Doanh nghiệp
Gánh nặng chi phí vẫn đè lên vai doanh nghiệp
Khánh An - 01/07/2021 09:49
Hàng loạt đề xuất của doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước đang đợi trả lời gấp, để dự liệu hoạt động kinh doanh trong 6 tháng tới.
Cảng Gemalink Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Toàn

Những câu trả lời nửa vế

Cuối cùng, đề xuất của doanh nghiệp về lùi thời gian thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM đã được hồi đáp.

Cuộc họp HĐND TP.HCM cuối tuần trước đã quyết nghị lùi thời gian thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng tại cảng biển đến 0h ngày 1/10/2021, thay vì ngày 1/7/2021 như kế hoạch. Với quyết định này, khoảng 723 tỷ đồng (số phí dự kiến thu được trong 3 tháng) đã được xem như khoản TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp.

“Việc sửa đổi chính sách kịp thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) viết trong công văn gửi HĐND TP.HCM.

Mặc dù so với các đề xuất của VCCI cũng như nhiều hiệp hội doanh nghiệp trước đó, khoảng thời gian này là tương đối ngắn. Trong văn bản gửi HĐND TP.HCM trước đó, VCCI đề xuất thời gian hoãn thu phí là 6 tháng, tính đến ngày 1/1/2022. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đề xuất không thu phí hạ tầng cảng biển đến hết năm 2021, áp dụng cho cả TP.HCM và Hải Phòng.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics còn đề nghị lùi 1 năm, đến ngày 1/7/2022, để giảm bớt áp lực, khó khăn về tài chính vận hành các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trước tác động kéo dài của Covid-19.

Tuy nhiên, điều mà các hiệp hội, doanh nghiệp mong muốn nhận được hơn cả trong lần sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM đã không có.

Trong văn bản gửi HĐND TP.HCM, VCCI đã đề nghị xem xét lại quy định về mức thu phí, vì có những điểm chưa phù hợp, gây ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng nộp phí. Cụ thể, chênh lệch mức nộp phí giữa doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP.HCM và doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP.HCM lên tới 100%.

Trong bản tổng hợp các vấn đề, kiến nghị của doanh nghiệp và cập nhật kết quả giải quyết của Ban IV, nội dung này đã được đưa vào kiến nghị tiếp theo. Theo đó, Ban IV dự kiến trình Chính phủ đề nghị làm rõ tính hợp lý của mức thu và thời gian thu so với tổng mức đầu tư các hạ tầng liên quan (không bao gồm hạ tầng đã thu các phí khác). Hơn thế, Ban VI còn cho rằng, quy định gây bất bình đẳng về mức thu với các doanh nghiệp là vi phạm tinh thần Luật Phí và đề nghị loại bỏ.

Các đề xuất đang đợi phản hồi

Dù chưa được như kỳ vọng, nhưng doanh nghiệp logistics đang hoạt động ở khu vực TP.HCM có thể tạm an tâm phần nào. Nhưng những doanh nghiệp khác lại không được như vậy. Bà Trần Thanh Huyền, Văn phòng Luật sư NHQuang & Associates đã từng kể một câu chuyện vui, nhưng có lẽ với hàm ý ngược lại.

“Chúng tôi đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng đề nghị giải thích vướng mắc của khách hàng trong thực hiện một quy định, nhưng câu trả lời nhận được là phần trích dẫn điều khoản chúng tôi đề cập và đề nghị luật sư có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng của mình thực hiện đúng. Lần khác, câu trả lời nhận được là, cơ quan không có thẩm quyền và đề nghị gửi cơ quan khác. Với các câu trả lời như vậy, chúng tôi sẽ tuân thủ thế nào?”, bà Huyền đặt câu hỏi.

Nhưng còn nhiều câu hỏi vẫn để trống phần phản hồi. Trong danh mục các kiến nghị chưa được trả lời mà Ban IV tổng hợp đến cuối tháng 6/2021, có nhiều đề xuất được gửi từ đầu năm 2021, thậm chí trước đó.

Ví dụ, kiến nghị gửi Tổng cục Hải quan về việc chỉ đạo các cục, chi cục hải quan thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, không tính gộp trường hợp “nợ lệ phí trong hạn” vào diện “còn nợ” để tạo điều kiện cho quá trình hoàn thuế của doanh nghiệp. Hiện tại, khi xét duyệt hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan đang áp dụng điều kiện “Người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản phải nộp khác, bao gồm cả tiền phí, lệ phí còn nợ” cho cả các khoản lệ phí hải quan mà doanh nghiệp được phép “nợ” hay còn gọi là “nợ trong hạn” đối với hình thức đóng lệ phí theo tháng, khiến nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện hoàn thuế.

Hay như kiến nghị triển khai đồng bộ Hệ thống Miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa bằng điện tử để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì nộp hồ sơ điện tử, trả kết quả giấy như một số chi cục hải quan, khiến doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện…

Thực tế, theo nhận định của VCCI, doanh nghiệp Việt Nam mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh rất nặng nề, nhưng vẫn phải kinh doanh với các chi phí đầu vào rất cao so với các nước trong khu vực. Những quyết định giãn, hoãn các khoản phải nộp, giảm mức nhiều khoản lệ phí mà các bộ, ngành kiến nghị gần đây đang đỡ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế, doanh nghiệp cần được đỡ gánh nhiều hơn, kịp thời hơn.

“Chúng tôi không kỳ vọng ngay có một cuộc cách mạng về chi phí cho doanh nghiệp, chỉ mong lúc này, các bộ, ngành, địa phương đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nền kinh tế lên trên lợi ích cục bộ, để doanh nghiệp đỡ gánh hơn”, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ quan điểm.

Tháng 6/2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 30,8% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đăng ký mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng giảm so với cùng kỳ. Điều này là dễ hiểu, khi đợt dịch lần thứ 4 (bắt đầu từ tháng 5/2021) càn quét các khu công nghiệp, chặn đứng kế hoạch khởi động của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, hàng không.

Tuy nhiên, số liệu 6 tháng đầu năm lại cho bức tranh ngược lại. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 6 tháng là 67.083 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay.

Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã thể hiện sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác