Du lịch
Đầu tư cho hồ Hoà Bình xứng tầm khu du lịch quốc gia
Như Loan - 29/07/2020 07:06
Khi những nút thắt dần được gỡ bỏ, hồ Hoà Bình đang đứng trước cơ hội đón những dòng vốn đầu tư mới.
Hồ Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á

Là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với cảnh quan sơn thuỷ hữu tình giống như một Hạ Long trên cạn, hồ Hoà Bình có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thành một khu du lịch tầm cỡ quốc gia.

Theo các chuyên gia, một trong những lợi thế lớn để hồ Hoà Bình phát triển du lịch là vị trí địa lý thuận lợi nằm ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô và trên tuyến du lịch huyết mạch từ vùng Tây Bắc và Trung du Bắc Bộ đến Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng. Được hình thành trong quá trình xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, hồ Hoà Bình có tổng diện tích hàng nghìn hecta, trải dài qua 5 huyện và thành phố của tỉnh Hoà Bình. Trên hồ có hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, hai bên hồ là những cánh rừng xanh và dãy núi đá vôi sừng sững, tạo thành cảnh quan sơn thuỷ hữu tình.

Không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, hồ Hoà Bình còn có nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh; trong đó không thể không kể đến điểm du lịch nổi tiếng là đền và động Thác Bờ thu hút hàng vạn du khách mỗi năm. Ngoài ra còn có vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên, chùa Hoà Bình Phật Quang, đảo Dừa… cũng những bản làng dân tộc Mường, Thái thích hợp cho phát triển du lịch cộng đồng.

Sở hữu nhiều tiềm năng quý giá nhưng trong suốt nhiều năm liền, hồ Hoà Bình như “nàng công chúa ngủ quên”. Cả khu vực hồ mênh mông chưa có một khu nghỉ dưỡng tầm cỡ nào để lưu trú mà chỉ có một vài nhà nghỉ và homestay nhỏ. Gần đây có thêm hai khu nghỉ dưỡng mới là Ba Khan và Mai Châu Hideaway những quy mô nhỏ, chỉ có vài chục phòng. Chính vì không có cơ sở lưu trú và vui chơi giải trí nên khách du lịch chủ yếu là khách nội địa đến tham quan hồ trong ngày.

Theo nhận xét các các chuyên gia du lịch, từ lâu đã tồn tại hai nút thắt khiến cho du lịch hồ Hoà Bình không phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Thứ nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường giao thông từ Hà Nội và Quốc lộ 6 từ Sơn La về Hoà Bình khá khó khăn. Tiếp đến là tỉnh lộ 435 từ thành phố Hoà Bình đi dọc theo lòng hồ từ Bình Thanh đến Ngòi Hoa cũng nhỏ hẹp nên đi lại không thuận tiện. Nút thắt thứ hai khiến cho việc xây dựng các cơ sở lưu trú và vui chơi giải trí xung quanh hồ bế tắc là do tính chất đặc thù của hồ thuỷ điện và đầu nguồn nước, lại vướng quy hoạch sử dụng đất rừng phòng hộ và mặt nước.

Tuy nhiên, những nút thắt này đang dần được cởi bỏ, mở ra cơ hội mới cho hồ Hoà Bình thu hút dòng vốn đầu tư, từ đó phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và các sản phẩm du lịch.

Hoạt động du lịch tại Khu du lịch hồ Hòa Bình góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương

Về giao thông, tuyến đường mới nối Đại lộ Thăng Long với thành phố Hoà Bình được đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Hoà Bình từ 2 tiếng trước đây hiện xuống còn 1 tiếng. Bên cạnh đó, tỉnh Hoà Bình cũng bắt đầu đầu tư cho hệ thống hạ tầng xung quanh hồ Hoà Bình nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, trong đó, tỉnh đang nâng cấp và mở rộng tỉnh lộ 435 từ thành phố Hoà Bình qua Bình Thanh vào đến vịnh Ngòi Hoa với tổng chiều dài hơn 21km và tổng vốn đầu tư 746 tỷ đồng. Ngoài ra, chính quyền hai tỉnh Hoà Bình và Sơn La cũng đang xúc tiến triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc nối Hoà Bình với Mộc Châu dài 85km, tổng vốn đầu tư gần 22.300 tỷ đồng. Cùng với cầu Văn Lang kết nối Hoà Bình với Phú Thọ đã đưa vào sử dụng, những tuyến giao thông mới sẽ mở ra cơ hội cho hồ Hoà Bình thu hút khách du lịch từ Tây Bắc và Trung du Bắc Bộ cũng như khách du lịch từ Hà Nội.

Nút thắt thứ hai cũng đã được tháo gỡ sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình vào tháng 8/2016. Quy hoạch này được coi là khung khổ pháp lý quan trọng, mở rào cho đầu tư khi đưa ra những định hướng quan trọng cho việc phát triển du lịch hồ Hoà Bình tới năm 2030. Theo đó, quy hoạch đã định hướng rõ cho từng phân khu như phân khu Bình Thanh – Vầy Nưa phát triển du lịch thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng; phân khu Ngòi Hoa là trung tâm của khu du lịch hồ Hoà Bình và ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí tổng hợp. Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2025, hồ Hoà Bình cơ bản trở thành khu du lịch quốc gia với khả năng đón trên 1 triệu lượt khách và con số này tăng lên 1,55 triệu lượt vào 2025, mang lại doanh thu 1.800 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn ngân sách để xây dựng một số tuyến đường, tỉnh Hoà Bình cũng đã kêu gọi được 16 dự án du lịch dịch vụ đầu tư vào khu vực hồ Hoà Bình với tổng nguồn vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất khoảng 1.440ha. Trong đó có thể kể đến Khu du lịch thiên nhiên Robinson của Công ty cổ phần Du lịch Hoà Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái hồ Hoà Bình của Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng; Khu du lịch Parahills của Beru Group… Khi các dự án này hình thành và đưa vào khai thác sẽ tạo thêm sức hút đối với khách du lịch, đưa hồ Hoà Bình xứng tầm là khu du lịch tầm cỡ quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác