Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Đầu tư 1.480 tỷ đồng cải tạo khu gian Hoà Duyệt - Thanh Luyện đường sắt Bắc Nam
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 413/QĐ – BGTVT phê duyệt Dự án cải tạo khu gian Hoà Duyệt - Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM.
Dự án có mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện tại thuộc khu gian từ Ga Hòa Duyệt đến Ga Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM với tổng chiều dài 12,2 km. Dự án bao gồm các hạng mục công trình chính gồm: nâng cấp, cải tạo 4,8 km đường sắt và cải dịch tuyến mới 7,4 km đường sắt; cải tạo, nâng cấp 2 (ga Hoà Duyệt và ga Thanh Luyện); xây dựng mới 1 cầu, 2 hầm và 13 cống chui dân sinh, 15 cống thoát nước ngang qua đường sắt; hàng rào, đường gom, đường ngang, tường chống đá rơi và lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, biển báo đồng bộ.
Ảnh minh họa. |
Tổng mức đầu tư Dự án là 1.480 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA từ quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, trong đó vốn vay ODA là 1.239 tỷ đồng); vốn đối ứng là 242 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2023 đến năm 2027.
Bộ trưởng Bộ GTVT nêu rõ là quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, làm cơ sở để Ban Quản lý dự án đường sắt triển khai thủ tục đàm phán, ký kết thỏa thuận về vốn vay ODA với Nhà tài trợ.
Căn cứ quyết định phê duyệt Dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thủ tục đàm phán, ký kết thỏa thuận về vốn vay ODA với Nhà tài trợ. Sau khi thỏa thuận về vốn vay được cấp có thẩm quyền ký kết (nguồn vốn nước ngoài chính thức được bố trí), Ban Quản lý dự án đường sắt trình phê duyệt dự án làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư.
Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam căn cứ phương án đầu tư đối với từng hạng mục công trình để chủ động cập nhật hiện trạng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt sau khi dự án hoàn thành (nhất là các công trình hầm, cầu, ga...) để tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định; đồng thời, thực hiện các thủ tục để xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhất là đối với tài sản được giao không còn nhu cầu sử dụng (như đoạn tuyến cũ sau khi được cải tuyến) theo đúng quy định hiện hành.
Hợp long cây cầu dài nhất trên cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45
Liên danh Vinaconex - Trung Nam E&C vừa tiến hành hợp long nhịp chính cầu núi Đọ dài 1.646 vượt sông Chu trên tuyến cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, đoạn qua huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá).
Đây là một trong những hạng mục quan trọng thuộc Gói thầu XL–14, Dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Gói thầu XL – 14 do liên danh Vinaconex – Trung Nam E&C trúng thầu thi công, có mục tiêu xây dựng đoạn Km318+000 - Km337+478,11 (bao gồm cả khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) với giá trị gần 2.500 tỷ đồng; thời gian thực hiện 24 tháng. Đây là một trong những gói thầu lớn nhất Dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 với chiều dài lên tới 19,49km đi qua các huyện: Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống và TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Trong các hạng mục xây lắp thuộc Gói thầu XL – 14 có công trình cầu núi Đọ qua sông Chu, dài hơn 1.646m và là cây cầu dài nhất Dự án cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45. Theo thiết kế, dầm cầu chính cầu núi Đọ sử dụng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng; mặt cắt ngang cầu 23,5m bao gồm 4 làn xe chạy và có dải phân cách và dải an toàn.
Trong thời gian vừa qua, liên danh Vinaconex – Trung Nam E&C đã huy động nhiều thiết bị thi công cầu hiện đại, tổ chức thi công 3 ca để hoàn thành thi công các hạng mục ngoài sông để vượt lũ sông Chu theo đúng kế hoạch, trong đó có việc tiến hành tổ chức hợp long nhịp chính cầu núi Đọ vào ngày 9/4 (vượt tiến độ 21 ngày).
Ông Hồ Ngọc Loan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT (đơn vị đại diện chủ đầu tư) cho biết, việc liên danh nhà thầu Vinaconex – Trung Nam E&C thực hiện hợp long nhịp cuối công trình Cầu Núi Đọ, cây cầu lớn nhất đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 sẽ tạo tiền đề quan trọng trong việc hoàn thành Gói thầu XL - 14 đúng kế hoạch.
Ông Loan cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, kiểm soát chất lượng công trình để Gói thầu XL - 14 nói riêng và toàn bộ Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 hoàn thành đúng chất lượng, tiến độ đáp ứng kế hoạch mà Bộ GTVT đã đề ra.
”Sau hơn một năm triển khai, đến nay, Gói thầu XL-14 đã đáp ứng tiến độ. Bên cạnh đó, các nhà thầu đã thể hiện sự chuyên nghiệp, kịp thời xử lý các vấn đề kỹ thuật, vấn đề phát sinh”, ông Dương Văn Long, Trưởng Văn phòng điều hành dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đánh giá.
Đại diện liên danh Vinaconex -Trung Nam E&C cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, đẩy nhanh công tác hoàn thiện các hạng mục còn lại trên tuyến chính nhằm đáp ứng tiến độ và đảm bảo điều kiện thông xe kỹ thuật theo kế hoạch ngày 30/9/2022; đồng thời nâng cao uy tín thương hiệu của các nhà thầu Việt Nam và Vinaconex nói riêng trong lĩnh vực xây dựng các công trình cao tốc quy mô, hiện đại .
Bộ GTVT nói gì về đề xuất nâng đời sân bay Liên Khương của UBND tỉnh Lâm Đồng
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương theo phương thức PPP.
Theo Bộ GTVT, quy hoạch cảng hàng không Liên Khương giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1375/QĐ-BGTVT ngày 27/6/2006. Theo đó, cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch cấp sân bay 4D, giai đoạn đến năm 2015 đạt công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2025 đạt công suất 2,6 triệu hành khách/năm.
Cảng hàng không Liên Khương. |
Vừa qua, triển khai Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20501. Theo nội dung quy hoạch, cảng hàng không Liên Khương giai đoạn đến năm 2030 được quy hoạch là sân bay quốc tế, cấp sân bay 4E, công suất 5 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 7 triệu hành khách/năm.
Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch sân bay Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công tác lập điều chỉnh quy hoạch để làm cơ sở triển khai thực hiện. Dự kiến, Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện và trình Bộ GTVT trong quý IV/2022.
Trước đó, vào giữa tháng 3/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp CHK Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E, công suất đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đầu tư hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đồng bộ. Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất huy động 100% nguồn vốn của nhà đầu tư theo phương thức PPP.
Đối với đề xuất này, Bộ GTVT cho biết là hiện nay, quy hoạch cảng hàng không Liên Khương vẫn tiếp tục được thực hiện theo Quyết định số 1375 của Bộ GTVT, trong đó xác định cảng hàng không Liên Khương là sân bay nội địa, cấp sân bay 4D.
