Đầu tư Cao su Đắk Lắk vừa thông qua việc gia hạn thời gian thanh toán 40 tỷ đồng nợ vay giữa Công ty và Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk (Dakruco, mã DRG - sàn UPCoM).
Trong đó, 20 tỷ đồng được gia hạn thanh toán từ ngày 13/9/2024 đến ngày 13/12/2024, tức trễ hạn thanh toán hơn 3 tháng; 10 tỷ đồng được gia hạn thời gian trả từ ngày 15/12/2024 đến ngày 15/3/2025, tức trễ hạn thanh toán hơn 3 tháng; và 10 tỷ đồng được gia hạn từ ngày 3/1/2025 đến ngày 3/4/2025, tức trễ hạn thanh toán hơn 3 tháng.
Như vậy, mặc dù đáo hạn khác nhau nhưng khoản vay của Đầu tư Cao su Đắk Lắk và Dakruco được gia hạn thêm 3 tháng.
Cổ đông nhà nước quyết tâm bán vốn tại Đầu tư Cao su Đắk Lắk
Về biến động cổ đông lớn, từ ngày 3/6 đến 2/7, Dakruco chỉ bán được 4.212.500 cổ phiếu DRI trong tổng đăng ký 22.399.200 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ bán thành công là 18,8% tổng đăng ký để giảm sở hữu từ 48,75 triệu cổ phiếu (66,6% vốn điều lệ) về 44.537.500 cổ phiếu (60,84% vốn điều lệ).
Thêm nữa, từ ngày 19/7 đến ngày 8/8, Dakruco tiếp tục đăng ký bán 18.186.700 cổ phiếu DRI nhưng kết thúc thời gian đăng ký, cổ đông lớn không bán được cổ phiếu DRI và vẫn tiếp tục sở hữu 60,84% vốn điều lệ.
Và mới đây nhất, từ ngày 20/8 đến ngày 18/9, Dakruco tiếp tục đăng ký bán 18.186.700 cổ phiếu DRI để giảm sở hữu từ 60,84% về 36% vốn điều lệ.
Cổ phiếu DRI liên tục tăng nóng đầu năm nhờ “game” thoái vốn nhà nước
Được biết, trước khi nhà nước quyết định thoái vốn, từ ngày 20/12/2023 đến ngày 30/5/2024, giá cổ phiếu DRI đã tăng gần 120,2%, từ 6.630 đồng, lên 14.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi thông tin nhà nước thoái bất thành, cổ phiếu DRI đã giảm trở lại, tính tới ngày 23/8/2024 chỉ còn 10.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 26% so với đỉnh ngày 30/5/2024 và vẫn cao hơn 62,9% so với đáy ngày 20/12/2023.
Điểm hấp dẫn của cổ phiếu DRI trong thời gian qua được giới quan sát đánh giá có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu đến từ hưởng lợi từ giá cao su tăng cao, đồng thời kỳ vọng “game” thoái vốn nhà nước giúp Công ty sớm khai thác được nhiều tiềm năng mà trước nay chưa khai thác khi nhà nước vẫn còn chi phối.
Được biết, đối với thành phẩm mủ cao su, Đầu tư Cao su Đắk Lắk ghi nhận doanh thu năm 2023 đạt 435,99 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng doanh thu. Trong đó, Công ty đang quản lý vườn cao su trồng tại 2 tỉnh ChămpaSăk và Salaval tại Lào thông qua công ty con với tổng diện tích cao su khoảng 8.592,3 ha, đây là vườn cao su được trồng từ những năm 2005-2012, độ tuổi đang khai thác khoảng 12-13 năm (trung bình số năm khai thác của cây cao su từ 20-25 năm), vì vậy, thời gian khai thác của vườn cao su dự kiến còn kéo dài trong nhiều năm, hiệu quả vận hành sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá cao su và Công ty đã đi qua giai đoạn đầu tư vốn lớn, chủ yếu đang bước vào giai đoạn chăm sóc vườn cây và cạo mủ.
Thực tế, Đầu tư Cao su Đắk Lắk đang hưởng lợi lớn khi giá cao su thế giới liên tục tăng cao từ tháng 8 năm ngoái tới nay. Trong đó, từ ngày 18/8/2023 đến ngày 23/8/2024, giá cao su thế giới đã tăng 37,8%, từ 127 USD cents/kg, lên 175 USD cents/kg và vẫn tiếp tục đà tăng.
Theo các chuyên gia hàng hoá trên thế giới, giá cao su liên tục tăng cao được hỗ trợ bởi nguồn cung suy giảm tại các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia … do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng, đồng thời nhu cầu cao hơn từ ngành sản xuất xe điện của Trung Quốc đang thúc đẩy các nhà sản xuất thực hiện sản xuất lốp xe điện.
Với việc hưởng lợi từ vườn cao su đang trong giai đoạn khai thác, cộng với giá bán tăng cao, điều này giúp nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của Công ty sẽ khởi sắc.
Tuy nhiên, thực tế, trong nửa đầu năm 2024, Đầu tư Cao su Đắk Lắk ghi nhận doanh thu đạt 180,23 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 30,33 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 34,1% về chỉ còn 29,1%.
Trái với kết quả kết quả kinh doanh, về nợ vay đang cho thấy nổ lực của Đầu tư Cao su Đắk Lắk giảm dư nợ vay. Trong đó, nếu như trước thời điểm niêm yết trên sàn UPCoM (chính thức niêm yết sàn UPCoM ngày 30/12/2016), Đầu tư Cao su Đắk Lắk ghi nhận tổng nợ vay lên tới 758,4 tỷ đồng (ngày 1/1/2016), bằng 98,2% vốn chủ sở hữu thì tới ngày 30/6/2024, tổng nợ vay chỉ còn 37,16 tỷ đồng, bằng 7,6% vốn chủ sở hữu, tương ứng giảm tới 721,24 tỷ đồng nợ vay.
Như vậy, trong những năm qua, bằng nỗ lực vận hành và khai thác vườn cao su, Đầu tư Cao su Đắk Lắk đã đẩy mạnh trở nợ vay, năm 2023 chính thức không còn nợ vay dài hạn và nửa đầu năm 2024 tiếp tục giảm thêm 8,16 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, về 37,16 tỷ đồng.