PGS-TS. Bùi Hoài Sơn |
Văn hóa Việt Nam là sức mạnh, là nền tảng tinh thần
Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Văn hóa thực sự được coi trọng, là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển của quốc gia. Các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đã trở thành định hướng, công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa phát triển.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt đó, đã có rất nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển văn hóa. Trước hết, nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với sự phát triển đất nước đã được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra với sự quan tâm đặc biệt từ xã hội. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng định hướng cho phát triển văn hóa trong những năm tới.
Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện các chính sách và chiến lược phát triển văn hóa, tập trung vào việc bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy sự sáng tạo trong văn hóa hiện đại. Quan điểm của Đảng cùng với các chính sách, pháp luật quan trọng như Nghị quyết Trung ương lần thứ năm (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương lần thứ chín (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam; Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Thư viện, Luật Quảng cáo; các quy hoạch lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa... đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển văn hóa bền vững.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều di sản đã được UNESCO công nhận, từ đó nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa Việt Nam, cũng như của người dân địa phương đối với di sản văn hóa của chính mình. Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa quốc tế, tổ chức nhiều sự kiện và hợp tác văn hóa với các quốc gia. Điều này không chỉ giúp quảng bá văn hóa Việt Nam, mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa toàn cầu.
Một điểm đáng chú ý khác là sự chuyển đổi của nền văn hóa sang cơ chế thị trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống văn hóa, nghệ thuật của đất nước ngày càng đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Nhiều ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, ẩm thực và du lịch văn hóa… đã có những bước tiến đáng kể. Sự phát triển này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo cũng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa. Các nghệ sĩ và nhà sáng tạo có nhiều không gian hơn để thể hiện và phát triển tài năng của mình. Việc Hà Nội, Đà Lạt và Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là những điểm nhấn mới trong việc xây dựng thương hiệu địa phương từ các ngành công nghiệp văn hóa.
Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công nghệ thông tin và truyền thông đã được áp dụng rộng rãi trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, giúp lan tỏa và tiếp cận các giá trị văn hóa qua các nền tảng số và mạng xã hội.
Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực văn hóa. Các giá trị văn hóa truyền thống đang bị xói mòn, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự lan truyền mạnh mẽ của các lối sống từ những quốc gia khác, dẫn đến sự thay đổi trong cách nhìn nhận và hành xử của một bộ phận dân cư, nhất là giới trẻ; việc mù quáng chạy theo các lối sống và xu hướng văn hóa từ bên ngoài, mà không có sự chọn lọc phù hợp với bản sắc dân tộc có thể dẫn đến sự pha trộn văn hóa, làm mất đi những giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Việt Nam đang “nhập khẩu” nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật từ nước ngoài hơn là “xuất khẩu”. Điều này không chỉ gây mất cân bằng văn hóa, mà còn làm tăng nguy cơ bị “xâm lăng” văn hóa, khiến các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị lấn át.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại nhiều thành phố và vùng nông thôn đã và đang đặt ra thách thức lớn trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. Nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử và phong tục truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc biến đổi không mong muốn. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đôi khi dẫn đến ưu tiên lợi ích kinh tế, mà xem nhẹ bảo tồn văn hóa. Thực tế này đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển bền vững, trong đó văn hóa không chỉ là đối tượng bảo tồn, mà còn là nguồn lực để phát triển kinh tế.
Mặc dù văn hóa được coi là một trụ cột quan trọng trong sự phát triển bền vững, nhưng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế. Việc thiếu hụt tài chính, nhân lực và hạ tầng cản trở sự phát triển của văn hóa. Nhiều thiết chế văn hóa hiện nay vẫn chưa hoạt động hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như yêu cầu của sự phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện đại. Theo đó, cần có sự cải thiện để các thiết chế này thực sự trở thành nơi lưu giữ, phát huy và phát triển văn hóa.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể |
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai đất nước
Trong giai đoạn sắp tới, ý thức rõ hơn về trách nhiệm đối với sự phát triển văn hóa và tương lai của đất nước, chúng ta càng cần quyết tâm hơn nữa để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước. Ở đó, văn hóa Việt Nam mãi là sợi dây kết nối tinh thần của cả dân tộc, là sức mạnh vô hình, nhưng vô cùng mạnh mẽ, giúp định hình bản sắc, củng cố tinh thần đoàn kết và định hướng phát triển cho đất nước.
Văn hóa được hình thành từ những giá trị cốt lõi như lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, lòng nhân ái, tinh thần cộng đồng và sự tôn trọng lẫn nhau… Những giá trị này không chỉ tồn tại trong truyền thuyết, câu chuyện dân gian, ca dao, tục ngữ, mà còn hiện diện trong các nghi lễ, phong tục, tập quán hàng ngày và đã trở thành sức mạnh trường tồn của dân tộc. Khi hiểu và trân trọng giá trị văn hóa, chúng ta sẽ biết cách gìn giữ và phát huy những di sản quý báu đó.
