên. Cùng với đó, vốn để thanh toán cho các khoản kinh phí chuẩn bị đầu tư mà nhà đầu tư đã bỏ ra, vì lẽ đó cũng căng thẳng không kém.
Hiện nay, nguồn ngân sách duy nhất có thể trông cậy là khoản dự phòng chung của cả nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải khẳng định, nguồn dự phòng chung (10% kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành, địa phương) vẫn chưa có chủ trương sử dụng.
Sự căng thẳng về vốn mà Bộ GTVT muốn kéo về cho Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 TP. Bắc Giang - Chũ cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận. Tại Văn bản 744/BKGĐT - KCHTĐT. Theo đó, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 giao cho Bộ GTVT, thậm chí, còn thiếu để cho các dự án chuyển tiếp.
Được biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 TP. Bắc Giang - Chũ có tổng mức đầu tư 1.319,36 tỷ đồng được Bộ GTVT giao cho Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng - Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế Đông Á là nhà đầu tư vào đầu năm 2016.
Sau 2 năm tiến hành chuẩn bị đầu tư, vào đầu năm 2018, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cho phép dừng triển khai Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT. Lý do của đề xuất dừng Dự án là bởi, đây là tuyến đường độc đạo, nếu triển khai theo hình thức BOT, hoàn vốn đầu tư thông qua thu phí (vé) sử dụng đường bộ sẽ không có lựa chọn khác cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách trung hạn trong giai đoạn 2016 - 2020 để sớm triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp Quốc lộ 31 theo quy hoạch; đồng thời, bố trí vốn thanh toán cho các khoản chi phí đã thực hiện, bao gồm cả các khoản chi phí hợp lý mà nhà đầu tư đã thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật.
Gánh nặng bảo trì
Mặc dù sự dở dang tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 là không hề nhỏ, nhưng do Dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nên gánh nặng tìm nguồn thanh toán “nhẹ” hơn so với Dự án BOT Quốc lộ 30 đoạn Tiền Giang - Trà Vinh.
Tại Dự án BOT Đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 30, khi Bộ GTVT thông báo dừng thực hiện hợp đồng BOT (cùng với lý do là tuyến đường độc đạo, không còn thích hợp với xã hội hóa đầu tư, nhà đầu tư), thì liên danh Công ty cổ phần đầu tư Phương Nam - Công ty TNHH Xây dựng hạ tầng Phú Mỹ đã triển khai thi công, với khối lượng lên tới 20 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, lãi suất huy động vốn chủ sở hữu… tổng số tiền cần phải thanh toán cho nhà đầu tư là hơn 50 tỷ đồng.
Được biết, Dự án Đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 30 có tổng mức đầu tư 1.130 tỷ đồng, với điểm đầu tại km 1+200 (kết nối với Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) thuộc địa phận huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang); điểm cuối tại km 34+230, thuộc địa phận TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), với chiều dài tuyến là 32,8 km.
Ngoài 2 dự án trên, áp lực tương tự được dự kiến cũng sẽ đổ về Bộ GTVT nếu như bộ này chính thức gửi thông báo cho nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH MTV Văn Tiến Nghĩa - Công ty Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông về việc phải dừng thực hiện hợp đồng BOT Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 (đoạn Long Hồ - Ba Si).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) thừa nhận, việc cân đối trong kế hoạch chi phát triển và sự nghiệp hàng năm của Bộ GTVT để thanh toán cho các nhà đầu tư đã nằm ngoài khả năng của bộ này, bất chấp rủi ro có thể xảy ra từ việc tranh chấp hợp đồng.
Bên cạnh đó, một lo ngại lớn nữa tại các dự án BOT vừa bị Bộ GTVT dừng hợp đồng chính là công tác duy tu, đảm bảo an toàn giao thông cho các tuyến đường đang bị xuống cấp, nhưng có nhu cầu giao thông rất cao này. Hiện tại, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận lại các dự án BOT vừa bị dừng hợp đồng để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng, thường xuyên. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ hiện đã như “tấm chăn hẹp” lại phải gánh thêm các dự án nói trên, sẽ chất thêm khó khăn cho cơ quan quản lý đường bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Quốc lộ 31, đoạn TP. Bắc Giang - Chũ là trục giao thông quan trọng của tỉnh Bắc Giang. Tuyến đường có mặt đường nhỏ hẹp, đã xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa thu hoạch vải thiều.
“Nếu không được đầu tư nâng cấp hoặc duy tu bảo dưỡng tốt sẽ là điểm nóng gây mất an toàn giao thông”, ông Linh cho biết.