Tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8/4/2022, từ góc độ một doanh nghiệp đang đầu tư lớn vào ngành điện, ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Trung Nam Group đã đưa ra kiến nghị chính sách phát triển năng lượng quốc gia.
Điều đầu tiên được đại diện doanh nghiệp này kiến nghị là về sự ổn định trong chính sách phát triển thị trường. Hiện chính sách phát triển thị trường điện chưa ổn định cả về quy hoạch, chính sách giá… Theo ông Phước An, nguyện vọng của nhà đầu tư là chính sách rõ ràng và có thể dự báo được. Từ đó, nhà đầu tư mới có thể quản lý tốt được rủi ro khi đầu tư đồng vốn vào.
Ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Trung Nam Group. |
Thứ hai, cơ chế giá điện có nhiều điều bất lợi cho nhà đầu tư theo các dự thảo về cơ chế giá của Bộ Công Thương công bố gần đây. Đầu tiên, việc giá điện tính bằng đồng nội tệ thay vì đồng USD sẽ có rủi ro cho nguồn vốn từ nước ngoài vào. Cùng đó, giá điện được xác định đến năm 2025. Tuy nhiên, cụ thể cơ chế xác định giá sau năm 2025 theo hình thức đấu giá đấu thầu được thực hiện ra sao nhà đầu tư chưa được biết.
“Nhà đầu tư có cảm giác rằng rủi ro đang đẩy về phía nhà đầu tư. Đây là yếu tố khá bất lợi, gây ra khó khăn trong việc kêu gọi nguồn vốn trong và ngoài nước”, ông Phước An nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi xét các hợp đồng mua bán điện PPA, phản ánh từ giới tài chính quốc tế tới Trung Nam Group là khá rủi ro cho nhà đầu tư. “Theo quan điểm của giới tài chính quốc tế, PPA nên được tham chiếu với quốc gia có điều kiện tương tự. Các biện pháp phân bổ rủi ro cho bến bán – mua rõ ràng, bình đẳng. Các định chế tài chính đánh giá diều khoản PPA rủi ro cho nhà đầu tư”. Đại diện Trung Nam Group cũng cho rằng khi giới tài chính đánh giá rủi ro cao, lãi suất yêu cầu cao, chi phí vốn cao. Điều này sẽ dẫn dến hiệu quả đầu tư thấp hoặc khi đàm phán giá điện khiến giá điện phải tăng thêm.
Thứ tư, quy định NHNN hiện yêu cầu không cho vay nước ngoài để trả nguồn vốn trong nước. Tuy nhiên, nguồn vốn trong nước có đặc điểm quy mô nhỏ và chi phí vốn cao. Trong khi đó, các dự án đã đi vào hoạt động, có doanh thu ổn định rất hấp dẫn với các định chế tài chính. Việc vay vốn nước ngoài để trả nợ vốn trong nước để giảm chi phí vốn dự án đã vận hành hiện không được phép. Hoạt động trả hết một khoản nợ vay bằng tiền có được từ một khoản vay mới (refinance) có thể giúp nhà đầu tư có thêm dư địa để vay thêm nguồn vốn trong nước cho các dự án mới. Đại diện Trung Nam Group cho rằng nên có cơ chế cho hình thức tài trợ vốn trên.
Ngoài ra, với tiềm năng gió của Việt Nam, công suất sẽ rất lớn. Trung Nam Group có nhu cầu sản xuất điện ra cả để nối lưới hoặc không nối lưới sản xuất H2 và NH3. Theo ông Phước An, đây là xu hướng lớn của thế giới hiện nay để thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đại diện doanh nghiệp này đề nghị nên có chính sách ưu đãi để phát triển lĩnh vực mới theo xu hướng thế giới.
Là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đầu tiên và duy nhất ở thời điểm hiện tại tham gia xây dựng lưới điện truyền tải, đại diện Trung Nam Group cũng đưa ra kiến nghị ở lĩnh vực này. Lưới điện 500kV mà doanh nghiệp này triển khai xây dựng mang tính thí điểm và đã chuyển giao 0 đồng cho EVN. Theo ông Phước An, dù quy định hiện hành đã cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực truyền tải, nhưng đến nay công ty chưa thấy cơ chế thu phí truyền tải cho các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia đầu tư.
Đối với kiến nghị trên của Trung Nam Group, PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc cũng cho biết thêm cơ chế tính toán doanh thu cho truyền tải áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước hiện tính theo cơ chế tem thư, nghĩa là 1kwh tính một mức giá không kể quãng đường truyền tải. Giá truyền tải theo nhà nước quy định, điều chỉnh theo giá cung ứng cuôi cùng với mức biên lợi nhuận (margin) khoảng 3%. Mức margin thấp trên cũng là rào cản vô hình khi đầu tư vào lĩnh vực này.