Cần đánh giá kỹ tác động của việc thu phí hạ tầng cảng biển, tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. |
Đánh giá kỹ tác động
Tuần trước, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã phê duyệt đề xuất hoãn thời điểm thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là thu phí hạ tầng cảng biển) đến ngày 1/10/2021, thay vì từ ngày 1/7/2021 như kế hoạch.
Theo nội dung Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, việc thu phí được kỳ vọng mang về hơn 3.000 tỷ đồng/năm cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ kết nối cảng biển trên địa bàn Thành phố.
Theo đơn vị lập đề án là Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách, số tiền trích lại cho đơn vị tổ chức thu phí tối đa không quá 1,5%.
Thông qua hệ thống 24/7 của ngân hàng thương mại, hoạt động thu phí được khẳng định sẽ đảm bảo thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch và đồng bộ trên địa bàn Thành phố, giúp tự động hóa việc nộp thuế/phí, giảm nhân lực và thời gian cho doanh nghiệp.
Theo Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT TP.HCM), cảng biển tại TP.HCM là cảng tổng hợp đầu mối khu vực loại 1, có vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hóa khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TP.HCM là 170 triệu tấn/năm, trong khi theo quy hoạch chỉ 116 triệu tấn/năm. Dự báo thời gian tới sẽ rất căng thẳng bởi lưu lượng hàng hóa thông qua cảng ngày một tăng.
Các tuyến đường chính ra vào cảng chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đã kéo giảm tốc độ, hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa, vấn nạn kẹt xe đã níu đà tăng trưởng của các cảng biển, làm doanh nghiệp tăng chi phí.
Trước tình hình đó, Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu đơn vị này xây dựng Đề án Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng công trình tiện ích, dịch vụ khu vực cửa khẩu biển (Đề án Thu phí hạ tầng cảng biển).
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) là một trong số các hiệp hội ngành nghề thường xuyên lên tiếng, góp ý về Đề án Thu phí hạ tầng cảng biển từ khi mới được Thành phố thông qua vào cuối năm ngoái.
Đến nay, thời gian áp dụng thu phí đã được dời lại 3 tháng. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP tạm thời bớt lo cho gánh nặng của doanh nghiệp hội viên, nhưng vẫn trăn trở và cho rằng, TP.HCM cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để thực hiện việc thu phí.
Theo ông Hòe, vấn đề không chỉ là thu để có tiền tái đầu tư, mà phải xem xét nếu thu tại thời điểm đang còn nhiều vấn đề phức tạp sẽ tạo ra những hiệu ứng mà chưa thể đánh giá một cách đúng mức.
“Cần đánh giá kỹ tác động khi áp dụng quy định này trên tất cả các phương diện về mặt tài chính, xã hội, tăng trưởng xuất khẩu cũng như hình ảnh của TP.HCM. Trong giai đoạn mà các công ty còn đang vật lộn hết sức vất vả với Covid-19, lại có thêm những vấn đề gây bức xúc thì chắc chắn, tâm lý doanh nghiệp không ổn và hình ảnh về Thành phố không được tích cực”, ông Hòe nhấn mạnh.
Doanh nghiệp ngoài TP.HCM chịu gánh nặng hơn
Một vấn đề nữa cũng gây tranh cãi trong Đề án Thu phí hạ tầng cảng biển là mức phí chênh lệch lớn với hàng nhập và xuất khẩu nếu mở tờ khai tại TP.HCM so với mở tờ khai ngoài TP.HCM.
Cụ thể, đối với hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20 feet, 1 triệu đồng/cont đối với container 40 feet và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Với hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM sẽ áp dụng mức thu là 250.000 đồng/cont đối với container 20 feet, 500.000 đồng/cont với container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
TP.HCM đã có cân nhắc, tính toán trước khi giao sở, ngành liên quan xây dựng Đề án Thu phí hạ tầng cảng biển. Điều mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm trong đề án này là, nếu mở tài khai hải quan ở TP.HCM thì họ có thể giảm chi phí nhiều hơn so với doanh nghiệp buộc phải mở tờ khai ngoài TP.HCM hay không?
Doanh nghiệp mở tờ khai hải quan ở đâu thì đóng thuế ở đó. Ông N.D.M, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải chuyên đường biển, hàng không, vận chuyển nội địa, dịch vụ hải quan và kho bãi (xin giấu tên) cho rằng, nếu một công ty ở Đồng Nai khi nhập hàng về có thể khai báo, đóng thuế ở cảng Cát Lái và đơn vị này sẽ nộp kho bạc TP.HCM. Hoặc, doanh nghiệp cũng có quyền khai báo ở Cục Hải quan Đồng Nai và nộp thuế cho Đồng Nai.
Mọi chi phí của doanh nghiệp hiện nay đều được cân nhắc kỹ. Các doanh nghiệp sản xuất thường chọn ủy thác cho các đại lý đảm nhận mọi thủ tục hải quan, mở tờ khai, vận chuyển xuất khẩu. Với mức phí thấp hơn một nửa, sẽ có không ít doanh nghiệp chọn phương án mở tờ khai ở TP.HCM.
“Mức phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai ở TP.HCM với ngoài TP.HCM là cách giúp tăng nguồn thu ngân sách cho TP.HCM, còn các tỉnh khác có thể gặp khó”, ông N.D.M nêu quan điểm.
Ông Trương Đình Hòe thì thắc mắc, không hiểu căn cứ vào đâu, TP.HCM đưa ra quy định đó.
Một trung tâm giao thương thuận tiện nhất khu vực Đông Nam bộ cũng như so với cả nước mà áp dụng mức phí chênh lệch như trên sẽ tạo nên sự phân biệt đối xử trong kinh doanh. Thậm chí, VASEP còn lo ngại sẽ có tình trạng doanh nghiệp đổ xô về TP.HCM mở tờ khai.