“Sau khi quy hoạch cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thành và được phê duyệt sẽ bảo đảm cơ sở để triển khai đầu tư, mở rộng, nâng cấp sân bay Liên Khương với quy mô cấp sân bay là 4E”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Theo Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Trường hợp doanh nghiệp cảng hàng không không có khả năng đầu tư theo kế hoạch phát triển cảng được phê duyệt, Bộ GTVT đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật.
Bộ GTVT cho biết là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) với vai trò là doanh nghiệp cảng hàng không đang quản lý, khai thác sân bay Liên Khương. ACV dự kiến bố trí nguồn lực đầu tư mở rộng cảng hàng không Liên Khương bao gồm: xây dựng nhà ga hàng hóa tại trong giai đoạn 2021-2025; xây dựng nhà ga hành khách công suất 5 triệu hành khách/năm giai đoạn sau năm 2025.
Trước nhu cầu lớn về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hàng không nói riêng, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư đối với từng nhóm cảng hàng không trong hệ thống cảng hàng không của Việt Nam.
Trong đó, cảng hàng không Liên Khương được đề xuất trong nhóm các sân bay có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển và khả năng thu hút các nhà đầu tư.
Các cảng hàng không thuộc nhóm này được đề xuất định hướng chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển cảng theo hình thức đối tác PPP, trong đó có sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện hữu để tham gia Dự án.
“Sau khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện về Quy hoạch, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai các thủ tục theo quy định để tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển sân bay Liên Khương”, Bộ GTVT cho biết.
Cảng hàng không Liên Khương có cấp sân bay 4D, kết cấu hạ tầng chính bao gồm 01 đường cất hạ cánh kích thước 3.250m x 45m, sân đỗ máy bay đáp ứng 8 vị trí đỗ tàu bay code C; nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa đáp ứng công suất khoảng 3.000 tấn/năm.
Hiện nay có 5 hãng hàng không nội địa (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airway, Vietravel Airlines) và một số hãng hàng không quốc tế đang khai thác các đường bay thường lệ đi/đến sân bay Liên Khương.
Sản lượng hành khách thông qua sân bay Liên Khương trong năm 2019 đạt khoảng 2 triệu hành khách, 7.394 tấn hàng hóa; năm 2020 đạt 1,741 triệu hành khách, 5.595 tấn hàng hóa; năm 2021 đạt khoảng 0,952 triệu hành khách, 3.557 tấn hàng hóa.
Tập đoàn Hoà Phát cam kết đầu tư 4,3 tỷ USD vào Đắk Nông
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười vừa cho biết, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Tập đoàn Hòa Phát về đề xuất khảo sát đầu tư các Dự án của tập đoàn này.
Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; Nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm; địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung, Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song).
Đắk Nông có nhiều tiềm năng phát triển. |
Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát cũng đề xuất Dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/ năm và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.
Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là khoảng 4,3 tỷ USD.
Nếu được tỉnh Đắk Nông chấp thuận đầu tư, Tập đoàn Hòa Phát cam kết tập trung nguồn lực mạnh nhất để khởi công xây dựng, sớm đưa các tổ hợp của dự án vào vận hành trong thời gian nhanh nhất.
Theo tính toán của Tập đoàn Hòa Phát, Dự án tổ hợp Nhà máy tuyển Bô xít - Điện phân nhôm và Nhà máy Điện gió công suất 1.500 MW tại Đắk Nông khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá Tập đoàn Hòa Phát đã đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án tại tỉnh. Ông Hồ Văn Mười khẳng định, Đắk Nông có rất nhiều tiềm năng, nhưng chưa được khai thác xứng tầm. Vì vậy, Đắk Nông kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư. Quan điểm của Đắk Nông là đồng hành cùng nhà đầu tư, tháo gỡ mọi khó khăn để việc triển khai đầu tư được hiệu quả cao nhất.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cũng hoan nghênh quyết định đầu tư của Tập đoàn Hoà Phát vào tỉnh Đắk Nông.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu, ngay sau buổi làm việc, UBND tỉnh và các sở, ngành cùng Tập đoàn Hòa Phát bắt tay ngay vào việc xúc tiến các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, trên tinh thần dễ làm trước khó làm sau, không được bàn lùi, quyết tâm chính trị cao nhất để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.
Khẩn trương giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột
Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Khánh Hoà và Đắk Lắk khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn lực hoàn thành dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trong giai đoạn 2021-2025.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà.
Liên quan đến Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Thủ tướng yêu cầu để hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực liên kết phát triển giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, giữa vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hòa cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cơ bản theo nguyên tắc: các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh, Bộ GTVT hướng dẫn và giám sát quá trình triển khai thực hiện.
Hai địa phương Khánh Hoà và Đắk Lắk khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nguồn lực đảm bảo hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với số vốn còn thiếu để hoàn thành dự án, khoảng 7.200 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đắk Lắk rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh để cân đối, bố trí 1.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, giao Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ để cân đối, bố trí bổ sung cho dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí bổ sung từ các nguồn khác hoặc điều chỉnh từ các dự án chậm triển khai, nguồn dự phòng.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ công tác quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị để mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới.
Trước đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk có Công văn số 1532-CV/TU về việc đề nghị bố trí vốn ngân sách Trung ương đầu tư Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và giao tỉnh Đắk Lắk quản lý dự án đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk.
Theo Công văn này, để sớm triển khai và thực hiện đầu tư Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, với đặc thù của tỉnh còn nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho nhân dân các dân tộc của tỉnh, không thể cân đối ngân sách địa phương cho Dự án. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án từ nguồn đầu tư công 100% ngân sách Trung ương, khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng tổ chức thẩm định để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, dự án có điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Theo quy hoạch, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô 4 làn xe, chiều dài khoảng 117,5 km; trong đó, đoạn qua Khánh Hòa khoảng 32,7 km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km. Toàn tuyến dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm, gồm: Hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100 m, hầm Ea Trang khoảng 700 m và hầm Chư Te khoảng 700 m. Dự án được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng; dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.
Dự kiến, khi triển khai dự án, diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 353 ha, trong đó tỉnh Đắk Lắk 282 ha, Khánh Hòa 70,8 ha. Toàn tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm gồm: hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100 m, hầm Ea Trang dài khoảng 700 m và hầm Chư Te dài khoảng 700 m.
Bắt đầu xây dựng nghị định về thưởng, phạt tiến độ tại các dự án giao thông
Theo thông tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ký Quyết định số 770/QĐ – BKHĐT thành lập Ban soạn thảo Nghị định quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư, xây dựng Dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. |
Theo đó, Ban soạn thảo có nhiệm vụ tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo Nghị định theo quy trình rút gọn; thảo luận nội dung của dự thảo Nghị định, Tờ trình, văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức; bảo đảm các quy định của dự thảo Nghị định phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của các dự thảo với hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi của Nghị định.
Ban soạn thảo gồm 21 thành viên do ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban; các thành viên đến từ Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ tài chính và một số cơ quan tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trước đó, tại Thông báo số 46/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan có liên quan cân đối, bố trí đủ vốn Nhà nước trong nhiệm kỳ này cho các dự án theo đúng mục tiêu đề ra và quy định của pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao chủ trì xây dựng quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án (trong đó có dự án đường cao tốc) theo quy trình rút gọn; bảo đảm vừa khuyến khích sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, vừa phòng ngừa các vi phạm trong quá trình xây dựng và vận hành công trình, dự án.
Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức PPP theo hướng quy định phù hợp tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, tạo điều kiện thu hút tối đa các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và đường cao tốc nói riêng; nghiên cứu kỹ, kiên trì đề xuất tách các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng để góp phần thúc đẩy các dự án đầu tư, trong đó có việc thực hiện các dự án từ nguồn vốn đầu tư công.
TP.HCM mời gọi 48 dự án, trị giá 9,415 tỷ USD vào Hóc Môn và Củ Chi
Chiều 12/4, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố vừa trải qua một năm 2021 đầy cam go và thử thách chưa từng có với đại dịch Covid-19. Để có được bình yên hôm nay là nhờ có sự đoàn kết, chung sức, trên dưới một lòng, "nhất hô bá ứng", cả nước vì thành phố, doanh nghiệp vì cộng đồng, mọi người cùng nắm tay nhau vượt qua nghịch cảnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành bạn, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã từng sát cánh hỗ trợ, sẻ chia với lãnh đạo và người dân thành phố trong thời điểm khó khăn nhất.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, trong phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội, Thành phố đã có lúc chấp nhận tăng trưởng âm đến hơn 6% vào cuối năm 2021 - một con số chưa từng có trong lịch sử của Thành phố.
Kinh tế TP.HCM bắt đầu tăng trưởng dương gần 2% trong quý I/2022 cùng với 1 số chỉ tiêu vượt quan trọng đạt và vượt, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi.
“Có thể nói, điều đó đã chứng tỏ một sức mạnh, một tinh thần đoàn kết của niềm tin và ý chí, của trí tuệ và bản lĩnh của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nên nói và đồng thời cho biết hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay mang 3 ý nghĩa.
Một là, thực hiện thực hiện kế hoạch hành động của thành phố.
Hai là, thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội trước cử tri thành phố, đặc biệt là cử tri 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi trước khi ứng cử.
Ba là, tạo cơ hội để các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục sứ mệnh cam kết đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế thành phố.
“Như vậy, thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này là nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm thì làm đến nơi đến chốn”, ông Nên nói và đồng thời nhấn mạnh, đến với huyện Hóc Môn và Củ Chi, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công Dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Trình bày về định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi trong quy hoạch chung TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố cho biết, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là hai huyện ngoại thành có tổng diện tích khoảng 544ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của TP.HCM; là cửa ngõ kết nối Thành phố với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.
Tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (gọi tắt là Quyết định 24), định hướng phát triển không gian Thành phố đối với khu vực huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là theo hướng phụ phía Tây Bắc: lấy hành lang phát triển là tuyến Quốc lộ 22 với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Về phân vùng phát triển Thành phố, Quyết định 24 cũng xác định trong địa bàn 2 huyện các vùng phát triển đô thị tại các thị trấn, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc - nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn - được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc Thành phố.
Về trục phát triển, cả hai huyện này nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – Cách mạng tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan toả từ nội thành hiện hữu; tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh; có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn, thuận lợi phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng..., đặc biệt, từ cửa ngõ Hóc Môn ở các hướng theo các tuyến khác nhau về sân bay Tân Sơn Nhất đều ở cự ly khoảng 15km.
Đặc biệt, ở khía cạnh liên kết vùng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 22/12/2017, đã nhấn mạnh vai trò giữa TP.HCM với các địa phương thuộc các tiểu vùng xung quanh là mối liên kết giữa đô thị hạt nhân và các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển chuyên ngành.
Là mối quan hệ “cộng sinh” giữa “vùng công nghệ cao” với “vùng sản xuất công nghiệp” và “vùng nguyên liệu”, giữa “vùng phân phối, tiêu thụ sản phẩm” với “vùng sản xuất sản phẩm”. Do đó, điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố lần này cần đặt sự phát triển của Thành phố trong mối liên hệ chặt chẽ với các tỉnh trong vùng TP.HCM. Tính liên kết phải được chỉ ra ở các góc độ: liên kết về kinh tế; liên kết về phát triển các chức năng của đô thị; liên kết về giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với những điều kiện như vậy, định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của Thành phố về hướng Bắc - Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I (Vùng TP.HCM) phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài..., còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị.
"Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố", ông Nhã nói.
Trong đó, khu đô thị Tây Bắc dự kiến có sự điều chỉnh mô hình phát triển, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh, kết hợp phát triển hài hòa về không gian kiến trúc đô thị hiện đại giữa quy hoạch chức năng khu đô thị mới và chức năng chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hình thành một đô thị đa chức năng có môi trường sống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố hiện nay, các đề án đang được xây dựng như phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp, kinh tế dọc sông Sài Gòn, các hội thảo, diễn đàn đóng góp ý tưởng... được tổ chức đã đóng góp nhiều luận cứ, ý tưởng, giải pháp... quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nói chung và huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn nói riêng.
Thông qua Hội nghị, TP.HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD (tương đương 216,537 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9,302 tỷ USD, tương đương 213,942 nghìn tỷ đồng; 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng; 3 dự án công nghiệp; 15 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại – dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và cuối cùng là 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - văn hóa - thể thao.
Hà Tĩnh chi gần 100 tỷ đồng bảo dưỡng định kỳ hạ tầng giao thông
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra Quyết định 716/QĐ-UBND phân bổ nguồn kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn.
Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Tĩnh, công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến đường bộ và đường thủy nội địa địa phương góp phần tạo thuận lợi cho phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông ở Hà Tĩnh.
Tuyến đường nối cảng Vũng Áng với Khu liên hợp gang thép Formosa xuống cấp trầm trọng |
Tổng nguồn kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa của Hà Tĩnh với số tiền 81,37 tỷ đồng, được trích từ nguồn kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương và kinh phí bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa địa phương, cấp hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Đây là các thông tin vừa được lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Hà Tĩnh cho hay.
Trong số tiền 81,37 tỷ đồng, có 26,057 tỷ là kinh phí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên 4.083 km (đường bộ 3.996 km, đường thủy nội địa 87 km), còn 55,313 tỷ đồng là kinh phí dành cho việc sửa chữa định kỳ 3.807,9 km các tuyến đường tỉnh và đường cấp huyện, cấp xã.
Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên, 11,17 tỷ đồng được phân bổ cho tuyến đường cấp tỉnh (đường bộ 10,126 tỷ đồng; đường thủy nội địa 1,044 tỷ đồng), đường thuộc khu kinh tế tỉnh 331 triệu đồng và tuyến đường cấp huyện, xã là 14,556 tỷ đồng.
Với công tác sửa chữa định kỳ, Hà Tĩnh dành 29,759 tỷ đồng sửa chữa 171,17 km các tuyến đường tỉnh và 25,554 tỷ đồng thực hiện sửa chữa 3.636,73 km các tuyến đường cấp huyện, cấp xã (1.092,67 km đường cấp huyện và 2.544,05 km đường trục xã).
