Phối cảnh Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn. |
Lo thiếu vốn
Bộ Tài chính là bộ đầu tiên gửi công văn (Công văn số 9025/BTC-ĐT) tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Trước đó, cuối tháng 7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi các bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị tham gia ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.
Trong Công văn số 9025/BTC-ĐT, có hai nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đưa ra. Đầu tiên, Bộ Tài chính cho rằng, tại Quyết định số 1676/QĐ-BGTVT ngày 14/9/2021 của Bộ GTVT, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn được phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô đường cao tốc 2 làn xe, chiều dài khoảng 28 km, tổng mức đầu tư dự kiến 2.017 tỷ đồng. Dự án cũng được giao kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 là 1.815,3 tỷ đồng.
Tại Tờ trình số 7418/TTr-BGTVT ngày 13/7/2023, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư theo quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư 5.751 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản dừng chủ trương đầu tư đối với Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-BGTVT ngày 14/9/2021.
“Vì vậy, việc tăng quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe là điều chỉnh dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư và cần được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản có liên quan”, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Nội dung đáng chú ý thứ hai liên quan đến việc Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó nhu cầu sử dụng vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 là 4.908 tỷ đồng (khoảng 86% tổng mức đầu tư); chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 843 tỷ đồng (khoảng 14% tổng mức đầu tư).
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kèm theo Tờ trình số 7418/TTr-BGTVT, Bộ GTVT cho biết, tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 21/2/2022, Dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 1.815,3 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu, theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã đề xuất danh mục dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, trong đó dự kiến bổ sung 3.734 tỷ đồng để đảm bảo đủ tổng mức đầu tư là 5.751 tỷ đồng đầu tư Dự án với quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, trong phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, Dự án mới được dự kiến bố trí số vốn 2.989 tỷ đồng, đến nay chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Điều đáng nói là, trong trường hợp được cấp có thẩm quyền quyết định, số vốn còn thiếu so với nhu cầu chưa cân đối được nguồn vốn của Dự án là 103,7 tỷ đồng (4.908 tỷ đồng - 1.815,3 tỷ đồng - 2.989 tỷ đồng).
“Đề nghị Bộ GTVT căn cứ vào khả năng cân đối vốn cho Dự án trong phạm vi kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao, rà soát tiến độ thực hiện và nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 của Dự án để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong giai đoạn 2021 - 2025”, đại diện Bộ Tài chính lưu ý.
Không thực hiện đầu tư theo phương thức PPP
Tại Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng. Đây là lý do chính khiến Bộ GTVT tiến hành tổ chức lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn theo quy mô 4 làn xe, không thực hiện phân kỳ.
Bên cạnh đó, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn vốn, hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phương án đầu tư theo quy mô quy hoạch 4 làn xe, nền đường rộng 22 m, mặt đường rộng 20,5 m, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80 km/h (một số đoạn có điều kiện địa hình thuận lợi nghiên cứu thiết kế yếu tố hình học theo cấp tốc độ thiết kế 100 km/h).
Đối với tuyến vuốt nối với đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể, sẽ thiết kế theo quy mô đường cấp III, nền đường 12 m, mặt đường 11 m, đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2035.
Tuyến đường sau khi đầu tư có chiều dài khoảng 28,8 km, kết nối với tuyến Hà Nội - Thái Nguyên (đã đầu tư theo quy mô cao tốc bằng nguồn vốn ODA, không thu phí) bằng tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (quy mô 2 làn xe và đầu tư theo hình thức BOT và đang trong giai đoạn thu phí hoàn vốn).
Với quy mô đầu tư như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 5.750 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng 4.146 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án 414 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 490 tỷ đồng; chi phí dự phòng 700 tỷ đồng.
Ông Cao Việt Hùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT), đơn vị được giao lập dự án đầu tư cho biết, tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và lưu lượng hiện chưa lớn, nên phương án tài chính không khả thi, nếu thực hiện đầu tư theo hình thức PPP sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư.
Thực tế hiện nay, đối với đoạn tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý.
Do vai trò quan trọng của Dự án, tính khả thi trong việc đầu tư dự án theo hình thức PPP, Bộ GTVT đề xuất hình thức đầu tư Đự án là đầu tư công và Dự án đã được bố trí 1.815,3 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Tại Tờ trình số 7418/TTr-BGTVT, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đối với phần kinh phí còn thiếu, dự kiến sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, trong đó dự kiến bổ sung 3.734 tỷ đồng để đảm bảo đủ tổng mức đầu tư 5.751 tỷ đồng đầu tư dự án với quy mô 4 làn xe đã được Bộ GTVT tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận vào giữa tháng 3/2023.
Bộ GTVT và UBND tỉnh Bắc Kạn sẽ triển khai ngay các thủ tục theo quy định, để sớm khởi công Dự án. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ chuẩn bị dự án trong năm 2023 - 2024; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2023 - 2024; thi công xây dựng công trình từ năm 2024 và hoàn thành năm 2026.
Theo ông Đinh Quang Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, địa phương xác định đây là dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng đối với địa phương và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang. “Dự án được đầu tư xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh; thực hiện thành công Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Tuyên nhấn mạnh.