Khánh Hòa và Đắk Lắk ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 |
Những “”mũi tên”” chiến lược
Dù chưa thể cân đối vốn ngay, nhưng Bộ Giao thông - Vận tải đã thống nhất đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa về nhu cầu đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 26B để đảm bảo kết nối đồng bộ tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 26B có tính chất quan trọng trong việc kết nối hành lang Đông - Tây của cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cũng như tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang với khu vực phát triển công nghiệp và cảng Nam Vân Phong theo định hướng Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.
Ngoài đường bộ Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B, Khánh Hòa còn kết nối với khu vực Tây Nguyên thông qua tuyến cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột đang được triển khai xây dựng. Đây là tuyến đường nối rừng với biển, kết nối Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung, cũng là tuyến vận chuyển nông sản của Tây Nguyên xuất khẩu đến các nước thông qua các cảng biển nước sâu tại Khu kinh tế Vân Phong, gồm Cảng tổng hợp Nam Vân Phong 70.000 DWT và Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong 50.000 DWT.
Khi đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành, đi vào khai thác, sẽ tăng cường thêm một trục ngang quan trọng, cùng với tuyến Quốc lộ 26 kết nối đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh để phục vụ kết nối Khánh Hòa với Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Điều này sẽ tạo động lực phát triển cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và vùng Tây Nguyên - duyên hải Nam Trung bộ nói chung.
- Dự án Đường cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.
- Dự án Định hướng phát triển Cảng hàng không quốc tế Vân Phong trên diện tích 500 - 550 ha, tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh.
- Dự án Định hướng phát triển Cảng biển du lịch quốc tế Đầm Môn - Bắc Vân Phong, trên diện tích 30-50 ha, tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
-Dự án Định hướng phát triển Cảng tổng hợp, container Nam Vân Phong trên diện tích 500-600 ha tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.
- Dự án Định hướng phát triển Khu công nghiệp Ninh Sơn trên diện tích 480 ha, tại thôn 1, thôn 2 và thôn 5, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa.
- Dự án Định hướng phát triển Khu công nghiệp Ninh Xuân trên diện tích 1.000 ha tại xã Ninh Sim, xã Ninh Xuân, xã Ninh Tây thị xã Ninh Hòa.
- Dự án Định hướng phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Ninh Thọ trên diện tích 370 ha, tại xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa.
- Dự án Định hướng phát triển Khu công nghiệp Vạn Lương trên diện tích 200 ha, tại xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh.
“Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi vào khai thác, sẽ giúp hình thành và phát triển tuyến hành lang kinh tế Vân Phong - Buôn Ma Thuột. Qua đó, cải thiện năng lực cạnh tranh vùng và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa và khu vực Khu kinh tế Vân Phong nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung, tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế, kết nối các trung tâm kinh tế của khu vực, cảng biển quốc tế; tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng”, UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Trong khi đó, Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ YangBay - Tà Gụ kết nối Quốc lộ 27C và Đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận bắt đầu khởi động về thủ tục hồ sơ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hội đồng Thẩm định nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Khánh Hòa bổ sung hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về lâm nghiệp, trình Chính phủ để trình Quốc hội vào kỳ họp sớm nhất.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng Thẩm định nhà nước có ý kiến đánh giá rõ ràng về các nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư. Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đang cùng các cơ quan có liên quan chuẩn bị các điều kiện, cơ sở pháp lý để trình Chính phủ xem xét.
Dự án trên sau khi hoàn thành sẽ góp phần xóa bỏ tính độc đạo của Tỉnh lộ 9 nối Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cam Ranh đến huyện Khánh Sơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và tỉnh Khánh Hòa nói chung; kết nối liên vùng với 2 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của 3 tỉnh. Bên cạnh đó, hình thành trục giao thông theo hướng Bắc - Nam, nối Tỉnh lộ 9 với đường Sông Cầu - Yang Bay (đường tỉnh 654C) ra Quốc lộ 27C (nối Nha Trang - Đà Lạt).
Mở toang cánh cửa hợp tác thương mại, du lịch
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, những năm qua, việc hợp tác liên kết phát triển với các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; du lịch; giao thông - vận tải… đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước đi vào chiều sâu trên từng lĩnh vực.
Điều này góp phần cụ thể hóa định hướng hợp tác vùng nêu trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương đối tác.
Với tiềm năng phát triển về du lịch, Khánh Hòa đã đẩy mạnh hợp tác liên kết song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành trong vùng duyên hải miền Trung và cả nước. Khánh Hòa còn là thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm nông, thủy sản sản xuất trong tỉnh và các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa là tỉnh trung tâm của vùng Nam Trung bộ tập trung khá nhiều các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu cùng với lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất trong tỉnh, cũng như từ các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định. Vì vậy, sản lượng chế biến thủy sản của tỉnh tăng trưởng mạnh.
Không chỉ là thị trường tiêu thụ chủ yếu cho sản phẩm nông sản của các tỉnh lân cận, Khánh Hòa còn là nơi cung cấp các sản phẩm cho các địa phương lân cận và trong cả nước, nhất là các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như thủy sản, sầu riêng, bưởi da xanh, mía tím...
Khánh Hòa đã chủ động liên hệ, phối hợp và hỗ trợ tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải mang tính kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa các tỉnh liền kề, đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trong khu vực. Mới đây nhất, Khánh Hòa và Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển giữa 2 tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk là hướng đến phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả tốt nhất tiềm năng, lợi thế của 2 tỉnh, phát huy tối đa nội lực, huy động tốt nhất các nguồn lực bên ngoài thông qua tăng cường giao thương, giao lưu văn hóa giữa hai tỉnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, bản sắc của mỗi địa phương, mở ra cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với 2 tỉnh.
“Ngoài ra, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa tiếp tục nghiên cứu, tổ chức liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đồng thời mở rộng việc liên kết với vùng Tây Nguyên về một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng liên kết hợp tác, tạo động lực phát triển song phương và phát triển toàn vùng”, ông Tuân chia sẻ.
Ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá, việc hợp tác giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk không những phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực để cùng nhau phát triển, mà còn tác động đến sự phát triển của vùng Tây Nguyên - duyên hải miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung…
“Ngay sau lễ ký kết hợp tác, 2 địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để việc ký kết mang lại hiệu quả cao gắn với quan điểm hợp tác phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị truyền thống văn hóa; góp phần phát triển Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ, giữ vững quốc phòng - an ninh; tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều lĩnh vực hợp tác khác phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tiễn, nhằm hợp tác hiệu quả sâu rộng, đưa 2 tỉnh phát triển lên tầm cao hơn nữa…”, ông Định mong muốn.