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao trách nhiệm cho Sở tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện giải ngân nguồn kinh phí kịp thời, đúng quy định.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh nhiều tuyến đường xuống cấp, nhếch nhác, chậm sữa chữa gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện giao thông lưu thông và người dân sống quang khu vực.
Cụ thể, một số tuyến đường liên tỉnh, liên huyện như: Tuyến đường trục xã Xuân Hải đoạn nối từ đường ĐT.546 đến đường ven biển (đường ĐT.547) có chiều dài khoảng 620m. Con đường này là tuyến giao thông đi lại, phục vụ việc sản xuất của người dân thôn Trung Vân và Dương Phòng (xã Xuân Hải).
Đây cũng là đường dẫn vào Trường Mầm non Xuân Hải và Trường Tiểu học Xuân Hải nên hằng ngày có nhiều phương tiện lưu thông.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện nay đoạn đường đã bong tróc lớp thảm nhựa, “ổ gà" dày đặc, gây khó khăn cho hoạt động đi lại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo người dân địa phương, tình trạng đường hư hỏng nặng đã hơn 3 năm nay.
Hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn giao thông cũng đang là thực trạng báo động tại tuyến đường dài 4,2 km nối cảng Vũng Áng với Khu liên hợp gang thép Formosa.
Đây là đoạn đường thuộc QL 12C - là tuyến đường bộ cấp quốc gia chạy qua hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Điểm đầu tuyến là cảng Vũng Áng, điểm cuối tuyến giao với đường Hồ Chí Minh tại km 879+800.
Đây là tuyến mới xây dựng trên cơ sở mở rộng và nâng cấp một phần tỉnh lộ đã có, nhằm rút ngắn lộ trình từ cảng Vũng Áng tới Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.
Đoạn đường từ cảng Vũng Áng đến Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh có chiều dài 4,2 km đi qua địa bàn xã Kỳ Lợi được đưa vào sử dụng từ năm 2013. Tuy nhiên, sau khoảng 9 năm đưa vào sử dụng thì tuyến đường đã “nát như tương” mặc dù đã được sửa chữa nhiều lần.
Gần 17 tỷ USD sẽ đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi diễn ra vào ngày 12/4, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể:
TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn với tổng giá trị gần 17 tỷ USD. Ảnh: Trọng Tín |
Trao 10 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD (tương đương 8.489 tỷ đồng). Trong đó:
1. Trao 4 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giữa Ban Quản lý Các khu Công nghiệp và Khu chế xuất Thành phố với các công ty: Công ty TNHH Logos Việt Nam TP.HCM về việc đầu tư Dự án Logos Logistics HCM có tổng vốn đầu tư 130 triệu USD (tương đương 2.990 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Bakersfield Enterprises về việc đầu tư dự án Logos Logistics HCM 2 có tổng vốn đầu tư 39 triệu USD (tương đương 897 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Fresno Industry về việc đầu tư dự án Logos Logistics HCM 3 có tổng vốn đầu tư 28 triệu USD (tương đương 644 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Blue Planet Distribution Centre về việc đầu tư dự án Blue Planet DC có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD (tương đương 1.840 tỷ đồng).
2. Trao 6 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM với các công ty: Công ty Vanila Studio Co., Ltd với dự án thành lập Công ty TNHH Vani Studio Việt Nam có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD (tương đương 460 tỷ đồng); Công ty TNHH Muji Việt Nam với dự án Siêu thị Muji tại Crescent Mall có tổng vốn đầu tư 4 triệu USD (tương đương 92 tỷ đồng); Royal Auto Service Inc. với dự án Đại lý xe ô tô Mitsubishi có tổng vốn đầu tư 2,7 triệu USD (tương đương 62,4 tỷ đồng); Công ty TNHH Servier (Việt Nam) với dự án thành lập Công ty TNHH Servier (Việt Nam) có tổng vốn đầu tư 33,4 triệu USD (tương đương 768 tỷ đồng); Công ty TNHH Social Bella Việt Nam với dự án thành lập Công ty TNHH Social Bella Việt Nam có tổng vốn đầu tư 8 triệu USD (tương đương 184 tỷ đồng) và Công ty TNHH Bánh Ngọt CJ Việt Nam với dự án thành lập Công ty TNHH Bánh ngọt CJ Việt Nam có tổng vốn đầu tư 24 triệu USD (tương đương 552 tỷ đồng).
Trao 39 Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng) giữa:
1. Sở Tài nguyên Môi trường và Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) về việc đầu tư Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng trị giá khoảng 224 triệu USD (5.152 tỷ đồng).
2.UBND huyện Hóc Môn và Tập đoàn Sovico về việc đầu tư (i) Xây dựng khu đô thị mới và sân golf; (ii) Khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái (45 ha, mặt tiền quốc lộ 22); (iii) Khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái (86 ha); (iv) Khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái, bệnh viện quốc tế.
3. UBND huyện Hóc Môn và Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam về Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hóc Môn trị giá 250 triệu USD (tương đường 5.750 tỷ đồng).
4. UBND huyện Hóc Môn và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị TDH ECOLAND về việc Xây dựng khu đô thị sinh thái.
5. UBND huyện Hóc Môn và Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) vê việc đầu tư Dự án xây dựng khu đô thị mới, dịch vụ thương mại kết hợp du lịch giải trí trị giá 1,880 tỷ USD (tương đương 43.240 tỷ đồng).
6. UBND huyện Hóc Môn và Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh BĐS Hà An (Đất Xanh Group) về việc đầu tư Dự án Khu dân cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ trị giá 480 triệu USD (tương đương 11.040 tỷ đồng).
7. UBND huyện Hóc Môn và Công ty Văn Phú Invest về việc đầu tư Dự án khu đô thị mới trị giá 240 triệu USD (tương đương 5.520 tỷ đồng).
8. UBND huyện Hóc Môn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa Ốc Cát Tường về việc đầu tư Dự án Xây dựng khu dân cư trị giá 65 triệu USD (tương đương 1.495 tỷ đồng).
9. UBND huyện Hóc Môn và Công ty TNHH Hyundai E&C Vina về việc xây dựng khu dân cư đô thị mới - Thị trấn Hóc Môn và Khu dân cư đô thị xã Xuân Thới Sơn.
10. UBND huyện Hóc Môn và Tập đoàn Công nghệ viễn thông quân đội (Viettel) (trị giá 154 triệu USD, tương đương 3.535 tỷ đồng); Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) (trị giá 13,5 triệu USD, tương đương 310 tỷ đồng); Tổng Công ty viễn thông Mobifone (trị giá 14,2 triệu USD, tương đương 326,5 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC về việc Đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy các mục tiêu chuyển đổi số của huyện Hóc Môn.
