Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ trao giấy chứng nhận cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào KCN Trà Nóc 2, TP.Cần Thơ. |
Tại Diễn đàn đã diễn ra các phiên nội dung: “Giới thiệu về ĐBSCL: cơ hội mới trong hợp tác Việt- Nhật”; “Xu thế đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản ra nước ngoài và tại Việt Nam trong thời gian sắp tới”; “Sức hút của vùng ĐBSCL đối với doanh nghiệp Nhật Bản- Mục tiêu hướng tới là cùng đồng hành với ĐBSCL”. Bên cạnh đó là các phiên tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa ĐBSCL và Nhật Bản”...
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hơn bao giờ hết đây là thời điểm tốt nhất để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Theo ông Lộc, các tỉnh trong vùng ĐBSCL có môi trường kinh doanh đầu tư tốt, chất lượng năng lực điều hành của chính quyền cao nhất nước, đây là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư. Bên cạnh tiềm năng về nguồn nguyên liệu nông, thủy sản, nguồn lao động...các tỉnh trong vùng đang đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội đầu tư, kinh doanh mới theo xu hướng phát triển kinh tế thân thiện, thuận hòa với thiên nhiên.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó có ĐBSCL. Tính đến nay, đã có 4.300 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 59 tỷ USD. Nhưng riêng tại vùng ĐBSCL, qui mô đầu tư của Nhật Bản còn thấp rất nhiều so với tiềm năng hợp tác của hai bên. Ông Mạnh cho biết, để tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Cần Thơ đã không ngừng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, như: thành lập khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản; thành lập Tổ công tác Nhật Bản tại Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ) nhằm kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, Thành phố đã ban hành Bản cam kết 10 điểm đối với nhà đầu tư Nhật Bản. Ông Mạnh mong rằng, sắp tới sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ về dòng vốn đầu tư của Nhật Bản tới Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại TP. Hồ Chí Minh nói: “Tôi đã đi đến nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và nhận thấy nơi đây rất có nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng nông sản, cây trái ở ĐBSCL rất ngon, nhưng theo tôi, một trong những vấn đề cần quan tâm giải quyết hiện nay đối với vùng này là vấn đề vận chuyển, logistics cần phải được khơi thông nhằm mang những món ngon, hàng hóa của vùng giới thiệu, buôn bán ra bên ngoài”.
Ông Toshinao Tanaka, Tổng Giám đốc Công ty Takesho Food & Ingredients (Nhật Bản) cho biết, Công ty chọn Cần Thơ để đầu tư bởi nhận thấy những lợi thế về cơ sở hạ tầng của TP. Cần Thơ, tiềm năng về nguồn nhân lực,nguồn tài nguyên phong phú. Bên cạnh đó là sự tương đồng giữa Cần Thơ và TP. Niigata- nơi đặt trụ sở chính nhà máy của Công ty.
Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh doanh Mekong- Nhật Bản,ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Takesho Food & Ingredients Inc (Nhật Bản) thực hiện dự án đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm Takesho Food tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (Phường Phước Thới, quận Ô Môn), với ngành nghề: Sản xuất, chế biến gia vị và nguyên liệu; bán buôn thực phẩm, máy móc, thiết bị và phụ tùng máy; nghiên cứu và phát triển thực nghiệm khoa học tự nhiên và kỹ thuật...Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 21.000 m2, có công suất thiết kế khoảng 600,000 tấn sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư là 184.856.000.000 (tương đương 8.000.000 USD). Dự kiến, trong quý 1/2020, dự án sẽ được khởi công xây dựng và đến quý 1/2021 sẽ chính thức đi vào hoạt động.