Chuyển động thị trường
Đầu tư bất động sản có còn là "miếng bánh ngon"?
Linh Việt - 12/11/2020 17:29
Dù vẫn còn nhiều tiềm năng và có các yếu tố hỗ trợ, nhưng đầu tư bất động sản cuối năm được dự báo có diễn biến trầm hơn so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng.

Lãi suất vay mua bất động sản giảm

Sau quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng về 4%/năm của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi tiếp tục xu hướng đi xuống ở nhiều ngân hàng thương mại.

Trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Vietcombank, BIDV, VietinBank đều có sự điều chỉnh giảm ở lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 0,3 điểm phần trăm. Hiện lãi suất huy động từ 3 - 36 tháng phổ biến trong khoảng 3,3 - 5,8%/năm.

Không chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước, nhiều ngân hàng cổ phần cũng nhập cuộc xu hướng hạ lãi suất đầu vào, một số ngân hàng điều chỉnh giảm 2 lần kể từ đầu tháng 10 đến nay. VPBank đã giảm lãi suất từ 0,05 - 0,4 điểm phần trăm so với đầu tháng 10. Nam Á Bank hạ thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất cho kỳ hạn 18 - 33 tháng.

Nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới phân khúc đất nền, nhưng lựa chọn kỹ từng dự án

Trước đó, một số công ty chứng khoán nhận định, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng có dư địa để giảm thêm, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Lãi suất huy động giảm, kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo, trong đó có lãi suất cho vay mua nhà trả góp. Lãi suất vay mua nhà thấp nhất thuộc về nhóm các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, Woori Bank, Shinhan Bank, ở mức 6,49 - 8,8%/năm, áp dụng cố định cho khoản vay từ 1 - 3 năm.

Tại các ngân hàng trong nước, lãi suất cố định năm đầu tiên cho khách hàng vay tiền mua nhà hiện giảm 1 - 2%/năm so với đầu năm. Mức lãi suất cho vay tại Maritime Bank, TPBank, BIDV, PVCombank, Vietcombank, Techcombank... dao động từ 7,7 - 10%/năm trong vòng 1 - 3 năm đầu tiên.

Theo các ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà giảm là do ngân hàng đang dồi dào về nguồn vốn, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Những năm trước, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung, tập trung vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng (phục vụ nhu cầu về nhà ở).

Nhà đầu tư vẫn thận trọng

Lãi suất giảm, nhưng số liệu từ nhiều sàn phân phối bất động sản và Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, động thái giảm lãi suất chưa tác động nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư bất động sản.

So với 2 quý đầu năm, tình hình giao dịch bất động sản trong quý III, đặc biệt là từ tháng 8/2020 có sự cải thiện, nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, cả nước có 73.933 sản phẩm bất động sản nhà ở được chào bán trên toàn thị trường trong quý III/2020, trong đó có 46.773 căn hộ chung cư và 27.160 sản phẩm thấp tầng. Sản phẩm được chào bán chủ yếu là hàng tồn từ các quý trước, chiếm khoảng 70%). Trong khi đó, số lượng sản phẩm được mua chỉ là 26.299, bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch ở 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM cũng sụt giảm.

Nhu cầu đầu tư hiện nay đối với bất động sản giảm mạnh, hoạt động giao dịch chủ yếu là người có nhu cầu ở thực

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu đầu tư hiện nay đối với bất động sản giảm mạnh, hoạt động giao dịch chủ yếu là người có nhu cầu ở thực. Lãi suất cho vay mua nhà giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với tỷ suất lợi nhuận dự kiến đạt được khi đầu tư bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Do đó, nhà đầu tư thận trọng trong việc ra quyết định mua nhà, mà chờ đợi tín hiệu khả quan hơn từ thị trường trong thời gian tới.

Anh Nguyễn Văn Thủy, một nhà đầu tư bất động sản tại quận Hà Đông, Hà Nội nhận định, đầu tư bất động sản có thể thua lỗ lớn nếu lựa chọn sai vị trí và thời điểm. Hiện tại chưa phải là thời điểm phù hợp để đầu tư, nhất là dòng sản phẩm chung cư cao cấp. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp quan tâm nhiều hơn tới phân khúc đất nền, nhưng lựa chọn kỹ từng dự án, nhất là sau “quả bom” Thạch Thất thời gian vừa qua khiến không ít nhà đầu tư ôm “trái đắng” vì chạy theo sóng “ảo”.

Cơ hội trong dài hạn

Theo dữ liệu nghiên cứu của trang rao vặt Batdongsan.com.vn, đối với nhà riêng để bán, mức độ quan tâm trong quý III/2020 tăng 25% so với quý II, nhà mặt phố tăng 19%. Tại các tỉnh phía Bắc, mức độ quan tâm đến đất thổ cư tăng 10%, đất nền dự án tăng 15%, nhà riêng giảm 12%, trong đó Vĩnh Phúc là tỉnh được quan tâm nhiều nhất, lên đến 15%; tiếp theo là Quảng Ninh 9% và Hải Phòng 1%...

Các khu đất thổ cư có mức độ quan tâm nổi bật trong quý III là huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tăng 52% theo quý và tăng 2% theo năm; huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tăng 30% theo quý và tăng 87% theo năm; huyện Hoài Đức (Hà Nội) tăng 9% theo quý nhưng giảm 4% theo năm; huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng 111% theo quý và tăng 66% theo năm; quận Dương Kinh (Hải Phòng) tăng 25% theo quý và tăng 19% theo năm; huyện Kim Bôi (Hòa Bình) tăng 12% theo quý và tăng 61% theo năm.

Số liệu cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 lần hai xảy ra trong quý III, nhưng nhiều người vẫn quan tâm đến kênh đầu tư bất động sản và giá các sản phẩm bất động sản tại một số thành phố lớn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, giá bất động sản tại TP.HCM tăng 15 - 20%, tại Hà Nội tăng 5 - 7%.

Ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Funi Bamboo miền Bắc, đơn vị đang phân phối một số dự án đất nền tại vùng ven Hà Nội cho rằng, đầu tư bất động sản từng là "miếng bánh ngon", là nền tảng cho hầu hết các “đại gia” của Việt Nam.

Tuy nhiên, kênh đầu tư này đang chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh Covid-19, khiến thanh khoản toàn thị trường sụt giảm, nhiều nhà đầu tư phải bán cắt lỗ khi dùng quá nhiều đòn bẩy tài chính.

Nhưng trong dài hạn, kênh bất động sản có thể nhanh chóng trở lại thành kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu do biên độ lãi cao cũng như nhu cầu thị trường lớn. Nhà đầu tư chưa đẩy mạnh giải ngân vào kênh này một phần là do các kênh khác như chứng khoán hay vàng đang hấp dẫn, trong khi số lượng dự án bất động sản mới chưa nhiều, hàng tốt không dễ kiếm.

“Nhà đầu tư đang cân nhắc cho giai đoạn 2021”, ông Hà nhận định.

Tin liên quan
Tin khác