11. UBND huyện Củ Chi và Tập đoàn Sovico về việc đầu tư: (i) Dự án Công viên Sài Gòn Safari; (ii) Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn xã Phú Mỹ Hưng – Phân khu 1, quy mô: 335,15 ha; (iii) Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn xã An Phú – Phân khu 2, quy mô 575 ha; (iv) Khu công nghiệp kỹ thuật cao, khu cảng sông và logistics, quy mô 420 ha; (v) Khu nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 350 ha; (vi) Khu làng nghề hoa, cây kiểng, cá cảnh, quy mô 509 ha; (vii) Khu Trung tâm thương mại, quy mô 12,29 ha.
12. UBND huyện Củ Chi và Quỹ đầu tư CMIA Capital Partners về việc đầu tư Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn xã Trung An (phân khu 7) trị giá khoảng 1,1 tỉ USD (25.300 tỷ đồng).
13. UBND huyện Củ Chi và Công ty TNHH Aeon Việt Nam về Phát triển hệ thống thương mại.
14. UBND huyện Củ Chi và Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil về đầu tư Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn (10 phân khu); Khu Trung tâm thương mại huyện Củ Chi trị giá 83,86 triệu USD (tương đương 1.929 tỷ đồng).
15. UBND huyện Củ Chi và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược.
16. UBND huyện Củ Chi và Tập đoàn Công nghệ viễn thông quân đội (Viettel) (trị giá 154 triệu USD, tương đương 3.535 tỷ đồng); Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) (trị giá 13,5 triệu USD, tương đương 310 tỷ đồng); Tổng Công ty viễn thông Mobifone (trị giá 14,2 triệu USD, tương đương 326,5 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC về việc Đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy các mục tiêu chuyển đổi số của huyện Củ Chi.
17. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Công ty Nova Consumer về đầu tư Xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm ứng dụng công nghệ cao trị giá 9,4 triệu USD (217 tỷ đồng).
18. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Công ty TNHH San Hà về đầu tư Xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm ứng dụng công nghệ cao trị giá 6 triệu USD (138 tỷ đồng).
19. Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh về đầu tư xây dựng Khu dân cư 6-4 trị giá 87 triệu USD (2.000 tỷ đồng).
20. Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang về đầu tư Khu Đô thị Giáo dục trị giá 652 triệu USD (15.000 tỷ đồng).
21. Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao và Công ty TNHH HM.Clause Việt Nam về đầu tư Dự án phát triển công nghệ cao trong nghiên cứu hạt giống rau củ quả. Lĩnh vực đầu tư: nông nghiệp công nghệ cao trị giá 4,5 triệu USD (103,5 tỷ đồng).
22. Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao và Công ty Cổ phần Cuộc Sống Tốt Lành (Goodlife) về Tìm kiếm mặt bằng mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ trái cây Việt Nam trị giá 5 triệu USD (115 tỷ đồng).
Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha thuộc 2 huyện: Vạn Ninh và Ninh Hoà.
Vân Phong trở thành vùng động lực phát triển
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao.
Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo mô hình phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến; nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển.
Kinh tế biển là nền tảng
Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.
Đến năm 2050 đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, bền vững, bản sắc, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là khu vực đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao và hạnh phúc; là một khu kinh tế có tính cạnh tranh cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trên cơ sở rà soát, kế thừa các yếu tố hợp lý của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 17/3/2014; phân tích đánh giá các định hướng chiến lược của quốc gia và tỉnh Khánh Hòa đối với khu vực Vân Phong nhằm khai thác phát triển tối ưu các quỹ đất, tiềm năng phát triển từng khu vực; đề xuất các khu chức năng, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hợp lý cho khu kinh tế.
Nội dung nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng và làm rõ một số nội dung sau: Đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng; phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển; đề xuất mô hình phát triển và chiến lược phát triển Khu kinh tế Vân Phong.
Hà Tĩnh đeo bám tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tuyệt đối không để xây dựng, cơi nới các công trình để chờ đền bù; người đứng đầu xã, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong phạm vi Dự án.
Theo ông Võ Trọng Hải, Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc của địa phương đang triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn Bãi Vọt – Kỳ Anh, tổ chức rà soát các nội dung phục vụ công tác chuẩn bị triển khai dự án.
Xây mới 14 khu tái định cư
Đặt mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023, Hà Tĩnh đang gấp rút gấp rút triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh.
Cụ thể, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn Hà Tĩnh gồm có 4 dự án thành phần, được thực hiện qua 2 giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025.
Theo lãnh đạo Hà Tĩnh, trong giai đoạn 2017-2020, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt với chiều dài đoạn tuyến qua huyện Đức Thọ là 4,84 km. Tới thời điểm này, Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cũng như các công việc liên quan và bàn giao cho chủ đầu tư triển khai.
Ở giai đoạn 2021-2025, có 3 dự án thành phần đi qua Hà Tĩnh với tổng chiều dài 102,5 km (gồm đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 34,5 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 55 km; đoạn Vũng Áng - Bùng dài 58 km, trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh dài 13 km) đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã là: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh. Tổng mức đầu tư của 3 dự án thành phần này là 20.230 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh sẽ có 6 làn xe với vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h.
Theo tính toán của các ngành chức năng tỉnh này, để triển khai Dự án đoạn Bãi Vọt – Vũng Áng, Hà Tĩnh có khoảng 900 ha đất bị ảnh hưởng, di dời 600 hộ dân, 950 ngôi mộ, xây dựng mới 14 khu tái định cư, chuyển mục đích sử dụng 30,81 ha đất rừng phòng hộ, 144,65 ha đất rừng sản xuất; 355,4 ha đất trồng lúa 2 vụ trở lên. Kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ước tính 3.900 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ đạo triển khai giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc-Nam tỉnh Hà Tĩnh, hiện các địa phương liên quan dự án đã thành lập hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, tiếp nhận hồ sơ, mốc giải phóng mặt bằng thực địa giai đoạn 1 của dự án để kiểm đếm, xác định nhu cầu về tái định cư, di dời nghĩa trang, di dời đường điện, viễn thông và các công trình khác.
Đồng thời, tiến hành rà soát quỹ đất của địa phương, trên cơ sở các quy hoạch liên quan, đề xuất các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB dự án.
Chuyển đổi hơn 100 ha đất rừng phục vụ Dự án
Theo rà soát của đơn vị tư vấn giám sát (Bộ Giao thông - Vận tải), để phục vụ thi công dự án đoạn qua Hà Tĩnh thì nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại 3 dự án thành phần là 100,85 ha (3,32 ha rừng tự nhiên và 97,53 ha rừng trồng).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho hay, kết quả kiểm tra cho thấy nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng ở Hà Tĩnh để thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua tỉnh là hơn 100 ha.
Cụ thể, đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi cần chuyển đổi 2,23 ha đất rừng tại xã Quang Lộc (Can Lộc). Đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng cần chuyển đổi 59,42 ha đất rừng tại các xã Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) và Kỳ Phong, Kỳ Trung, Kỳ Văn, Kỳ Tân (Kỳ Anh). Đoạn Vũng Áng – Bùng cần chuyển đổi 39,2 ha đất rừng tại xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh).
“Đơn vị đã báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ, đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án cho tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã có hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt thông tin.
