Adani Group, Tập đoàn được sáng lập bởi Gautam Adani - người giàu nhất châu Á, giàu thứ 3 trên thế giới chứng kiến vốn hoá thị trường giảm hơn 71 tỷ USD chỉ trong vài phiên giao dịch gần đây, khi một hãng đầu tư của Mỹ tung bằng chứng cho thấy yếu tố thiếu minh bạch trong hệ sinh thái này.
Vốn hoá bốc hơi 71 tỷ USD
Thứ Ba tuần trước (24/1/2023), Hindenburg Research - một công ty đầu tư nổi tiếng với các thương vụ bán khống và “đặt cược” đối ngược với các công ty tiền điện tử, các nhà sản xuất xe điện chưa tạo ra lợi nhuận… tung ra báo cáo cáo buộc Adani Group - tập đoàn của tỷ phú Ấn Độ Gautam Andani là “một hệ thống thao túng giá chứng khoán và thực hiện các gian lận kế toán”.
Sau khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu của hàng loạt công ty thuộc Adani Group lập tức lao dốc. Tuy “may mắn” là thị trường chứng khoán Ấn Độ có 2 phiên nghỉ lễ trong tuần trước, nhưng chỉ trong 3 phiên giao dịch gần nhất, tính tới ngày hôm nay (30/1), vốn hoá thị trường của Adani Group đã giảm 71 tỷ USD và đà giảm chưa có dấu hiệu dừng lại.
Một số cổ phiếu của các công ty con, công ty liên kết với Adani Group đã giảm hơn 20%, chạm ngưỡng tối đa theo quy định của sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ và bị tạm ngừng giao dịch trong phiên. Chỉ số chứng khoán cơ sở của thị trường Ấn Độ chịu tác động, giảm 1,6% trong 1 phiên, mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng qua.
Adani Group bác bỏ cáo buộc của Hindenburg, công bố các tài liệu liên quan tới hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, trả lời các câu hỏi được gửi tới, đồng thời cho rằng, Hindenburg có “dã tâm” tác động tới giá cổ phiếu của Tập đoàn để hưởng lợi từ hoạt động bán khống cổ phiếu.
“Sự biến động của thị trường chứng khoán Ấn Độ xuất phát từ báo cáo của Hindenburg sẽ tạo ra mối nguy hại lớn và có tác động tiêu cực tới các công dân - nhà đầu tư Ấn Độ”, Giám đốc Pháp lý của Adani Group cho biết và đe doạ sẽ tiến hành vụ kiện chống lại Hindenburg.
Hệ sinh thái phức tạp và cáo buộc thao túng giá cổ phiếu
Hindenburg nổi tiếng phố Wall với hoạt động bán khống (short seller) - giao dịch được thực hiện khi tài sản chính có xu hướng giảm/tiêu cực. Theo đó, Công ty kiếm tiền khi giá cổ phiếu mà họ “đặt cược” giảm.
Báo cáo của Hindenburg thể hiện Adani Group là case study điển hình của thông lệ quản trị xấu, hoạt động tài chính thiếu minh bạch, hệ sinh thái gắn kết phức tạp với các hành động thao túng giá cổ phiếu.
Trong đó, một số điểm nhấn bao gồm tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành (free float) của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong hệ sinh thái Adani Group ở mức rất thấp, thuận tiện cho thao túng giá, một lượng lớn cổ phiếu được thế chấp cho các khoản vay, tối đa sử dụng đòn bẩy. Hệ thống công ty chằng chịt khi 7 công ty niêm yết sở hữu tới 578 công ty con, công ty liên kết…
Bên cạnh đó, vấn đề quản trị cũng là dấu hỏi khi đa phần lãnh đạo là “người nhà”.
Hệ quả là, hàng loạt doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao, dòng tiền kinh doanh âm, rủi ro thanh khoản lớn…, nhưng được định giá cao trên thị trường. Một số cổ phiếu thuộc hệ sinh thái này tăng giá gần 1.500% trong 3 năm qua.
Diễn biến tăng giá của một số cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Adani Group.
Trước đó, chỉ trong vòng chưa tới 3 năm, Gautam Adani trở thành người giàu nhất châu Á. Không lâu sau đó, khối tài sản của vị tỷ phú này vượt qua các tên tuổi Warren Buffett và Bill Gates, trở thành người giàu thứ ba trên hành tinh. Hiện tại, Gautam Adani chỉ còn 2 đối thủ là tỷ phú Jeff Bezos - ông chủ Amazon và Elon Musk - người sáng lập Tesla.
Năm 2022, trong một năm mà rất nhiều tỷ phú chịu đòn đau, chứng kiến tài sản giảm sút chóng mặt, thì khối tài sản của Gautam Adani tăng gần gấp đôi, đạt 141,4 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index.
Thực tế, khối tài sản kếch xù của Gautam Adani đã thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường từ trước, khi các công ty của ông đều sử dụng tỷ lệ đòn bẩy lớn và nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ thân thiết của ông với chính phủ Ấn Độ và Thủ tướng Narendra Modi.
Các chuyên gia tại CreditSight cảnh báo, việc sử dụng đòn bẩy quá lớn tại các doanh nghiệp của tỷ phú Adani tạo nên nhiều rủi ro, cần phải bơm thêm vốn vào các công ty để giảm tỷ lệ nợ vay. Đáp trả các nhận định liên quan tới vấn đề này, Adani Group cho biết, Tập đoàn đã cải thiện các chỉ số về nợ vay trong thập kỷ qua, với tỷ lệ đòn bẩy ở mức “lành mạnh” và phù hợp với thực tế tại các ngành mà doanh nghiệp hoạt động.
Dù đưa ra nhận định không mấy tích cực, nhưng CreditSights cho biết tập đoàn của tỷ phú Adani có mối quan hệ tốt với các ngân hàng cũng như chính quyền Thủ tướng Modi.
Trong khi đó, Sharon Chen - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết: “Adani không phải người duy nhất sử dụng đòn bẩy và các nhà băng sẵn lòng bơm vốn cho vị tỷ phú này. Chừng nào chính quyền của Thủ tướng Modi còn tồn tại, “sức mạnh” của Adani Group vẫn được giữ vững”.
Trong những năm 1980, Gautam Adani đã từng hoạt động tại ngành công nghiệp kim cương, xây dựng đế chế của riêng mình trải dài ở rất nhiều lĩnh vực, từ hàng không cho tới trung tâm dữ liệu, truyền thông, xi măng… Năm 2021, vị tỷ phú này có sự chuyển hướng mạnh mẽ khi cam kết đầu tư 70 tỷ USD cho năng lượng xanh, mục tiêu trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.