Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bên phải) trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh |
Dòng vốn “khủng” khơi nguồn cảm hứng đầu tư
Có thể nói, Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng tổ chức ngày 2/4) không chỉ mở ra “màu xanh hy vọng”, mà còn góp phần củng cố niềm tin đối với doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại địa phương.
Trong đó, tại sự kiện này, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố, tạo hành lang pháp lý vững chắc, “mở đường” khơi thông các nguồn lực.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, các quy hoạch được duyệt là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đã được Bộ Chính trị đề ra. Đây là bước cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, những nhiệm vụ, giải pháp tạo sức bật đột phá cho sự phát triển của Khánh Hòa. Đồng thời, các quy hoạch này tạo lộ trình và tổ chức không gian phát triển, gắn với các trụ cột kinh tế để tạo nên những giá trị mới, hiện thực hóa khát vọng đưa vùng đất rất giàu tiềm năng, lợi thế này phát triển nhanh, bền vững.
Một số dự án hút vốn “khủng” vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa trao quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư
- Dự án Nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home tại phường Cam Nghĩa của Công ty cổ phần Muối Cam Ranh, tổng vốn đầu tư 3.756 tỷ đồng;
- Dự án Nhà ở xã hội Hưng Phú II của Công ty TNHH Thiết kế Đầu tư Xây dựng Nguyên Hạnh, tổng vốn đầu tư 1.014 tỷ đồng;
- Dự án Khu du lịch sinh thái Thanh Vân của Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Thanh Vân, tổng vốn đầu tư 1.175 tỷ đồng;
- Dự án Khu du lịch Bãi Cát Thấm của Công ty cổ phần T&M Vân Phong, tổng vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng.
Tỉnh Khánh Hòa đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho các nhà đầu tư chiến lược. Tổng cộng có 22 ngành, lĩnh vực được kêu gọi đầu tư với 137 dự án kêu gọi đầu tư. Tổng vốn đầu tư các dự án lên đến 91.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, tổng vốn đăng ký lên đến 85.293 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh có quy mô sử dụng đất 1.254,14 ha, dân số gần 231.000 người, với 8.474 căn nhà liền kề, 10.732 biệt thự, 19.816 căn nhà ở xã hội.
Còn quá sớm để nói về tính hiệu quả trên thực tế, nhưng con số trên phần nào là minh chứng sinh động cho một bước khởi đầu đầy khát vọng. Nói như ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư chỉ được coi là thành công khi các con số, các dự án trao quyết định được hiện thực hóa, trở thành những giá trị góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân Khánh Hòa. Ông Ninh cũng mong muốn nhà đầu tư đã cam kết phải thực hiện, thực hiện phải hiệu quả, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sự kiện.
Dự án Vegacity với điểm nhấn là công trình nghệ thuật Nhà hát Đó hứa hẹn sẽ là điểm du lịch đặc sắc của du khách ở Khánh Hòa |
Đầu tư bằng niềm tin và khát vọng
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, tính đến nay, tập đoàn này đã đầu tư gần 41.000 tỷ đồng vào tỉnh Khánh Hòa. Vingoup đang tiếp tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội, trường phổ thông liên cấp… tại địa phương này.
Ông Quang khẳng định, Vingroup luôn chủ động, đồng hành cùng Khánh Hòa, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trên địa bàn, đồng thời cam kết gắn bó lâu dài.
“Trong tương lai, Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp khác có nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa, để vừa mang lại lợi tích thiết thực cho doanh nghiệp, vừa góp sức cho sự phát triển của tỉnh”, ông Quang tin tưởng.
Hầu hết doanh nghiệp có chung mong muốn là sau khi các quy hoạch lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khánh Hòa cần sớm cụ thể hóa các quy hoạch này bằng các quy hoạch phân khu, chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu xây dựng..., làm cơ sở chấp thuận các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi chờ các dự án mới sớm được hiện thực hóa, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Khánh Hòa có cái nhìn đầy thiện cảm về môi trường đầu tư, kinh doanh tại đây.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ, ông nhìn thấy ở Khánh Hòa những “bức tranh” trong tương lai đầy xán lạn. “Tôi thấy bức tranh ấy có các bạn sinh viên từ khắp nơi trên thế giới về học tập, nô đùa trên bờ biển trước khi vào giảng đường. Họ nhảy xung quanh đống lửa khi hoàn thành xong đề án nghiên cứu. Tôi thấy thấp thoáng trong các vườn cây, trong phòng thí nghiệm, trong các khu biệt thự của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, chip, vắc-xin, robot… Tôi nhìn thấy tổ hợp khổng lồ tại Khánh Hòa”, ông Bình hình dung về một tương lai tươi sáng.
Ông Bình nhìn nhận, nếu những nét vẽ ấy trở thành hiện thực, thì có thể nói, đây sẽ trở thành động lực mạnh mẽ để đưa Việt Nam ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bền vững trong nhiều năm tới. “Ước mơ ấy có thành hiện thực không phụ thuộc vào chúng ta có khát khao điều đó không? Chúng ta có muốn đổi đời bằng giấc mơ đó không? FPT tin tưởng vào điều đó và cam kết tại hội nghị năm sau, chúng tôi sẽ đưa vào vận hành tổ hợp giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm tại Khánh Hòa. Chúng tôi sẽ tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của Khánh Hòa, của Việt Nam và có danh sách khách hàng quốc tế lựa chọn đến Nha Trang. FPT có một ước mơ và khát vọng đồng hành cùng Khánh Hòa thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển xanh”, ông Bình chia sẻ.
Còn với ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT KDI Holdings (chủ đầu tư Dự án Vegacity), Khánh Hòa là “cô gái đẹp và dịu dàng”. “Lúc đầu, chúng tôi đầu tư thấp, nhưng càng ngày càng đầu tư nhiều thêm. Tính thu hút của Khánh Hòa, từ tự nhiên đến con người và văn hóa, làm cho chúng tôi muốn đầu tư dài hạn”, ông Dũng chia sẻ.
Để thực hiện thành công các quy hoạch, ông Tuân cho biết, Khánh Hòa sẽ thực hiện 5 ưu tiên. Đó là, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các vùng động lực và hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch phân khu. Đồng thời, quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện chỉ số quản trị địa phương để trở nên cạnh tranh hơn; tiếp tục nâng cao chất lượng lao động nhằm tăng cường lợi thế so sánh.
Sau Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư có thêm niềm tin để đầu tư vào Khánh Hòa. Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa cần huy động nguồn lực đối tác công - tư, cải thiện môi trường đầu tư nhanh, kịp thời.
Đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một áp lực, nhưng Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Càng áp lực, càng phải nỗ lực”. “Khánh Hòa cần khẩn trương hoàn thiện hiệu quả các quy hoạch, có chương trình hành động cụ thể hóa 2 quy hoạch vừa công bố; công khai, minh bạch cho người dân giám sát việc thực hiện các quy hoạch; đẩy mạnh phát triển đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng; nghiên cứu tạo cơ chế thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội cho các vùng động lực”, Thủ tướng nói.
Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị kinh doanh đầu tư theo đúng quy định luật pháp, bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa, kinh doanh làm mạnh, đồng thời làm tốt công tác xã hội.
Mặt khác, chiến lược kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch của quốc gia, của vùng và của tỉnh Khánh Hòa; phát triển bền vững, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, kinh tế xanh... “Doanh nghiệp nói là phải làm. Cam kết phải thực hiện. Thực hiện phải hiệu quả và cân, đong, đo đếm được”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tạo điều thuận lợi, tiết giảm đầu vào cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai thuận lợi hơn...