5G là cơ hội về dịch vụ kết nối, giúp thay đổi thứ hạng viễn thông và phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam. |
Viettel tiên phong
Trước khi tổ chức cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G tại Việt Nam vào ngày 10/5 vừa qua, Viettel đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) bằng thiết bị 5G của Ericsson. Nhưng, đến năm 2021, khi thương mại hóa mạng 5G, Viettel sẽ dùng chính những thiết bị 5G tự mình sản xuất.
“Các kỹ sư của Viettel đang trong quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển sản phẩm trạm phát sóng 5G Viettel”, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.
Được biết, Viettel đã thành lập nhóm và bắt đầu nghiên cứu phát triển công nghệ từ năm 2015, với mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thành chế thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sẵn sàng thương mại hóa sản phẩm vào năm 2021.
“Công nghệ 5G có điểm đặc biệt là nhà sản xuất nào muốn có thiết bị 5G thì phải sản xuất được chipset riêng của mình. Hiện nay, thế giới vẫn trong giai đoạn thử nghiệm 5G và chỉ triển khai chính thức vào năm sau. Do đó, nếu cố gắng hết sức để có thiết bị trong vòng 1-2 năm tới, thì khi thế giới chuyển sang thương mại hoá dịch vụ 5G hoặc bùng nổ công nghệ này, Viettel cũng sẽ có thiết bị 5G của riêng mình để sử dụng”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel cho biết.
VNPT cũng tự sản xuất thiết bị 5G
Ngay sau khi Viettel thử nghiệm cuộc gọi 5G thành công, VNPT cho biết, nhà mạng này đang trong giai đoạn hiện đại hoá hạ tầng mạng lõi và đầu tư sản xuất thiết bị để triển khai công nghệ 5G.
VNPT đã bắt đầu nghiên cứu và tiếp cận chuẩn bị cho 5G từ khi khái niệm 5G được đưa ra. Cụ thể, bước đầu, VNPT đã tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường hợp tác với nhiều đối tác công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng nguồn nhân lực nhằm làm chủ và tham gia vào hệ sinh thái 5G (từ mạng lưới, nền tảng platform kết nối cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G, an ninh, an toàn).
Đầu năm 2019, VNPT đã ký kết với một số đối tác để cùng thiết lập phòng Lab nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai và ứng dụng mạng di động 5G. VNPT đã tiến hành hiện đại hóa mạng lưới theo hướng 5G và điện toán đám mây (Cloud). Ngoài ra, VNPT và các đối tác cũng hợp tác chia sẻ thông tin về các nghiên cứu mới nhất của công nghệ/ sản phẩm mới trên mạng 5G.
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, với những thành tựu đạt được trong mảng sản xuất thiết bị công nghệ viễn thông thời gian qua, VNPT đang trong giai đoạn sản xuất các thiết bị mạng 5G, từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này, giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định.
Thị trường vô hạn cho công ty công nghệ Việt
Theo kế hoạch, Viettel bắt đầu cung cấp 5G eMBB (băng rộng di động nâng cao) vào năm 2020, thương mại hóa tại 63 tỉnh, thành phố vào năm 2021 và triển khai dịch vụ uRLLC (thông tin độ tin cậy cao với độ trễ thấp) và mMTC (truyền thông máy số lượng lớn) vào năm 2022.
Viettel sẽ phủ sóng 5G tại những nơi có nhu cầu lưu lượng cao như thành thị, khu công nghiệp, trường đại học, khu du lịch, đồng thời thay thế cáp quang ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vốn rất khó khăn để kéo cáp.
Công nghệ 5G được đánh giá sẽ tạo ra nền tảng thuận lợi, giúp thúc đẩy sáng tạo và phát triển trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như giải trí, giao thông vận tải, sản xuất chế tạo, y tế, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, thành phố thông minh… Do đó, mảng sản xuất thiết bị hạ tầng, các ứng dụng, dịch vụ cho công nghệ 5G là một thị trường vô cùng rộng lớn, trị giá hàng tỷ USD/năm. Doanh nghiệp nào nắm bắt, làm chủ và “make in Vietnam” được, thì sẽ phát triển rất nhanh chóng.
“Với 5G, chúng ta sẽ có thiết bị ngay từ ngày đầu triển khai chính thức vào năm 2020. Đây sẽ là thay đổi lớn nhất, thay đổi ý nghĩa nhất và cũng là sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà. Bộ Thông tin và Truyền thông khích lệ và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cả nhà nước và tư nhân, cả lớn và nhỏ, nghiên cứu sản xuất được thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị Việt Nam. Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 4 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu cuối”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ của Việt Nam.
Cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới
Thế giới về cơ bản có 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm Ericsson (Thụy Điển), Nokia (Phần Lan), Huawei và ZTE (Trung Quốc). Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được 70% thiết bị viễn thông, với quyết tâm của Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông. Điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019 - 2020.
Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị made in Vietnam nếu chất lượng tương đương thiết bị nước ngoài. Đây là việc có ý nghĩa rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng