Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: Nghĩa Đức). |
Sáng 25/4 Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14, thẩm tra nội dung về kinh tế - xã hội, sẽ được trình Quốc hội ngay phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, năm 2023 có tới 1/3 số chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Nếu năm 2024 không duy trì được đà phục hồi và phát triển thì khó có thể hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021- 2025.
Ba năm đầu nhiệm kỳ tăng trưởng bình quân chỉ có 5,24 % mà theo nghị quyết của Quốc hội thì kế hoạch 5 năm GDP tăng 6,5-7%, muốn đạt chỉ tiêu này thì 2 năm cuối nhiệm kỳ phải tăng phải 8,5%, mà Quý I/2024 chỉ tăng có 5,66 %, dù đã là cao nhất quý 1 từ 2020 đến nay.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Nghĩa Đức) |
Từ thực tế trên, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị các vị đại biểu dự phiên họp đánh giá tình hình một cách trung thực, khách quan, đúng đắn nhất xem các yếu tối nội tại của nền kinh tế đã phục hồi chưa, cần tìm các động lực mới nào để có thể đạt được chỉ tiêu của năm 2024 cũng như của kế hoạch 5 năm.
Quản lý thị trường vàng còn bất cập, nợ xấu tăng
Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung khái quát, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 đã có những thay đổi tích cực hơn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 Ủy ban Kinh tế Quốc hội - Ảnh: Nghĩa Đức |
Tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (đã báo cáo đạt trên 5%); thu NSNN đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, vượt 8,2% (tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với so đã báo cáo Quốc hội và dự toán năm 2023); xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 15 tỷ USD); thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 27-30 tỷ USD); vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 20-22 tỷ USD)...
“Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, ứng phó, thích ứng và nỗ lực phấn đấu để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế, xã năm 2023 nhưng có 5/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến các quốc gia đang phát triển. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, sạt lở đất, bờ sông, bờ biến, tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề..”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung báo cáo.
Về tình hình những tháng đầu năm 2024, nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn do khô hạn, xâm nhập mặn tăng cao. Tình hình nắng nóng, hạn hán, thiêu nước dự báo tiêp tục diên biên phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, cần chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời.
Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu; tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước Quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019 . Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhât với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay. Trong Quý I, có gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 4/4 chỉ tăng 0,95% so với năm 2023.
“Thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm, làm tăng giá vé máy bay nội địa, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân”, ông Trung cho hay.
Khó khăn tiếp theo được Thứ trưởng đề cập là, ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững nhưng còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm. Tốc độ tăng CPI bình quân có xu hướng tăng dần trong các tháng đầu năm. Tỷ giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khàn, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn.
Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Như quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, phòng cháy chữa cháy (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Thông tư số 02/2021/TT-BXD), quản lý thuế đối với giao dịch liên kết (Nghị định 132/2020/ND-CP)...
Thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng nêu rõ, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế;. Theo dõi sát tình hình thế giới trong nước, phối họp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chủ động phương án ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống có thể phát sinh; thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Giải pháp tiếp theo được Thứ trưởng đề cập là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước; tiếp tục triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách thuế, phí, lệ phí... hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, liên vùng, liên tỉnh, năng lượng. Huy động và sử dụng hiệu quả khoản vay ODA 2,5 tỷ USD cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá; tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Xây dựng, triển khai hiệu quả các gói tín dụng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; hoàn thiện các quy định và tăng cường quản l thị trường vàng, cũng là nội dung được Thứ trưởng đề cập.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra, ông Đỗ Thành Trung báo cáo.