Vì vậy, cần đẩy mạnh giáo dục văn hóa từ trong gia đình, trường học đến ngoài xã hội, để mọi thế hệ đều có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của văn hóa. Từ đó, văn hóa sẽ trở thành hành trang tinh thần, sự tự tin và niềm tự hào để mỗi con người Việt Nam và cả đất nước vững tin hội nhập quốc tế.
Để làm được điều đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách và luật pháp, tạo hành lang thuận lợi cho sự phát triển của văn hóa, thì việc quan tâm đầu tư cho văn hóa là một nhiệm vụ cần ưu tiên. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho gốc rễ, sự vững bền của một dân tộc, bởi văn hóa không chỉ là bản sắc, mà còn là hồn cốt, là gốc rễ của sự tồn tại và phát triển bền vững của một quốc gia.
Văn hóa thể hiện giá trị, truyền thống, tư tưởng và lối sống của một cộng đồng, góp phần định hình nên con người, xã hội và quốc gia. Khi đầu tư cho văn hóa, chúng ta đang nuôi dưỡng và bảo vệ những giá trị truyền thống, những di sản lịch sử và văn hóa, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho các thế hệ tương lai.
Một nền văn hóa mạnh mẽ không chỉ giúp giữ gìn bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, mà còn là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Văn hóa tạo ra môi trường sống lành mạnh, nơi con người có thể phát triển toàn diện về tinh thần và trí tuệ, góp phần hình thành một xã hội hòa hợp, đoàn kết và tiến bộ.
Đầu tư cho văn hóa cũng đồng nghĩa với việc tạo ra những cơ hội để giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới, thu hút sự quan tâm và tôn trọng từ cộng đồng quốc tế. Đồng thời, nó cũng khẳng định vị thế và sức mạnh mềm của một quốc gia trên trường quốc tế. Nhờ đó, văn hóa trở thành cầu nối để thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác và hòa bình giữa các dân tộc. Vì vậy, đầu tư cho văn hóa là một khoản đầu tư dài hạn, không chỉ mang lại lợi ích tức thời, mà còn tạo ra nền tảng bền vững cho sự phát triển của cả dân tộc trong tương lai.
Chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Ngay từ trước khi giành được độc lập, tự do cho dân tộc, Đảng ta đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam như một cương lĩnh chính trị về văn hóa để khẳng định sức mạnh của giá trị văn hóa trong phát triển đất nước. Từ những nhận thức quan trọng và hành động đúng đắn, văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù bằng sức mạnh nội sinh của dân tộc mang tên “văn hóa”.
Đứng trước bối cảnh mới, những bài học kinh nghiệm quý giá từ lịch sử càng thôi thúc chúng ta có thêm quyết tâm phát triển văn hóa. Ở đó, văn hóa không chỉ đại diện cho giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, tạo ra sự tự tin và bản lĩnh văn hóa để hội nhập quốc tế, mà còn mang trong mình sức mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, đan xen cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ cũng như thách thức.
Ở điểm thuận lợi và thời cơ, có thể nói, chưa bao giờ, văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả trung ương và địa phương, thể hiện ở các hội thảo (như Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức; Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, do Quốc hội chủ trì tổ chức), hay gần đây là chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; các hội nghị văn hóa toàn tỉnh của Bắc Ninh, Hà Tĩnh..., nghị quyết riêng cho văn hóa, công nghiệp văn hóa của Bắc Ninh, Hà Nội..., với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên dành cho văn hóa là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa.
Không chỉ là những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với lĩnh vực văn hóa. Các tuần lễ sáng tạo ở Hà Nội và một số thành phố lớn, sự hình thành của Nhà hát Đó ở Nha Trang, những bộ phim ăn khách của khối tư nhân như Nhà bà Nữ; Chị chị, em em 2; Lật mặt 7: Điều ước cuối cùng..., những ca khúc Việt Nam mang hơi thở mới chinh phục không chỉ khán giả trong nước, mà cả khán giả quốc tế và rất nhiều ví dụ khác cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã bắt nhịp cho sự sôi động của thị trường văn hóa, để văn hóa đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển đất nước.
Những thứ lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài khiến văn hóa dân tộc bị lãng quên
Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc phục hưng, đổi mới cho lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta cũng thấy những biểu hiện khó khăn, thách thức và vô cùng phức tạp đối với sự phát triển văn hóa. Việt Nam không chỉ đối mặt với những vấn đề thách thức an ninh phi truyền thống, mà còn cả thách thức văn hóa phi truyền thống; không chỉ những vấn đề của xã hội số, kinh tế số, công dân số, mà còn cả những vấn đề của văn hóa số.
