Ảnh minh hoạ. |
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1636/QĐ – BGTVT phê duyệt Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn.
Dự án có điểm đầu tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới - Chợ Chu), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với Quốc lộ 2C), huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, tổng chiều dài tuyến khoảng 28,98 km.
Cụ thể, từ Chợ Chu, tuyến cơ bản bám theo đường cũ đến khoảng Km247, tuyến đi mới về phía trái đường cũ, tránh khu dân cư tập trung xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tuyến tiếp tục bám theo đường cũ đến khoảng Km251+800, tuyến đi mới về phía trái đường cũ, tránh khu dân cư hiện trạng.
Sau đó tuyến đi mới bám theo địa hình đến đỉnh đèo Muồng (ranh giới giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang), tuyến tiếp tục đi bám theo địa hình, tránh các vị trí rừng tự nhiên đến nhập vào đường dẫn đầu cầu Bến Nước, tận dụng cầu Bến Nước và đường dẫn hai đầu cầu.
Từ đây tuyến cơ bản bám theo đường mòn cũ, có điều chỉnh cục bộ để giảm đào sâu, đắp cao, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng, tận dụng cầu Suối Cóc và đường dẫn hai đầu cầu. Đến khoảng Km269+900 tuyến rẽ phải men theo sườn đồi, tránh khu vực dân cư Đồng Trang (khu vực chợ Hùng Lợi),… để giảm khối lượng GPMB, sau đó nhập trở lại đường cũ.
Sau đó tuyến cơ bản bám theo đường cũ đến trường trung học phổ thông Trung Sơn, tuyến đi mới phía sau cây xăng Trung Sơn, đi trùng Quốc lộ 2C đến điểm cuối tuyến.
Dự án có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60km/h, bề rộng nền đường 9 m; riêng đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Trung Sơn có chiều rộng nền đường 14 m; bề rộng cầu phù hợp với bề rộng nền đường.
Tổng mức đầu tư Dự án là 1.665 tỷ đồng, trong đó 2 khoản chi lớn nhất là bồi thường hỗ trợ và tái định cư là 419,608 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.014,6 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách; tiến độ thực hiện là từ năm 2023 đến năm 2025.
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định; thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật.
Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Hiện Chính phủ đã có Tờ trình số 629/TTr-CP ngày 5/11/2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Vì vậy, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương phối hợp với các cơ quan tham mưu của các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh thủ tục để cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho dự án theo quy định.
Được biết, Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trong vùng trung du, miền núi phía Bắc và trên các hành lang vận tải từ Thái Nguyên và Tuyên Quang đến các các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.