Để đảm bảo tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã có chỉ đạo, các địa phương thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng; kiểm đếm sơ bộ khối lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không xây dựng công trình, vật kiến trúc, trồng cây lâu năm trong phạm vi hướng tuyến cũng như thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, thường xuyên kiểm tra, tuần tra, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải tham mưu UBND tỉnh văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng cho các huyện, thị xã có tuyến cao tốc đi qua.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn cho các địa phương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án…
Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Lai Châu làm chủ dự án hầm đường bộ Hoàng Liên
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 327/TTg – CN gửi UBND tỉnh Lai Châu về việc đầu tư Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan chủ quản Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (bao gồm cả phần trên địa bàn tỉnh Lào Cai) như đề xuất của tỉnh này.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Lai Châu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, cơ quan và triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Vào giữa tháng 2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã có công văn số 399/UBND – KTN gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Tại văn bản 399, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh này đầu tư Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bằng nguồn vốn do tỉnh này quản lý.
Dự án này sẽ bao gồm tuyến hấm và đường dẫn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi với tổng chiều dài tuyến khoảng 8,8 km, trong đó chiều dài hầm 2,5 km, đường dẫn và cầu dài 6,3 km.
Điểm đầu Dự án tại Km78, Quốc lộ 4D, điểm cuối thuộc địa phận tỉnh Lào Cai (dự kiến kết thúc tại điểm đấu nối vào trục đường D1 theo quy hoạch chi tiết Khu dân cư tổ 13, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa).
Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.300 tỷ đồng dự kiến được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 – 2025 trị giá 2.500 tỷ đồng đã giao cho tỉnh Lai Châu và vốn ngân sách địa phương tự cân đối là 800 tỷ đồng.
Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan chủ trì quản lý Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Lai Châu nghiên cứu, rà soát và chịu trách nhiệm toàn diện đối với phương án đầu tư của Dự án hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và triển khai Dự án trên cơ sở đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành liên quan, nhất là đối với các nội dung về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, xây dựng...
Do đây là dự án có tính liên kết vùng, đã được Thủ tướng thông báo dự kiến mức vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.500 tỷ đồng, vì vậy Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị UBND tỉnh Lai Châu thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, UBND tỉnh Lai Châu phải "Bố trí vốn ngân sách trung tương tối thiểu bằng mức vốn được thông báo đối với các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển; trường hợp bố trí vốn thấp hơn, phần chênh lệch nộp trả về ngân sách trung ương; bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đền bù, GPMB và phần còn thiếu so với tổng mức đầu tư được duyệt để hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án", đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành liên quan.
Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên được đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông giữa tỉnh Lai Châu với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; giảm thiểu nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 4D, đặc biệt trong điều kiện là sương mù vào mùa đông, sạt trượt trong mùa mưa lũ; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Tiền Giang: Gần 200 tỷ đồng nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2
UBND tỉnh Tiền Giang vừa có Quyết định số 1017/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2).
Dự án được thực hiện tại xã Phước Kiểng và Tân Điền, huyện Gò Công Đông, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm chủ dự án, với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Các hạng mục đầu tư của dự án gồm: Xây dựng đê giảm sóng; nâng cấp kè rọ đá; nâng cấp sửa chữa cống dưới đê và nạo vét luồng tàu.
Đê biển Gò Công |
Cụ thể, dự án sẽ xây dựng dựng tuyến đê giảm sóng có chiều dài 5.421 m với cao độ tường đỉnh đê giảm sóng là +2,3 m; kết cấu đê giảm sóng là kết cấu rỗng bằng cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn M600. Nâng cấp 320 m đoạn kè rọ đá bảo vệ bãi rác Phước Kiểng; nâng cấp sửa chữa ống cống dưới đê nhánh 2 và nhánh 3. Đồng thời, nạo vét tuyến luồng ngoài biển phục vụ vận chuyển cấu kiện vào vị trí công trình nạo vét, với khối lượng nạo vét khoảng 10.399 m3.
Đây là công trình mang lại hiệu quả lớn trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển Gò Công, tăng cường tính ổn định, bảo vệ vững chắc và lâu dài tuyến đê biển hiện hữu, góp phần nâng cao khả năng ngăn triều cường, phòng, chống lụt bão, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng. Đồng thời, tạo tuyến giao thông phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng trong khu vực ven biển Gò Công.
Quảng Trị lên phương án “chốt mặt bằng” để triển khai Dự án mở rộng Quốc lộ 9
Ngày 15/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Trị vừa có cuộc làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam về công tác giải phóng mặt bằng Dự án Nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1.
Cụ thể, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng vốn dư Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam, vay vốn từ ngân hàng Thế giới, thời gian thực hiện 2021 – 2022.
Tuyến đường có tổng chiều dài 13,8 km; điểm đầu tại cảng Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, điểm cuối giao với Quốc lộ 1 tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ. Quy mô nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, quy mô 4 làn xe và có thời gian thực hiện từ 2021 – 2022.
Tổng mức đầu tư Dự án là 19,05 triệu USD, tương đương 440,38 tỷ đồng, trong đó, từ vốn vay IDA dư của WB là 16,75 triệu USD, tương đương 387,31 tỷ đồng (từ nguồn vốn IDA dư của Dự án VRAMP) và vốn đối ứng là 53,07 tỷ đồng, tương đương 2,3 triệu USD (từ nguồn vốn đối ứng dư của Dự án VRAMP).
Trong đó, kinh phí dự kiến để giải phóng mặt bằng hơn 75 tỷ đồng; diện tích bị ảnh hưởng khoảng 512.527 m2 với 807 hộ dân.
Trong tháng 1 và 2/2022, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các huyện Gio Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà tổ chức kiểm kê tài sản, đạt 70% khối lượng công việc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do phạm vi giải phóng mặt bằng lớn (cọc giải phóng mặt bằng cắm từ 35 – 45 m, trong khi đó chủ trương HĐND tỉnh duyệt 28 m), vì vậy, dự kiến kinh phí dành cho hoạt động này sẽ tăng hơn nhiều so với tổng mức ban đầu.
Trước lý do này, ngày 7/4/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Văn bản số 1487/UBND-KT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị điều chỉnh tim tuyến đường đoạn qua các khu đông dân cư bám theo tim đường cũ với mục tiêu phạm vi giải phóng mặt bằng đúng theo chủ trương đã được HĐND tỉnh này phê duyệt.
Cũng theo báo cáo từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị, kể từ khi có chủ trương điều chỉnh giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đến nay, đơn vị đã tích cực phối hợp với các huyện Gio Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà và đã hoàn thành cắm cọc phục vụ giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 (13,8 km), đo đạc lại thu hồi đất cho toàn tuyến, điều chỉnh thông báo thu hồi đất, ký quy chủ và xác định nguồn gốc đất.
Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự kiến 335,486 tỷ đồng (theo cọc cắm từ 35 – 45m) và khoảng 286,158 tỷ đồng khi giá đất bồi thường lấy theo Quyết định số 49/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019.