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã để lại một số hệ lụy về văn hóa khi những lợi ích vật chất, ích kỷ cá nhân đã len lỏi vào mọi tế bào của xã hội, trong đó có văn hóa. Sự trục lợi đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, làm méo mó cả những hoạt động mang đậm chất tinh thần như văn hóa. Trục lợi tâm linh là một ví dụ như vậy.
Bên cạnh đó, do thị trường giải trí cạnh tranh khốc liệt, khiến những chiêu trò để xây dựng tên tuổi, lôi kéo sự quan tâm của công chúng cũng để lại những hậu quả tai hại, bởi những câu nói bốc đồng, hành vi lệch chuẩn, chia sẻ thiếu tôn trọng... đã làm vẩn đục môi trường văn hóa của xã hội.
Quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng cũng có cả những hiện tượng không phù hợp với văn hóa dân tộc. Nhiều thứ lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài đã cuốn hút được sự quan tâm của giới trẻ, nhưng lại khiến họ lãng quên văn hóa dân tộc. Sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, nhất là mạng xã hội, đã tạo ra không gian mới, thách thức mới cho quá trình quản lý văn hóa khi nhiều người thể hiện cái tôi thái quá, vi phạm những nguyên tắc đạo đức cộng đồng...
Tốc độ xã hội hóa trở nên quá nhanh khiến con người mất tập trung vào những mục tiêu dài hạn, chỉ chú tâm vào những điều trước mắt, ngắn hạn. Tất cả trở thành những nguyên nhân cho rất nhiều biểu hiện tiêu cực, lai căng, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong thời gian vừa qua.
Cần thiết phải xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Để khắc phục tất cả những vấn đề trên, việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình giúp chúng ta có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, định hướng, khơi nguồn cho đầu tư xã hội và văn hóa.
Điều đáng mừng là, chúng ta đã có cơ sở pháp lý để xây dựng chương trình này. Đó là những nội dung được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Quốc hội.
Dù vậy, xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia nói chung, về văn hóa nói riêng không phải là công việc dễ dàng.
Thứ nhất, việc xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa cần bám sát quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ Nghị quyết 33-NQ/TW đến Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đảng và Nhà nước đã đề ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ là công cụ hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả các mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.
Thứ hai, dù mang tính bao quát để tạo ra tính tổng thể cho sự phát triển văn hóa, nhưng Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa vẫn cần nhấn mạnh vào một số điểm mang tính đột phá, như tập trung bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với 54 dân tộc anh em, chung sống với nhau qua hàng ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một và biến mất. Chương trình Mục tiêu quốc gia cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị này thông qua việc khôi phục, tôn vinh và truyền bá các di sản văn hóa truyền thống, từ đó không chỉ giúp chúng ta hiểu biết và tự hào về truyền thống lịch sử, mà còn cho chúng ta hành trang kiến thức và sự tự tin văn hóa để vững bước tiến vào tương lai, không sợ bị hòa tan trong dòng chảy toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Văn hóa không chỉ là một lĩnh vực di sản truyền thống, nghệ thuật giải trí, mà còn là nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia. Bằng việc tạo điều kiện và đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, phần mềm và các trò chơi điện tử, du lịch văn hóa..., chúng ta có thể tận dụng và phát triển tiềm năng của văn hóa để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thêm vào đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa cần tạo ra các không gian sáng tạo và định vị văn hóa quốc gia. Để phát triển văn hóa, chúng ta cần tạo ra môi trường thuận lợi để các cá nhân và tập thể có thể sáng tạo và phát triển ý tưởng mới. Đồng thời, chương trình cũng cần giúp định vị văn hóa quốc gia trên trường quốc tế, xây dựng hình ảnh văn hóa độc đáo của Việt Nam, tăng cường sự tự tin, bản lĩnh cho văn hóa và con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo, bền vững, vì lợi ích của Nhân dân, việc xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa trở thành yêu cầu cấp thiết.
Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà còn là mục tiêu và động lực cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch chi tiết, mà còn là một phương tiện để thể hiện quyết tâm, sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa. Điều này đảm bảo rằng, chương trình sẽ được thực hiện với sự nhất quán và liên kết với các chính sách, quyết sách khác trên toàn quốc, đem lại sự tự tin, bản lĩnh và sự phát triển toàn diện cho văn hóa, con người Việt Nam, góp phần khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa trở thành yếu tố hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rất tâm huyết: “Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Chúng ta hy vọng rằng, việc cụ thể hóa những thông điệp trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội và chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều này sẽ giúp văn hóa có thêm nguồn lực, sức mạnh.
Đây cũng là cơ hội thuận lợi để chúng ta thực hiện những ước mơ lớn của dân tộc là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng nhấn mạnh: “thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, nội dung nghiên cứu, xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cũng là một trong những nhóm giải pháp được chú trọng.
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Nghị quyết giao Chính phủ chủ trì nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; triển khai Chương trình quốc gia Phát triển văn hóa giai đoạn 2022 - 2030; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.