Quốc tế
Đầu tư nước ngoài vào Mỹ giảm mạnh
Đông Phong - 07/07/2023 14:37
Bất ổn kinh tế và chi phí đi vay gia tăng khiến các công ty cắt giảm đầu tư vào thị trường Mỹ, theo báo cáo của Liên hợp quốc.
Số lượng các giao dịch mua bán và sáp nhập xuyên biên giới sụt giảm vì những lo ngại về pháp lý hoặc chính trị đã tăng 1/3 kể từ năm 2021. Ảnh: AFP

Tuy vậy, Mỹ vẫn là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư ra nước ngoài trong năm 2022. Đầu tư nước ngoài vào Mỹ đã giảm còn 285 tỷ USD trong năm 2022, từ mức 388 tỷ USD của năm 2021, theo Báo cáo đầu tư thế giới vừa được Hội nghị thương mại và phát triển thuộc Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố.

Mỹ có thể đón dòng vốn ngoại nhiều hơn trong thời gian tới khi các công ty nước ngoài tận dụng cơ hội từ Đạo luật giảm lạm phát (IRA), trong đó cung cấp các khoản trợ cấp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng từ các nguồn tái tạo. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết còn quá sớm để đánh giá tác động của đạo luật trong báo cáo đầu tư lần này.

Trên toàn cầu, các khoản đầu tư mới ra nước ngoài của doanh nghiệp năm 2022 đã giảm 12% so với năm 2021, xuống còn 1.300 tỷ USD. Dòng vốn này khó có khả năng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 do các giám đốc điều hành "không chắc chắn và không thích rủi ro", Liên hợp quốc nhận định.

Với kết quả trên, năm 2022 trở thành năm tồi tệ nhất đối với đầu tư nước ngoài kể từ năm 2009, ngoại trừ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Mặc dù vậy, mức giảm này vẫn nhỏ hơn so với lo ngại của Liên hợp quốc về tác động của những bất ổn kinh tế mà các doanh nghiệp phải đối mặt, bao gồm cả những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, giá lương thực và năng lượng tăng cao cũng như sự cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký UNCTAD cho biết: "Triển vọng đầu tư quốc tế năm ngoái có vẻ vô cùng ảm đạm".

"Cuối cùng, dòng đầu tư quốc tế đã bị ảnh hưởng, nhưng vẫn tỏ ra kiên cường hơn dự kiến", bà Grynspan nhận xét.

Dòng vốn ngoại chảy vào các nền kinh tế phát triển đã giảm 37% trong năm 2022. Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến một lượng lớn đầu tư nước ngoài rời khối này, nhưng Liên hợp quốc cho biết kết quả này đã bị "bóp méo" bởi các biến động lớn liên quan đến Luxembourg, vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giảm hóa đơn thuế.

Liên hợp quốc cho biết các khoản đầu tư mới vào EU, nếu không kể Luxembourg, đã tăng từ 127 tỷ USD lên 197 tỷ USD trong năm 2022.

Trung Quốc, dù vẫn đứng sau Mỹ, nhưng đã chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nhiều nhất từ trước đến nay với mức tăng 5% lên 189 tỷ USD. Phần lớn mức tăng này đến từ các doanh nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, chiều hướng này cũng có thể thay đổi bởi giới chức châu Âu đã trở nên cảnh giác hơn với tham vọng kinh tế và sự thống trị của Trung Quốc trong một số chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, đã đề cập đến khả năng kiểm soát đầu tư ra nước ngoài của khối này vào thị trường Trung Quốc.

Theo Liên hợp quốc, ngày càng có nhiều quốc gia sàng lọc đầu tư nước ngoài để đề phòng các mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia ở một số lĩnh vực. Năm 2022, tổng số quốc gia sàng lọc đầu tư nước ngoài đã tăng từ 35 lên 37 quốc gia, trong khi 9 quốc gia đang xem xét mở rộng phạm vi sàng lọc.

Cần lưu ý rằng năm 2006, chỉ có ba quốc gia sàng lọc đầu tư nước ngoài vì lý do an ninh.

Liên hợp quốc ước tính rằng số lượng các giao dịch mua bán và sáp nhập xuyên biên giới bị sụt giảm vì những lo ngại về pháp lý hoặc chính trị đã tăng 1/3 kể từ năm 2021.

Những dấu hiệu khác cho thấy một số chính phủ đã thận trọng hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu, khi vài thập kỷ gần đây các doanh nghiệp phân chia sản xuất ở một số quốc gia nhất định để hưởng lợi từ chi phí trả lương thấp hơn hoặc tiết kiệm chi phí khác.

Mỹ và một số quốc gia khác đang đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn về đảm bảo an ninh cho việc cung cấp các linh kiện/thiết bị quan trọng, chẳng hạn như chip máy tính; đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng ở các quốc gia thù địch tiềm ẩn.

Liên hợp quốc lưu ý rằng mức đầu tư vào các ngành công nghiệp đang "gặp áp lực tái cơ cấu chuỗi cung ứng" đã tăng lên cả về giá trị và số lượng, đi ngược lại xu hướng toàn cầu. Đơn cử, ba trong số năm dự án đầu tư lớn nhất được công bố là thuộc về ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong một báo cáo khác được công bố vào tháng trước, Liên hợp quốc cho biết trong những quý gần đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các quốc gia đang giao dịch nhiều hơn với các đối tác mà họ có liên kết chính trị và xu hướng này sẽ tăng lên.

Các nền kinh tế đang phát triển đã chiếm tỷ trọng kỷ lục trong tổng dòng vốn đầu tư toàn cầu khi tăng 4% lên mức 916 tỷ USD. Đáng chú ý, dòng vốn chảy vào Mỹ Latinh và vùng Caribe ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 51%, lên 208 tỷ USD. Kết quả này phản ánh nhu cầu cao đối với hàng hóa và khoáng sản quan trọng ở khu vực này.

Ngược lại, đầu tư nước ngoài vào Nga sụt giảm 19 tỷ USD do các doanh nghiệp rút khỏi nước này sau khi Điện Kremlin mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Tin liên quan
Tin khác