Kinh phí này được cơ quan chức năng tính toán là tăng lên thêm 20% nhân với hệ số giá đất cụ thể tăng bình quân 5 lần; khoảng 167,319 tỷ đồng khi giá đất bồi thường lấy theo Quyết định số 49/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019.
Trong đó, diện tích đất bị ảnh hưởng giai đoạn 1 là 452.206 m2/1.133 thửa; tổng số hộ dân bị ảnh hưởng 877 hộ; tổng số nhà bị ảnh hưởng (nhà 1 tầng trở lên) 66 nhà; số nhà tái định cư là 20 nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị, trong quá trình giải phóng mặt bằng, các đơn vị liên quan cần tính toán được quy mô hướng tuyến để phù hợp với kế hoạch đầu tư, đáp ứng hài hòa mục tiêu dự án và công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, các huyện Gio Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà sớm hoàn tất công tác kiểm kê, áp giá.
“Phải có thống kê số liệu và đơn giá cụ thể cho từng loại đất, hạng mục phải GPMB; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác GPMB. Không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến công tác GPMB”, ông Võ Văn Hưng cho hay.
Trước đó, ngày 21/3 tại xã Thanh An (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ động thổ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các đơn vị liên quan xem xét điều chỉnh công tác GPMB theo hướng hạn chế thấp nhất tổng mức bồi thường.
Quảng Trị cũng yêu cầu có phương án kỹ thuật tối ưu để có thể thực hiện mở rộng một số cây cầu cũ về 2 phía trong trường hợp không nhất thiết phải xây cầu mới; ưu tiên bám theo dự án đã được phê duyệt là 28 m. Đồng thời khẳng định, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung mọi nguồn lực, đưa ra các giải pháp tốt nhất để dự án triển khai và hoàn thiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sớm xây dựng bảng giá đất theo hướng tăng lên 20% để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt, ban hành.
Địa phương cũng mong muốn Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kết nối với UBND tỉnh để kịp thời giải quyết các vấn đề, nội dung công việc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, ông Quang cho hay.
Hơn 20 nhà đầu tư Hàn Quốc đang nhắm Hải Phòng cho khoản đầu tư 2-4 tỷ USD
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 – 22/12/2022), chiều 15/4, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA) đã phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022 với chủ đề “Hải Phòng - điểm đến thành công”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: “Sự hấp dẫn của điểm đến Hải Phòng không chỉ của riêng Hải Phòng, bởi Hải Phòng là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cửa ngõ của Việt Nam và bởi Hải Phòng sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh”.
Theo ông Hoàng, các Dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc đều hướng tới công nghệ tiên tiến, rất phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam và sự năng động của Hải Phòng. Đó là cơ duyên 2 bên bổ sung, tương trợ cho nhau, nên các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có các quyết định đầu tư rất nhanh, từ đó đóng góp vào ngân sách và an sinh xã hội của TP. Hải Phòng.
Tính đến ngày 31/03/2022, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn TP. Hải Phòng có 102 dự án đầu tư từ Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư hơn 8,5 tỷ USD, chiếm 43,7% tổng vốn đầu tư FDI vài các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tổng thu hút đầu tư FDI toàn các khu công nghiệp, khu kinh tế là 19,47 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 36,6% tổng vốn đầu tư FDI của TP. Hải Phòng. Các dự án chủ yếu tập trung vào ngành điện tử, ô tô như sản xuất các sản phẩm, linh kiện điện - điện tử; linh kiện, phụ tùng ô tô; máy móc, thiết bị và các sản phẩm từ plastic...
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban HEZA cho biết, trong số các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đến với Hải Phòng, nổi bật nhất phải kể đến Tập đoàn LG, với 7 dự án tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Các dự án này đều là các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao (thiết bị nghe nhìn, di động, gia dụng và điện lạnh nhằm cung cấp cho thị trường toàn cầu).
Cả 7 dự án của LG có tổng vốn đầu tư đạt 7,24 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,9% tổng vốn đầu tư FDI vào Khu công nghiệp Tràng Duệ. Đáng nói là mạng lưới các dự án vệ tinh, sản xuất phụ trợ của LG được hình thành với khoảng hơn 50 doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp Tràng Duệ có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
“Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG đã tạo ra nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố, thúc đẩy hiện đại hóa ngành công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài cùng với các doanh nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất và phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ; đồng thời giải quyết nhu cầu việc làm lớn của thành phố, duy trì thu nhập ổn định cho người lao động”, ông Kiên khẳng định.
Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc đạt 13,1 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt 13,59 tỷ USD (trong đó, hệ sinh thái của LG đã là 12,4 tỷ USD); giá trị nhập khẩu đạt 12,13 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 3.249,02 tỷ đồng, tương đương 142 triệu USD (riêng hệ sinh thái của LG đã đóng góp hơn 95,3 triệu USD).
Tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc khoảng 40.940 người. Trong đó, có 39.230 lao động Việt Nam và 1.710 lao động nước ngoài; thu nhập bình quân khoảng 10.500.000 đồng/người/tháng.
Dự kiến, trong năm 2022, tổng số nhà đầu tư Hàn Quốc có nhu cầu về mặt bằng mà Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cùng các công ty đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đang tiếp cận, trao đổi thông tin là hơn 20 nhà đầu tư, với tổng nhu cầu khoảng 200ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2- 4 tỷ USD, tạo thêm 10.000 - 12.000 việc làm.
Hải Phòng hiện có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (tổng diện tích 22.540 ha) nằm trong 5 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia và 25 khu công nghiệp theo quy hoạch (tổng diện tích 12.702 ha). Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, đô thị công nghiệp, thương mại, du lịch hiện đại, trở thành động lực phát triển của Hải Phòng và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là cửa ngõ hội nhập của Việt Nam.
Hải Phòng có 12 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, trong đó có 8 khu nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 5.230 ha. Trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến sẽ triển khai xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 6.200 ha. Đây sẽ nguồn mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư đến với Hải Phòng.
Tại sự kiện, HEZA đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào Hải Phòng; lắng nghe các ý kiến trao đổi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án vào khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ông Min Moon Ki, Tùy viên Thương mại, Đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, năm 2022, Chính phủ 2 nước sẽ nâng khuôn khổ hợp tác lên tầm toàn diện và Hải Phòng sẽ có những đóng quan trọng trong mối quan hệ này.
“Năm nay, chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam với số vốn lớn, công nghệ tiên tiến. Hải Phòng là địa phương có lợi thế gần Hà Nội, có hạ tầng phát triển, nên các nhà đầu tư luôn ưu tiên xem xét về điểm đến Hải Phòng”, ông Min Moon Ki chia sẻ.
Hội nghị đã chứng kiến nhiều thỏa thuận được ký kết.
Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư và dịch vụ việc làm Khu kinh tế Hải Phòng và ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hải Phòng về việc hợp tác cung cấp dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính cho các dự án, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn Thành phố.
Biên bản ghi nhớ giữa Khu công nghiệp Deep C và Công ty TNHH LogisValley HTNS về việc nghiên cứu lắp đặt mái pin năng lượng mặt trời.
