Viễn thông - Công nghệ
Đầu tư công nghệ 5G: Cuộc chạy đua đường trường
Hồng Phúc - 20/01/2021 06:46
Đầu tư vào công nghệ 5G được ví như cuộc chạy đua đường trường. Không chỉ đầu tư thời gian, tiền bạc, doanh nghiệp còn cần có đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, cùng sự đồng hành của khách hàng.
Công nghệ 5G đang được các nhà mạng triển khai thử nghiệm tại một số thành phố lớn

Đầu tư lớn

Ở góc độ lợi ích mà 5G có thể mang lại, ông Mai Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) đánh giá, trong xu thế phát triển của xã hội, người dùng luôn được lợi.

Người dùng là một trong 4 chủ thể quan trọng trong hệ sinh thái, bên cạnh đơn vị cung cấp thiết bị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và quản lý nhà nước. Trong đó, nhà sản xuất thường tiêu tốn nhiều tiền để liên tục đưa ra các sáng chế rồi đẩy vào áp dụng trong thực tế nhằm mang về nguồn thu bù lại nguồn lực đã bỏ ra.

Nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco nhận định, đến năm 2025, số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam dự kiến đạt con số 6,3 triệu. Do vậy, việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt Nam tăng doanh thu mỗi năm thêm 300 triệu USD, kể từ năm 2025.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các nhà mạng cũng phải đầu tư 1,5 - 2,5 tỷ USD để trang bị hệ thống.

Có thể thấy, công nghệ 5G với 3 lợi điểm lớn là tốc độ siêu cao, độ chậm trễ siêu thấp và khả năng phủ sóng lớn (1 triệu thiết bị/km2), song để phát triển công nghệ này, đòi hỏi phải đầu tư rất lớn để giải quyết hạn chế liên quan đến khả năng truyền sóng.

“Đầu tư cho 5G phải chi ra rất nhiều tiền, nhưng nguồn thu chưa nhìn thấy rõ, nên các doanh nghiệp còn rất băn khoăn”, ông Lương Phạm Nam Hoàng, Phó trưởng phòng Cấp phép và Thị trường (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ về lo ngại của các nhà mạng hiện nay.

Đầu tư vào công nghệ 5G được ví như cuộc chạy đua đường trường. Doanh nghiệp không chỉ bỏ ra thời gian, tiền bạc, mà còn cần đội ngũ con người tập trung nghiên cứu chuyên sâu, rồi hợp tác với khách hàng của mình để đưa vào sử dụng.

Nhằm tránh bị “hụt hơi”, theo ông Mai Hồng Anh, mỗi doanh nghiệp sẽ phải cân đo ngân sách, tùy vào chiến lược, thực lực của riêng mình. Và dù phải đầu tư lớn, nhưng đây là xu thế tất yếu, buộc phải làm để góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phổ cập băng rộng và 5G theo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030 do Chính phủ ban hành cuối năm 2020.

“5G là nền tảng, hạ tầng cho các dịch vụ chuyển đổi số, nên tiến trình thực hiện của các nhà mạng sẽ được Chính phủ, các bộ, ban, ngành chỉ đạo sát sao”, ông Mai Hồng Anh nói.

Cần doanh nghiệp chung tay ứng dụng 5G

Cả phía các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cung cấp thiết bị và nhà mạng đều nhìn thấy vướng mắc lớn về nguồn vốn đầu tư và đang nỗ lực tháo gỡ.

Bên cạnh đó, việc phát triển mạng 5G cũng cần sự ủng hộ từ người dùng cá nhân và người dùng tổ chức. Ví dụ, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nếu không áp dụng, chuyển đổi sang các công nghệ mới, sử dụng cảm biến điều khiển từ xa, thì các nhà mạng cũng khó có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ 5G.

5G là nền tảng, hạ tầng cho các dịch vụ chuyển đổi số, nên tiến trình thực hiện của các nhà mạng sẽ được Chính phủ, các bộ, ban, ngành chỉ đạo sát sao.

Ông Mai Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Tổng công ty Viễn thông MobiFone)

Trong việc triển khai 5G, theo ông Nam Hoàng, Việt Nam đã chủ động đi cùng nhịp với khu vực cũng như thế giới, được thể hiện qua một số khía cạnh như chủ động tham gia nghiên cứu ứng dụng 5G từ sớm, một số lĩnh vực thể hiện vai trò dẫn dắt trong khu vực Đông Nam Á.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong ngành còn chủ động nghiên cứu, chế tạo thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối theo chương trình Make in Vietnam.

5G giúp các công nghệ tương lai trở nên phổ biến trong mọi khía cạnh đời sống xã hội và là xu thế tất yếu trong cách mạng công nghệ 4.0. Trong năm nay, 5G sẽ được cấp phép thương mại trên diện rộng tại Việt Nam, sau khi kết thúc thử nghiệm thương mại vào tháng 6.

Ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc chiến lược sản phẩm, ngành hàng thiết bị di động thuộc Công ty Điện tử Samsung tin tưởng rằng, sau khi trải nghiệm 5G, người dùng chắc chắn sẽ nhận thấy sự thay đổi rất lớn. Chẳng hạn, chất lượng dịch vụ cuộc gọi video tăng cao, hay người dùng chỉ cần vài giây để tải về một bộ phim.

Nhằm góp phần đưa mọi lợi ích của 5G vào nền kinh tế, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng, khai thác hết ưu điểm mà công nghệ mới này đem lại.

Khi các doanh nghiệp tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên vốn của mình thông qua công nghệ 5G, theo ông Nam Hoàng, họ mới có thể đáp ứng được sự dịch chuyển về sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Hoàng cũng khẳng định, công nghệ 5G có thể ứng dụng đa dạng, nên tác động đến mọi mặt trong xã hội. “Ngành nghề nào có thể gọi tên thì 5G đều có thể thâm nhập. Một số quốc gia trở thành con rồng, con hổ khi tận dụng được lợi thế do sự thay đổi về công nghệ, cơ cấu, phương thức sản xuất tại thời điểm đó. Lần này, với 5G là cơ hội, Việt Nam cần tận dụng để vượt lên”, ông Hoàng nói.

Tin liên quan
Tin khác