Trung tâm hậu cần LogisValley HTNS Hải Phòng là trung tâm lưu thông tối ưu phản ánh nhu cầu của khách hàng bằng cách kết hợp KNOW-HOW. Vận hành trung tâm lưu thông là Hanaro TNS - một công ty vật liệu tổng hợp dựa trên giải pháp công nghệ thông tin logistic tiêu biểu của Hàn Quốc.
Trung tâm hậu cần LogisValley HTNS Hải Phòng có diện tích xây dựng 39,755 m2 và diện tích kho lạnh 19,877m2. Kho đang được xây dựng và dự kiến cho thuê từ tháng 7/2022 sau khi hoàn thành vào cuối tháng 6/2022
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban HEZA đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho Công ty TNHH Halla Electronics Vina - KCN Tràng Duệ với số vốn tăng thêm là 30 triệu USD.
Quảng Ngãi điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ngân sách Trung ương của 3 dự án
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp, UBND huyện Lý Sơn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư tại quyết định đầu tư một số dự án.
Đó là Dự án Trung tâm Y tế dân quân y kết hợp huyện Lý Sơn; Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn II); Dự án Các tuyến đường trục vào Khu công nghiệp nặng Dung Quất phía Đông.
Cụ thể, Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn II) được điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ngân sách Trung ương trong tổng mức đầu tư tại Quyết định đầu tư thành 319,200 tỷ đồng (bằng lũy kế vốn ngân sách Trung ương bố trí).
Dự án các tuyến đường trục vào khu công nghiệp nặng Dung Quất phía Đông được điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ngân sách Trung ương trong tổng mức đầu tư tại Quyết định đầu tư thành 95 tỷ đồng (bằng lũy kế vốn ngân sách Trung ương bố trí).
Dự án Trung tâm Y tế dân quân y kết hợp huyện Lý Sơn được điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ngân sách Trung ương trong tổng mức đầu tư tại Quyết định đầu tư thành 189,990 tỷ đồng (bằng lũy kế vốn ngân sách Trung ương bố trí).
Kết quả thực hiện hoàn thành trước 20/4/2022. UBND tỉnh yêu cầu báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để đảm bảo điều kiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Giao thông và Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng tích cực phối hợp với các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục điều chỉnh Quyết định đầu tư các dự án theo đúng quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Trung ương theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chính phủ xem xét chuyển sân bay Đồng Hới thành Cảng Hàng không quốc tế
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2343/VPCP-CN ngày 15/4/2022 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về quy hoạch Cảng Hàng không Đồng Hới.
Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch Cảng Hàng không Đồng Hới.
Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Bình tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; chủ động nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ đi/đến Cảng Hàng không Đồng Hới; làm việc với Bộ Giao thông vận tải khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển thành Cảng Hàng không quốc tế.
Cảng Hàng không Đồng Hới. Ảnh: baoquangbinh.vn |
Sân bay Đồng Hới được thành lập vào tháng 4/2008, phục vụ máy bay Airbus A320, A321 trở xuống, đáp ứng 2 chuyến bay tại cùng một thời điểm. Hiện sân bay Đồng Hới có 5 hãng Hàng không trong nước khai thác 3 đường bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP Hồ Chí Minh và Đồng Hới - Hải Phòng và một đường bay quốc tế thường lệ Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng tiêu chí để chuyển cảng hàng không quốc nội thành cảng hàng không quốc tế nhằm đảm bảo tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch.
Cảng Hàng không quốc tế phải đặt tại trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch quốc gia; có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của vùng, địa phương. Có nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ, ổn định; xây dựng được đường bay và phương thức bay, xác định được vùng trời phục vụ khai thác các chuyến bay quốc tế; thiết lập được đầy đủ cơ sở để thực hiện thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, y tế công cộng, kiểm dịch và các thủ tục khác có liên quan.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, qua đánh giá, tư vấn xác định Cảng Hàng không Đồng Hới là Cảng Hàng không quốc nội trong hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Hồ sơ quy hoạch đã xác định Cảng Hàng không Đồng Hới được phép khai thác chuyến bay quốc tế theo quy định tại Điều 80 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Khi tần suất các chuyến bay quốc tế tại Cảng Hàng không Đồng Hới tăng dẫn đến nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ tăng (trung bình khoảng 3 - 5 chuyến/tuần), Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển Cảng Hàng không Đồng Hới thành Cảng Hàng không quốc tế, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ.
Đầu tư gần 3.249 tỷ đồng cho Dự án đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 Hà Nội
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 (Hà Nội).
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 2.535.141 triệu đồng lên thành 3.248.668 triệu đồng. Nguồn vốn từ ngân sách thành phố Hà Nội.
Đồng thời, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2025.
Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 141/QĐ-TTg ngày 21/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện đối với kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về thông tin số liệu báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; chịu trách nhiệm bố trí vốn đầy đủ và kịp thời theo đúng quy định hiện hành, triển khai thực hiện và hoàn thành Dự án đúng theo tiến độ được phê duyệt; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí.
Dự án trên được thực hiện nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm thành phố Hà Nội.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Tây Ninh triển khai Dự án cao tốc Gò Dầu – Xa Mát
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công văn số 346/TTg – CN gửi UBND tỉnh Tây Ninh và Bộ Giao thông - Vận tải về cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát.
Theo đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tố Gò Dầu – Tây Ninh như đề xuất của tỉnh này và ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm cân đối từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh để tham gia đầu tư Dự án; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải triển khai Dự án theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư.
Vào cuối tháng 12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã có Tờ trình số 4285/UBND – TTr gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến TP. Tây Ninh trong giai đoạn 2021 – 2030).
Theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Thủ tướng giao cho UBND tỉnh này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai.
“Việc triển khai sớm Dự án nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc” đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, đồng thời khai thác có hiệu quả tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài sau khi đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết.
Theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (CT.32), chiều dài khoảng 65 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Đây là trục giao thông chính chạy dọc từ Bắc xuống Nam của tỉnh Tây Ninh, kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (tuyến đang được TP.HCM và tỉnh Tây Ninh phối hợp thực hiện, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2025).
Tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát khi hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông kết nối Tây Ninh (các khu vực TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên) và các cửa khẩu phía Bắc của tỉnh Tây Ninh (bao gồm 2 cửa khẩu quốc tế: Xa Mát, Tân Nam, 2 cửa khẩu chính: Chàng Riệc, Kà Tum và nhiều cửa khẩu phụ) với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khẳng định, việc nghiên cứu và đầu tư sớm tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả nước, của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1 có điểm đầu giao với đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài; điểm cuối khoảng Km27+820 giao với đường 781, thuộc địa phận xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu với tổng chiều dài 27,82 km. Tuyến đi qua địa phận các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu và thị xã Hoà Thành. Quy mô đầu tư mặt cắt ngang giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường là 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 5.159 tỷ đồng. Trong đó, phân theo chi phí, gồm có: Chi phí xây dựng, thiết bị 3.057 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng 367 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 1.062 tỷ đồng; chi phí dự phòng 673 tỷ đồng.